• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xứng danh “Anh cả đỏ”

11/10/2016 16:12

(Cinet)- Với việc dàn dựng một loạt các tác phẩm có giá trị, thời gian gần đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đã khẳng định vị trí “cánh chim đầu đàn”, xứng danh “Anh cả đỏ” trong nền kịch nghệ Việt Nam.

(Cinet)- Với việc dàn dựng một loạt các tác phẩm có giá trị, thời gian gần đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đã khẳng định vị trí “cánh chim đầu đàn”, xứng danh “Anh cả đỏ” trong nền kịch nghệ Việt Nam.



Những vở kịch cán mốc 100 đêm diễn



Tối 6/10, Nhà hát Kịch Việt Nam đã công diễn lần thứ 100 tác phẩm “Lâu đài cát” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tác phẩm dựa trên kịch bản của Nguyễn Đăng Chương, được NSND Anh Tú dàn dựng, với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên như: NSND Lệ Ngọc, NSƯT Lâm Tùng, NSƯT Danh Nhân, Minh Hiếu, Mai Nguyên…

Cảnh trong vở "Lâu đài cát". (Ảnh: Hà Tuấn)

Nội dung vở kịch “Lâu đài cát” xoay quanh gia đình ông Quân - bà An được biết đến là một gia đình tứ đại đồng đường, có nền tảng văn hóa, coi trọng đạo lý với những người con làm chức vụ cao. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bên ngoài, là những chiếc mặt nạ khéo che đậy của các thành viên trong gia đình. Họ là những người rất đạo mạo, coi trọng truyền thống gia đình… nhưng đằng sau đó, họ sống giả dối, buông thả. Sự thật chỉ được lộ ra khi Thiên - người cháu đích tôn của gia đình đưa người yêu về ra mắt và gia đình ông Quân phải đối diện với sự thật… Cú sốc kinh hoàng vỡ tung lúc Nam - con trai thứ của ông Quân “ép” bố mẹ bán căn biệt thự bởi số nợ khổng lồ lên đến hàng chục tỉ đồng do Nam gây ra.



“Lâu đài cát” chính là hiện thân sự thật đen tối của các thành viên trong nhiều gia đình ngày nay. Sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường, sự tác động của những thói hư tật xấu đã khiến con người phải đeo mặt nạ để sống bình yên, che đậy những khuyết điểm và sự tha hóa của bản thân.



Cái mặt nạ ấy được vẽ bằng chất liệu của ngôn từ: truyền thống gia đình, nhân cách đạo lý... Và cái mặt nạ ấy ngày càng dày lên, dẫn đến những hệ lụy và bi kịch khôn lường.



Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, tác giả kịch bản chia sẻ: “Trong suy nghĩ của tôi thì thời đại nào, gia đình cũng là tế bào của xã hội, trong cơ chế đổi mới, sức ép mặt trái của kinh tế thị trường tác động làm đạo đức xã hội có phần xuống cấp. Việc để cho đạo đức xã hội xuống cấp chính là đạo đức trong gia đình. Từ những suy nghĩ đó nên tôi đã viết vở kịch “Lâu đài cát” để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho việc xuống cấp đạo đức trong gia đình, nó liên quan đến việc ứng xử trong gia đình”.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam tặng hoa nhà viết kịch

Nguyễn Đăng Chương và đạo diễn, NSND Anh Tú. (Ảnh: Hà Tuấn)

Chia sẻ về vở kịch, NSND Anh Tú cho biết: “Khi tác giả Nguyễn Đăng Chương đưa tôi đọc kịch bản, viết được cảnh nào là đưa luôn, lần đầu tiên anh đưa tôi 4 cảnh. Mặc dù vậy nhưng khi đọc hết 4 cảnh đầu tiên của vở kịch “Lâu đài cát” tôi đã thấy rất xúc động. Tôi đã thức suốt đêm và với sự thăng hoa của nghệ sĩ tôi đã tưởng tượng ra tôi sẽ dàn dựng thế nào, nghệ sĩ sẽ diễn như thế nào, mọi thứ tôi đã tưởng tượng ra được và tôi đã khóc một mình trong bóng đêm.



