• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xúc động câu chuyện về người giúp việc 15 năm nuôi bé gái bị mẹ bỏ rơi

Văn hoá 29/10/2019 11:27

Giống như câu chuyện cổ tích giữa đời thường về sự tử tế, bà Đặng Thị Bình từ một người giúp việc đã trở thành người mẹ cưu mang nuôi nấng một bé gái bị mẹ bỏ rơi.

Tình thương từ một người dưng

Cách đây 17 năm, vào năm 2002, bà Đặng Thị Bình (SN 1955, Văn Lâm, Hưng Yên) lên Hà Nội thuê trọ cùng con gái tại khu vực Long Biên (Hà Nội). Hàng ngày để kiếm thêm thu nhập, bà nhận trông trẻ thuê cho những gia đình xung quanh.

Ngày 8/1/2004, bé Hoàng Huyền Thương, khi ấy mới được 5 tháng tuổi được mẹ gửi bà trông giữ với tiền lương 1 triệu đồng/tháng. Bà Bình kể, thời điểm đó người phụ nữ lấy lý do bận đi chữa bệnh nên nhờ bà trông bé Thương cả ngày lẫn đêm.

"Cô ấy rất chân tình và tâm sự hoàn cảnh khó khăn, éo le nên tôi rất thương mà nhận lời đồng ý, dù khi đó con bé khát sữa mẹ, bà cháu chăm nhau rất vất vả" - bà Bình nhớ lại.

Thời điểm đó, cứ cách 2-3 ngày, người phụ nữ này lại ghé thăm con một lần nên bà Bình rất yên tâm. Tuy nhiên, đến tháng 5/2005, khi bé Huyền Thương được hơn 1 tuổi thì người này bỏ đi, tắt liên lạc và cho đến nay không hề có bất cứ tin tức gì.

 - Ảnh 1.

"Ban đầu tôi cứ nghĩ cô ấy ốm đau, nằm viện nên cố gắng chờ đợi. Tuy nhiên, 1 tuần, 2 tuần trôi qua vẫn không thể liên lạc. Sốt ruột tôi qua phòng trọ tìm thì người chủ thông báo cô ấy đã gói ghém đồ đạc và chuyển chỗ ở" - bà Bình kể.

Thời gian đầu, bà Bình vẫn nguôi hy vọng sẽ tìm lại được người mẹ cho đứa cháu tội nghiệp. Cứ ở đâu có tin tức mọi người thông báo, bà lại tìm đến tận nơi hỏi thăm tình hình. Thấy bà vất vả, kinh tế lại khó khăn nên nhiều người khuyên bà nên cho đứa bé vào trại trẻ mồ côi để bớt gánh nặng nhưng người phụ nữ này không đồng ý.

"Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nuôi cháu"

Chồng mất sớm, nhà chỉ có vài sào ruộng, để nuôi hai người con gái ăn học bà Bình phải bươn chải, xoay sở đủ nghề. Giờ gia đình có thêm thành viên mới đồng nghĩa với gánh nặng kinh tế cũng đè nặng lên vai bà nhiều hơn. Để có tiền trang trại cuộc sống và lo cho người cháu nuôi đặc biệt của mình, hàng ngày bà Bình nhận trông thêm 2-3 đứa trẻ quanh xóm và làm tất cả các công việc như nhặt rác, hái thuê rau muống,..chỉ mong có chi phí nuôi cháu ăn học đàng hoàng.

"Không có tiền mua sữa bột, tôi mua sữa ông Thọ pha ra cho cháu uống, cuối tháng nhận được tiền trông trẻ tôi dành dụm mua cho cháu vài hộp sữa tươi để thay đổi.Khổ nhất là đến thời kỳ con ăn dặm, cháu thèm thịt, tôi cũng chỉ dám mua vài lạng cho con ăn, còn mình mua bì lợn về lọc lấy mỡ nấu canh. Rồi có lần, Thương mới học lớp 3, thấy xưởng gạch thuê người bốc xếp cháu cũng trốn nhà ra làm. Đến khi tay sưng rộp, rớm máu, tôi giận lắm nhưng không dám đánh, hai bà cháu cứ ôm nhau khóc" - bà Bình xúc động kể lại.

Ngày qua tháng lại, khi những khó khăn không quật ngã được hai bà cháu, đến khi Thương sắp bước vào lớp 1, bà Bình lại chạy vạy các nơi làm giấy khai sinh và nhập hộ khẩu cho Thương. Cuối cùng, với nhiều sự giúp đỡ, nguyện ước ấy của bà cũng thành hiện thực.

Từ đó đến nay, tròn 15 năm bà Bình một mình nuôi nấng, chăm sóc cho Thương như mẹ ruột.

"Thời gian trôi nhanh quá, vụ việc đến giờ đã 15 năm, tôi không nghĩ mình có thể làm được việc này, cho đến giờ nếu chọn lại tôi vẫn sẽ chọn nuôi cháu như tôi đã làm" - bà Bình nhấn mạnh.

Đáp lại sự yêu thương vô bờ ấy

 - Ảnh 2.

Không phụ công dưỡng dục và sự hy sinh vô bờ ấy của bà, cô bé Thương luôn nỗ lực là đứa bé ngoan ngoãn, chăm chỉ và học giỏi

Suốt 15 năm chung sống với bà Bình, khi còn nhỏ cô bé Thương vẫn nghĩ mình là cháu ruột của bà. Đến khi biết chuyện, cú sốc lớn khiến Thương khóc rất nhiều ngày, khép kín, trầm tính và ít nói hơn nhưng cũng chưa bao giờ hỏi về mẹ. Thương cháu, bà đến lớp nhờ cô giáo cho Thương vào đội múa của trường, từ đó, Thương sống hòa đồng hơn và không còn nhắc đến chuyện này.

Không phụ công dưỡng dục và sự hy sinh vô bờ ấy của bà, cô gái nhỏ ngày nào luôn nỗ lực là đứa bé ngoan ngoãn, chăm chỉ và học giỏi. Động lực từ tình thương của bà đã giúp Thương thi đậu vào THPT với số điểm rất cao 50 điểm.

"Con cố gắng nhiều nhất là vì bà, con yêu nhất là bà" - Thương chia sẻ.

Đến bay giờ, bà Bình không còn nghĩ đến việc tìm lại mẹ ruột cho Thương và em cũng không muốn chuyện đó xảy ra. Cô bé tâm sự, dù mẹ có về đón cũng nhất quyết sẽ ở với bà Bình.

Chuyện cổ tích giữa đời thường của bà Bình thấm thoát cũng 15 năm, và điều đó đã truyền cảm hứng về sự tử tế đến với cộng đồng, với xã hội. Mong rằng, bà Bình sẽ có sức khỏe và tiếp tục đồng hành cùng người cháu đặc biệt để cháu bước tiếp hành trình vào đại học, xây dựng gia đình như bà hằng mong.

Theo VTV

NỔI BẬT TRANG CHỦ