Xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo mới, thủ đoạn tinh vi đủ đường: Không cảnh giác, nhiều người đã mất tiền tỷ
(Tổ Quốc) - Lừa đảo qua mạng ngày càng nở rộ với nhiều thủ đoạn, chiêu trò mới và tinh vi. Người dân cần hết sức cảnh giác và nâng cao hiểu biết để tránh rơi vào tình cảnh "cầu cứu" công an.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, hàng chục trường hợp người dân trên cả nước đã đến cơ quan chức năng trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Đáng nói, trong những trường hợp bị lừa, nhiều hình thức lừa đảo đã được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên người dân vẫn sập bẫy.
Mất hàng tỉ đồng từ những chiêu trò... cũ rích
Theo đó, Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của chị H (SN 1984; HKTT: Long Biên, Hà Nội) về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chị H cho biết do có nhu cầu tìm việc nên chị đã lên mạng xã hội facebook tìm kiếm.
Sau đó chị được giới thiệu công việc like trang facebook của các nghệ sỹ sẽ được tiền hoa hồng. Chị H thực hiện theo hướng dẫn và làm nhiệm vụ để nhận được tiền. Tổng số tiền chị đã chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng yêu cầu là gần 1 tỷ đồng.
Một trường hợp khác cũng mất hơn 1 tỷ đồng sau chiêu trò lừa đảo tương tự.
Theo đó, chị Nguyễn Thị T. (SN 1989, ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa) đã bị lừa 1,1 tỷ đồng sau khi tham gia hình thức nghe nhạc được trả tiền.
Thời gian đầu, các đối tượng lừa đảo tạo niềm tin cho người chơi bằng cách trả 50.000 đồng tiền thưởng khi “thả tim” trên ứng dụng Zing MP3. Khi người chơi đã tin tưởng, chúng tiếp tục yêu cầu người chơi làm theo yêu cầu mới để nâng mức trả thưởng. Cụ thể, đối tượng gửi cho chị T. trang web hi1555.com, hướng dẫn chị T chuyển tiền để tham gia các bước xác nhận để hưởng tiền thưởng, tiền chênh lệch cao hơn. Tuy nhiên, khi chuyển tiền, các đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau để chị T thực hiện nhiều lần chuyển tiền theo yêu cầu.
Tổng số tiền chị T. đã chuyển cho các đối tượng với mục đích hưởng tiền chênh lệch cao là 1,1 tỷ đồng. Sau một thời gian tham gia trò chơi, không còn khả năng vay mượn tiền, chuyển tiền cho các đối tượng để hưởng chênh lệch, hoa hồng ở mức cao thì chị T. mới tố giác ra cơ quan công an.
Đáng nói, về những hình thức lừa đảo này, cơ qua chức năng các tỉnh, thành đã lên tiếng cảnh báo người dân rất nhiều. Các phương tiện truyền thông cũng liên tục đưa ra cảnh báo, tuy nhiên người dân dân không hiểu bằng cách thức nào... vẫn sập bẫy.
"Nở rộ" thêm nhiều hình thức mới, thủ đoạn tinh vi đủ đường
Ngoài những hình thức lừa đảo quen thuộc trên, mới đây MXH xôn xao trước nhiều hình thức lừa đảo mới khiến người dân hoang mang.
Theo đó, trên mạng xã hội có nhiều người (trong đó có cả những người nổi tiếng) chia sẻ thông tin về việc "nhận cuộc gọi FlashAI là mất tiền, mất thông tin".
Thông tin này sau đó đã khiến nhiều người không khỏi hoang mang, vì không ít người cũng nhận được cuộc gọi như vậy. Về những thông tin gây xôn xao trên, chuyên gia công nghệ Ngô Minh Hiếu cho biết, mọi người lầm tưởng rằng khi bắt máy những cuộc gọi này sẽ bị trừ tiền và mất thông tin… tuy nhiên điều này hoàn toàn sai và không đúng sự thật.
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu giải thích: Khi người dùng nhận cuộc gọi này, người dùng sẽ chỉ bị mất tiền qua cuộc gọi điện thoại khi thực hiện thao tác hướng dẫn của cuộc gọi. Ví dụ bấm phím 1, phím 2... thì có thể sẽ bị mất tiền cước viễn thông.
