(Tổ Quốc) - Bài toán xuất khẩu gạo đã giải rồi sao vẫn lắm truân chuyên khiến mấy ngày qua, doanh nghiệp râm ran tiếng kêu cứu? Rõ ràng, giữa các bộ, ngành không thiếu công văn trao đổi những vấn đề liên quan cũng như các thủ tục quản lý điều hành... Vậy mà công việc cứ ùn tắc do đâu?
Đúng vậy, chưa bao giờ chuyện xuất khẩu gạo lại được doanh nghiệp và báo chí luận bàn nhiều như mấy ngày gần đây. Lý do, không phải vì thủ tục của ba Bộ, một ngành mà do điều hành không minh bạch và thiếu sự hợp đồng "tác chiến" cấp chiến dịch của các bộ, ngành kể trên.
Trống đánh xuôi kèn thổi ngược
Trước hết về mặt chính sách, cái khó nhất phải quyết định có cho xuất khẩu gạo hay không trong hoàn cảnh đặc biệt. Đó là dịch bệnh đang diễn ra phức tạp trên thế giới, nạn hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành cân nhắc, đong đếm để đưa ra quyết sách với ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an ninh lương thực.
Qua các báo cáo, công văn trao đi, đổi lại giữa các bộ, ngành đã giúp Bộ công Thương trình Thủ tướng hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 và tháng 5 là 400 nghìn tấn cùng lượng gạo cần thiết mua vào dữ trữ…
Có thể thấy, việc đưa ra quyết sách xuất khẩu gạo tại thời điểm này không phải là không có sự tính toán trên nhiều phương diện, từ lợi ích quốc gia đến lợi ích của bà con nông dân trồng lúa.
Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng không ít lần nhắc nhở Bộ Công Thương, phải có các biện pháp kiểm soát số lượng gạo được xuất khẩu chặt chẽ; bảo đảm công khai, minh bạch không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách. Lời nhắc nhở của Thủ tướng hoàn toàn nhận được sự ủng hộ của bà con nông dân, đồng tình của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Việc đưa ra quyết sách xuất khẩu gạo tại thời điểm này không phải là không có sự tính toán trên nhiều phương diện, từ lợi ích quốc gia đến như lợi ích của bà con nông dân trồng lúa
Thật đáng tiếc, chỉ mới sau 5 ngày thực thi việc xuất khẩu gạo đã thấy hiện tượng " trống đánh xuôi kèn thổi ngược" khiến một số doanh nghiệp đã phải làm đơn kêu cứu lên Thủ tường. Trong đơn gửi Thủ tướng, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã trình bày, Hải quan tuy nói chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng nhưng lại mang tính chất "trả đũa" doanh nghiệp vì đưa gạo vào luồng đỏ. Khi container qua luồng đỏ, gạo bị khui ra, đảo lên làm tăng chi phí khiến một container lên tới 1,9 triệu đồng. Gây thiệt thêm cho doanh nghiệp.
"Thời gian đảo ra, khui lên, rồi duyệt cho qua có thể ví là quyết định cả khoảnh khắc sống còn của doanh nghiệp", ông Phạm Thái Bình than thở.
Chưa kể, việc Hải quan mở tờ khai xuất khẩu gạo vào lúc 0 giờ ngày 12/4 gây bất ngờ cho nhiều doanh nghiệp. Nhưng Hải quan cũng cho biết đến 6g15 cùng ngày, 519 tờ khai đăng ký xuất khẩu của 38 doanh nghiệp đã gần hết 400.000 tấn gạo. Nhiều người ví cách đăng ký Hải Quan giống như kiểu đăng ký "tiêm chủng" online cho trẻ em trước đây, chưa kịp đăng ký đã báo hết hạn ngạch…
Còn ông Phạm Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp Công nghệ cao Trung Thạnh nhấn mạnh: "Chưa bao giờ doanh nghiệp xuất khẩu gạo khổ sở như năm nay. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp bất ngờ này đến bất ngờ khác từ cuối tháng 3/2020 đến nay… ".
Cần minh bạch và phối hợp giữa các bộ, ngành
Trưa 17/4 doanh nghiệp vừa gửi đơn kêu thì tối cùng ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định hỏa tốc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm tình hình việc điều hành xuất khẩu gạo. Các thành viên tham gia đoàn liên ngành gồm đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Công an, Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Sự thể hiện chưa đồng bộ, chưa thống nhất đã lộ rõ trong các văn bản trao đổi giữa các bộ, cách điều hành quản lý xuất khẩu gạo. Chính vì vậy đã xảy ra câu chuyện các ngành đổ lỗi cho nhau
Đoàn thanh tra liên ngành bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 20/4 đến 24/4/2020. Tuy chưa rõ qua đợt kiểm tra đoàn sẽ kiến nghị những gì? Nhưng rõ ràng, công tác điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương vừa rồi chưa đạt yêu cầu như Thủ tướng mong muốn. Quan trọng nhất là sự minh bạch.
Sự minh bạch ở đây cần thể hiện rõ từ chính sách đến cách thực hiện ở tất cả các khâu. Đó là: số lượng gạo; loại gạo nào cần phải giữ lại dành cho bảo đảm an ninh lương thực; doanh nghiệp nào thực hiện; giá cả mua vào bán ra loại gạo này như thế nào cho hợp lý? Những loại gạo nào dành cho xuất khẩu cũng như số lượng gạo đã xuất, đang nằm trong bến, trong container chờ xuất… rất cần minh bạch.
Và quan trọng một vấn đề nữa cũng cần minh bạch, đó là việc đưa ra hạn ngạch như vậy đã hợp lý chưa? Dựa theo nguyên tắc nào, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích của người nông dân, doanh nghiệp? Làm thế cách nào để bù giảm thiệt hại cho họ nếu có… ? Cơ quan Hải quan cũng phải minh bạch thủ tục để doanh nghiệp yên tâm làm xuất khẩu gạo…
Những việc cần minh bạch đó không phải chỉ trách nhiệm của một bộ. Cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ. Sự thể hiện chưa đồng bộ, chưa thống nhất đã lộ rõ trong các văn bản trao đổi giữa các bộ, cách điều hành quản lý xuất khẩu gạo. Chính vì vậy đã xảy ra câu chuyện các ngành đổ lỗi cho nhau…Có thể nói "chiến dịch" xuất khẩu gạo đang thiếu một sự chỉ huy, hiệp đồng thống nhất giữa các bộ, ngành. Và điều cần sửa đổi là chỗ này.
Bài toán xuất khẩu đã được giải, nhưng nỗi lo vẫn còn đó, vì sự thiếu minh bạch và thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành.