• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xuất khẩu gạo – Bài toán giải rồi vẫn lo

Thời sự 14/04/2020 07:39

(Tổ Quốc) - Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng đã cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4. Quả thật, đây là một quyết định khó khăn trong một thương vụ thoạt nhìn đơn giản, nhưng lại cần sự cân bằng tư duy giữa một nhà chính trị với một CEO.

Xuất khẩu gạo – Bài toán giải rồi vẫn lo - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải có phương án kiểm soát xuất khẩu gạo chặt chẽ theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5 năm 2020

Sự khó khăn của Thủ tướng Chính phủ khi giải bài toán xuất khẩu gạo là: làm sao đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh, xâm nhập mặn đang diễn ra phức tạp, lại vừa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các doanh nghiệp liên quan... Sau ngày 6/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã giải bài toán này, và yêu cầu Bộ Công thương phải có phương án kiểm soát xuất khẩu gạo chặt chẽ theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5 năm 2020.

Lý giải con số 400.000 tấn gạo xuất khẩu

Như vậy được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ Công Thương cũng đã chính thức công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4/2020 với với mặt hàng gạo là 400.000 tấn.

Đây là con số không phải quá lớn so với năng lực sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTTNT), nếu không xảy ra điều gì bất thường thì 6 tháng đầu năm nay, cả nước sẽ đạt kế hoạch với sản lượng khoảng 20,2 triệu tấn thóc, chiếm 46% sản lượng cả năm.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2020, cũng chỉ có thể xuất khẩu được 3,2 triệu tấn gạo. Mặt khác, tình hình xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2020 ước tính đã tăng gần 20% về lượng và tăng 27,8% về giá trị so với cùng kì năm 2019.

Bộ Công Thương căn cứ vào yếu tố lượng dự trữ, khả năng thu mua dự trữ của Tổng cục Dữ trữ Nhà nước. Đồng thời, theo dõi sát sao những diễn biến của dịch bệnh và tình hình thu hoạch vụ tới, để đến ngày 25/4/2020 phải có báo cáo kế hoạch, dự định xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm gửi đến Thủ tướng

Qua số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp tính đến ngày 15/3 số lượng gạo đã xuất đạt tương đương 1,3 triệu tấn. Việc đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, tức số lượng dành cho dự trữ Nhà nước thời gian này, theo Bộ NN&PTNT chỉ cần khoảng 200.000 tấn.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đó là những căn cứ lý giải cho con số 400.000 tấn do Bộ Công thương đề xuất. Tuy nhiên, trên quan điểm đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu hàng đầu, nhưng đồng thời cũng phải tính đến việc đảm bảo cả mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nên: "Tại thời điểm này chúng tôi tính toán cân nhắc đưa thêm khoảng 400 nghìn tấn dự phòng cho việc xảy ra tình huống xấu nhất trong tháng 4, tháng 5. Như vậy số còn lại dành để xuất khẩu khoảng 800 nghìn tấn cho tháng 4, tháng 5. Và trong tháng 4 chỉ xuất khoảng 400 nghìn tấn".

Việc xuất khẩu gạo như thế nào còn phải bám sát diễn biến thực tế của dịch bệnh, cũng như tình hình hạn hán và xâm nhập mặn khó lường ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Vì thế, ông Trần Quốc Toản cho biết thêm: "Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo Bộ Công thương căn cứ vào yếu tố lượng dự trữ, khả năng thu mua dự trữ của Tổng cục dữ trữ Nhà nước trong thời gian này. Đồng thời, theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh và tình hình thu hoạch vụ tới. Để đến ngày 25/4/2020 phải có báo cáo kế hoạch, dự định xuất khẩu từ nay đến cuối năm gửi Thủ tướng".

Xuất khẩu gạo, lo phải kiểm soát chặt

Đồng ý cho xuất khẩu gạo nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phải có các biện pháp kiểm soát số lượng gạo được xuất khẩu chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.

Quyết định của Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ của bà con nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vì có thể giúp họ nâng cao lợi nhuận. Và họ cho rằng, đây cũng là một quyết định tận dụng được cơ hội của thị trường gạo, cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết …

Đúng vậy, dù bị hạn mặn và thiếu nguồn nước tưới tiêu, nhưng do dự đoán được từ trước, nên bà con nông dân, nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long đã có nhiều biện pháp tổng hợp ngăn chặn. Cho nên, vụ lúa Đông Xuân vẫn đạt năng suất cao, tăng từ 200-300 kg/ha. Không những thế mà giá lúa cũng ổn định ở mức cao, tiêu thụ khá dễ dàng. Thời gian này giá gạo Việt Nam cũng đã tăng lên mức cao nhất so với 16 tháng qua.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) thì, giá gạo 5% tấm Việt Nam tăng lên 410 USD/tấn (đầu tháng 400 USD/tấn). Ông Phạm Thế Bình, Phó Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) chia sẻ: "Giá xuất khẩu tăng rõ rệt hiện nay đã tăng khoảng 20%. Như trước đây, ví dụ như là các loại gạo mà chúng tôi bán chỉ khoảng 500 thì hiện nay đã lên đến khoảng 550-560… ".

Phải kiểm soát số lượng gạo được xuất khẩu chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách.

Một số thương gia khác cũng đưa ra nhận định rằng, giá gạo Việt Nam vẫn có thể tăng cao hơn nữa, bởi vì giá xuất khẩu như bây giờ vẫn thấp hơn nhiều so với sản phẩm của các quốc gia sản xuất gạo khác". Thí dụ như gạo của 5% tấm của Thái Lan đang chào bán ở mức 480 - 505 USD/tấn.

Đặc biệt, để thực hiện tốt việc xuất khẩu gạo theo đúng quyết định của Thủ tướng, Bộ Công thương cũng đã yêu cầu 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị, nhằm đảm bảo cung cấp và lượng dự trữ lưu thông khoảng 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện theo thỏa thuận thì sẽ bị thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thực hiện xuất khẩu gạo với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực. Và phải kí hợp đồng, giao gạo xong cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, và chỉ được thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6/2020.

Lý Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