Người dùng chỉ bị chiếm đoạt tài sản/thông tin khi bị cuộc gọi dẫn dụ nhấp vào đường link lừa đảo, hoặc tải file có nguy cơ đánh cắp thông tin; Bị dẫn dụ đầu tư tài chính hoặc thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn của cuộc gọi…
Chính vì vậy, khi nhận được những cuộc gọi như vậy, người dùng tuyệt đối không nên bắt máy bởi tốn thời gian, tránh bị dẫn dụ bởi những đòn tâm lý của kẻ lừa đảo nhấp vào bất kỳ đường link qua tin nhắn hay qua cuộc gọi,... Các chiêu lừa này vốn chẳng phải là mới, tuy nhiên, chúng ngày càng biến tướng tinh vi hơn.
Ngoài ra mới đây, Cục thuế TPHCM đã cảnh báo về việc một số đối tượng giả danh công chức, viên chức nhà nước cung cấp đường dẫn và hướng dẫn người sử dụng cài đặt các ứng dụng giả mạo ứng dụng của cơ quan nhà nước nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, thiết bị thông minh, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, lợi dụng việc ngành Thuế sử dụng các ứng dụng triển khai trên thiết bị thông minh, các đối tượng lừa đảo đã giả mạo công chức cơ quan thuế hướng dẫn và cung cấp đường dẫn cài đặt ứng dụng giả mạo nhằm mục đích chiếm đoạt thông tin cá nhân/tài sản.
Một trong số dấu hiệu nhận diện các ứng dụng lừa đảo đó chính là khi cài đặt các ứng dụng này thường yêu cầu cấp quyền như: xem màn hình, dữ liệu nhập, điều khiển màn hình…
Người dùng nên kiểm tra ứng dụng và các tính năng ứng dụng trước khi cấp các quyền trên.
Trước đó, đã có trường hợp người dùng bị các kẻ gian lừa cài đặt phần mềm HCMTAX - Cục Thuế Hồ Chí Minh giả mạo trên điện thoại. Sau đó, các đối tượng chiếm đoạt quyền điều khiển màn hình và truy cập vào tài khoản ngân hàng chiếm đoạt số tiền lớn.
Cục Thuế TPHCM khẳng định, các ứng dụng ngành thuế mà Cục Thuế đang triển khai trên thiết bị thông minh chỉ thông qua Google Play (đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành Android) và AppleStore (đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS).
Chính vì vậy, người dùng khi nhận được yêu cầu cài đặt ứng dụng dành cho thiết bị thông minh qua các đường dẫn (url) hoặc các hướng dẫn khác không chính thống thì không nên làm theo hướng dẫn. Nếu có thắc mắc, có thể liên hệ qua số điện thoại đầu mối của các Chi cục Thuế, Cục Thuế để được hỗ trợ qua số điện thoại được niêm yết trên trang web của Cục Thuế khi cần hỗ trợ về thông tin.
Trong thời gian qua, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao với nhiều thủ đoạn tinh vi, đa dạng, phức tạp trên quy mô lớn, xuyên quốc gia. Chúng sử dụng các ứng dụng, công cụ, phương tiện hiện đại để lừa đảo, như: giới thiệu việc nhẹ, lương cao; giới thiệu việc làm, tuyển cộng tác viên bán hàng online; sử dụng giấy tờ giả mang thông tin của chủ thuê bao khai báo mất SIM đề nghị cấp mới, sau đó sử dụng SIM và thông tin, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản; tạo lập các sàn giao dịch ngoại hối, kinh doanh đa cấp trái phép; sử dụng phần mềm, mã độc tấn công, chiếm đoạt Fanpage, hội nhóm Facebook có đông thành viên...
Bên cạnh đó là hoạt động đòi nợ thuê, cho vay “tín dụng đen” phát triển mạnh. Các đối tượng tạo lập công ty đăng ký hoạt động tư vấn pháp lý, luật tài chính, ngân hàng để ký kết hợp đồng “tư vấn pháp luật” với các tổ chức, cá nhân nhưng thực chất là ký kết các hợp đồng đòi nợ thuê. Cùng đó là tình trạng quảng cáo trên các trang tin điện tử, nền tảng mạng xã hội diễn ra tràn lan;...
Người dân cần làm gì để tránh bị lừa
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, từ số điện thoại lạ; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CMND/CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi nhận được đề nghị vay tiền, mua thẻ nạp điện thoại, yêu cầu chuyển khoản ngân hàng..., người dân cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo, nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu, tăng cường bảo mật/quyền riêng tư, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Nếu có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, cần giữ số dư trong tài khoản ở mức thấp nhất để hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản.
Khi nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu đáng ngờ, người dân bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn.
Trường hợp nghi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo tới cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.