• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xúc cảm chôn giấu trong cõi lòng nhân vật nữ của Nguyễn Khắc Ngân Vi

Văn hoá 30/01/2018 15:19

(Tổ Quốc) - Nguyễn Khắc Ngân Vi là một tác giả nữ trẻ viết nhiều về phụ nữ và cũng là một nhà báo chuyên về mảng văn hóa và xã hội của Báo Thanh niên.

Các tác phẩm của Nguyễn Khắc Ngân Vi chuyên viết về phụ nữ và ngòi bút của cô luồn lách vào trong từng kẽ sâu tâm tưởng, lôi tuột ra những xúc cảm chôn giấu trong cõi lòng của những hậu duệ Eva. Và cô thành công, một phần bởi vì giới tính của mình: cô hiểu được đàn bà vì cô chính là họ.

 Hai cuốn tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Khắc Ngân Vi

Nếu trong cuốn sách đầu tay Đàn bà hư ảo, An - một cô gái với những vết thương tâm hồn, hàng ngày phải vật vã, chống chọi với sự day dứt, dằn vặt, những đợt trầm cảm theo cơn, những vết thương về thể xác chồng chéo là nhân vật trung tâm; thì với Phúc âm cho một người, Ngân Vi lại hướng tới đối tượng già dặn hơn - bà Khuê - một người phụ nữ trung niên đã làm vợ, làm mẹ, làm bà, một người đã bao năm phải đối mặt với cái bi kịch làm người, làm đàn bà. 

An của Đàn bà hư ảo có cuộc chiến của riêng mình. Cô chiến đấu với những giấc mơ, nỗi sợ hãi mơ hồ. Cô trả tới chín mươi đô la cho một giờ trị liệu với bác sĩ tâm lý. Nhưng đâu đó cái uẩn ức nơi một cô gái trẻ - gần ba mươi tuổi, với lối sống xa hoa, một anh bạn trai giàu có, vẫn còn. Bà Khuê thì khác. Bà khác An cả về tuổi tác lẫn hoàn cảnh xã hội. Bà đã già, mà người già thì cuộc chiến của họ là tuổi tác, là bệnh tật, là những nỗi lo lắng về những đưa con mãi mà chưa trưởng thành là vết hằn trong tâm khảm của họ. Gia đình bà đúng ra là gốc Sài Gòn, nhưng sau khi chuyển về một huyện hẻo lánh thuộc tỉnh Đồng Nai, chính xác là ở cái ấp tận cùng của huyện ấy. Trong cái ấp ấy, người ta sống một cuộc đời không mấy biến động. Một cuộc đời đúng nghĩa, vì thoạt nhìn ai cũng như ai. Ở một nơi thế này chẳng ai mong mình trở nên đặc biệt.

Phúc âm cho một người. Hẳn sẽ có những độc giả không theo tôn giáo sẽ thấy lạ lẫm với cụm từ “Phúc âm”. “Phúc âm” hay còn được gọi là Tin Mừng (bởi Công giáo Rôma) hay Tin Lành (bởi các cộng đồng Kháng Cách), là tên gọi chung để chỉ bốn cuốn sách đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong Kinh Thánh Tân Ước, bao gồm: Phúc Âm Mátthêu, Phúc Âm Máccô, Phúc Âm Luca và Phúc Âm Gioan, trong đó các sách Phúc âm Mátthêu, Máccô và Luca được gọi là các Phúc Âm Nhất Lãm. Định nghĩa tốt nhất dành cho “Phúc âm” chính là sứ điệp của sự tha thứ tội lỗi thông qua công tác cứu chuộc của Chúa Giê-xu Christ.

Với bà Khuê, một con chiên ngoan đạo, bà tin Phúc âm. Bà bám víu lấy Phúc âm như bám víu vào một chiếc phao cứu sinh, hy vọng nó sẽ cứu rỗi cuộc đời bà. Cứu rỗi bà khỏi day dứt ăn năn về một khoản “quỹ đen” giấu chồng, về cuộc tình vụng trộm với ông bác sĩ, khỏi nỗi đau do bệnh tật mang lại...

Người đàn bà ấy sống cùng một ông chồng nhàm chán, nhu nhược, một đứa con trai không tương lai, vô công rồi nghề, cờ bạc, tán gia bại sản, một cô con dâu trầm lặng, cam chịu, một cô con gái nổi loạn thách thức.

Con có những đứa con, nhưng chẳng trông chờ được gì.

Vậy bà còn gì? Còn gì ngoài niềm tin vào Chúa trời trên cao.

...hãy ăn năn và tin phúc âm.

Nỗi tuyệt vọng, chúng luôn có ở đấy từ khi niềm hy vọng vừa được khởi sinh. Và nỗi bất hạnh của con người không chỉ là cơn đói. Niềm hy vọng là bất hạnh lấp lánh nhất của thế giới này.

Bà cứ mãi hy vọng, cứ mãi kỳ vọng vào một tương lai xa thẳm nào đó tốt đẹp hơn, nhưng thực tế lại dội cho bà những gáo nước lạnh buốt đến tỉnh người. Mọi thứ bà có dường như được xây bằng cát và giờ đang đổ sụp dần dần dưới những con sóng xô dạt của cuộc đời vốn chưa bao giờ ngơi nghỉ. Bà cố gắng hết sức để chống lại sóng nước, để níu lại đứa con gái, để cố cứu vớt đứa con trai, để hòa hợp được với chồng, để cho cái tâm mình được an yên nhưng sức bà liệu có đủ? Bả vai bà cứ đau mãi, đau mãi - nỗi đau mà chẳng ai có thể hiểu thấu. Bà tìm đến Chúa - người bà đã từng vứt bỏ, nhưng lâu đài cát đã sụp tan thành đụn, còn Phúc Âm nào cho người đàn bà ấy?

Ta đến không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi...

Hai tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Ngân Vi Đàn bà hư ảo Phúc âm cho một người do Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Tao Đàn xuất bản, phát  hành tới tay bạn đọc.

Hoài An

NỔI BẬT TRANG CHỦ