(Tổ Quốc) - Ngày 10/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, diễn ra “Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng Ninh Bình - thành phố Hà Nội với các tỉnh Tây Nguyên”.
Hội nghị được tổ chức nhằm tạo liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch có cơ hội kết nối và hỗ trợ nhau trong việc khai thác các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Phát biểu tại hội nghị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai Trần Ngọc Nhung cho biết: "Trong giai đoạn hiện nay, du lịch ở mỗi địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, du lịch rất cần liên kết để phát triển. Thông qua hội nghị, tôi mong muốn các địa phương cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị ngành du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch. Qua đó, thiết lập quan hệ hợp tác, đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng chia sẻ: "Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh và khó khăn từ suy thoái kinh tế thế giới, việc liên kết, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút khách du lịch từ các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đến thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình và ngược lại có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư các tỉnh giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch. Trong quá trình hợp tác, phát triển có thể khai thác hiệu quả bản sắc, thế mạnh của mỗi địa phương để tạo ra được những tour tuyến, sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng".
Với chủ đề "Liên kết - Hợp tác - Cùng phát triển", các địa phương tham gia hội nghị có các gian hàng trưng bày giới thiệu du lịch với các ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tập gấp, vật phẩm, sản vật địa phương, sản phẩm quà tặng, các đặc sản vùng miền; chương trình Business Matching (kết hợp kinh doanh) giữa các doanh nghiệp du lịch.
Các đơn vị cũng chiếu phim giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, những sản phẩm du lịch độc đáo của mỗi địa phương. Trong đó, Hà Nội khẳng định là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi tinh hoa hội tụ, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Thủ đô cũng là nơi giao thoa của những nền văn hóa lớn. Hà Nội luôn mang trong mình sự bí ẩn và quyến rũ bởi những di tích lịch sử, con người lịch lãm, hào hoa, những công trình kiến trúc văn hóa-nghệ thuật được xây dựng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, những danh thắng hội tụ vẻ đẹp của tự nhiên và lịch sử văn hóa như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tháp Rùa-Đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột...
Ninh Bình lại là vùng đất Cố đô thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam. Đây cũng là kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với 3 triều đại: Nhà Đinh, Tiền Lê và Nhà Lý với nhiều trầm tích lịch sử, dấu ấn văn hóa đặc sắc.
Ninh Bình có gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể; có quần thể danh thắng Tràng An-Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới duy nhất của khu vực Đông Nam Á, được UNESCO đánh giá là mô hình mẫu mực, điển hình trên thế giới về phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản Thế giới.
Vùng đất Cố đô còn có nhà thờ đá Phát Diệm-nơi được ví như kinh đô Công giáo Việt Nam; Vườn Quốc gia Cúc Phương được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) bình chọn và vinh danh là Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á trong 5 năm liên tiếp (từ 2019 đến 2023). Những giá trị về địa chất, địa mạo và giá trị văn hóa, lịch sử đó đã được tỉnh Ninh Bình xác định là nền tảng, nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia du lịch, cơ quan quản lý, Hiệp hội Du lịch các địa phương. Trong đó, các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn thực tế trong việc kết nối tour, tuyến. Các doanh nghiệp cũng đề xuất một số ý tưởng, giải pháp để các địa phương có thể triển khai, tăng hiệu quả liên kết vùng trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ: Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh khu vực Tây Nguyên là ba điểm đến có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đa dạng, phong phú và còn nhiều dư địa để khai thác. Tây Nguyên được biết là một điểm đến hấp dẫn, mới mẻ, khác lạ.
Du lịch Tây Nguyên đang là điểm đến mới trong chương trình du lịch với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên đã thu hút được đông đảo du khách, nhất là giới trẻ và khách du lịch ưa thích du lịch sinh thái-văn hóa. Đặc biệt, cảng hàng không Pleiku, Buôn Ma Thuật và hệ thống giao thông kết nối đến các tỉnh Tây Nguyên là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch. Lượng du khách từ Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình đến Tây Nguyên ngày một tăng lên.
"Việc tạo sân chơi kết nối cho các doanh nghiệp du lịch của các địa phương liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch giữa Tây Nguyên với tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội rất thuận lợi. Chính vì vậy, chúng tôi rất trân trọng các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, các ý kiến chuyên gia để thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng và triển khai các chương trình liên kết, phát triển du lịch đảm bảo đi vào thực chất, hiệu quả. Qua đó, hình thành và phát triển các tour, tuyến, sản phẩm du lịch liên kết thực sự chất lượng phục vụ đa dạng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế" - bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh./.