Sau khi nhận nốt 3 cảnh còn lại chúng tôi đã nhanh chóng dựng vở kịch và công diễn thành công. Sau 100 đêm diễn, tôi đã nhìn thấy trong khán phòng đêm nay những gương mặt mà đã từng xem vở “Lâu đài cát” rồi. Với tình yêu dành cho nghệ sĩ, cho Nhà hát Kịch Việt Nam, mặc dù đã xem rồi nhưng trong đêm thứ 100 công diễn, quý vị vẫn tới ủng hộ. Điều đó làm cho tôi cũng như các nghệ sĩ rất cảm động”.



“Lâu đài cát” là một trong những tác phẩm hay nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam trong thời gian vừa qua. Thành công không những ở kịch bản, đạo diễn mà còn ở trình độ diễn xuất của diễn viên. Điều đó đã được thể hiện và khẳng định qua hàng trăm đêm diễn ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước và cả ở nước ngoài” - ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết.



“Lâu đài cát” đã dành được nhiều giải thưởng: giải A của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 2014, huy chương Vàng tại cuộc thi Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015 cộng với 6 huy chương Vàng của các cá nhân đã giành được. Cũng tại Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015, “Lâu đài cát” đã mang về cho đạo diễn Anh Tú giải Đạo diễn xuất sắc.



Gần đây nhất, tại Tuần lễ sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 4 tổ chức tại Nam Ninh, Trung Quốc, Nhà hát Kịch Việt Nam mang đi 2 tiết mục: Ngũ biến 5 gian hầu đồng và Lâu đài cát, được đánh giá cao và nhận được giải Hoa râm bụt dành cho vở diễn xuất sắc cùng với giải nữ nghệ sĩ xuất sắc (NS Thu Hương), nam nghệ sĩ xuất sắc (NSƯT Danh Nhân); đặc biệt Ban giám khảo còn trao giải Tác giả kịch bản xuất sắc cho nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương.



Có thể nói thành công của “Lâu đài cát” đã vượt biên giới. Điều này đã khẳng định được đẳng cấp, trình độ của Nhà hát Kịch quốc gia Việt Nam, khẳng định trình độ diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên Việt Nam không hề thua kém với các nghệ sĩ trong khu vực và quốc tế.



Chia sẻ về đêm diễn thứ 100, đạo diễn Anh Tú cho rằng: “Thời hoàng kim của sân khấu, 100 chứ đến 200 đêm diễn cũng chỉ trong tầm tay. Nhưng thời buổi này, khi sân khấu đang rơi vào tình trạng khó khăn mà một vở chính kịch lại diễn được 100 đêm thì quả là niềm hạnh phúc quá lớn với người sáng tạo”.

"Bệnh sĩ" cũng vừa cán mốc 100 đêm diễn.

Bên cạnh vở “Lâu đài cát”, hồi đầu năm, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có suất diễn thứ 100 vở kịch “Bệnh sĩ” (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn - NSND Tuấn Hải). Tác phẩm đã có một năm bùng nổ khi liên tục diễn tại nhiều địa phương trên cả nước. Đằng sau thành công là sự vượt khó, nỗ lực và nhiệt huyết của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam. Tác phẩm là vũ khí chống lại thói xấu, hư danh, sĩ diện vẫn tràn lan trong xã hội. Sức chiến đấu của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị, dù nó được viết ra hơn 20 năm trước.



Trong bối cảnh nhiều tác phẩm dựng xong chỉ diễn được vài buổi, hoặc phải “đắp chiếu” để rơi vào quên lãng thì “Bệnh sĩ” và “Lâu đài cát” là những tín hiệu mừng cho sân khấu.



Liên tục cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao



Thời gian vừa qua Nhà hát Kịch Việt Nam đã có hàng loạt tác phẩm được đông đảo công chúng khán giả yêu mến. Có thể kể đến “Biệt đội báo đen”, “Thầy và trò”, “Tai biến”, “Hăm-lét”…



Không phải là một câu chuyện dễ gặp trong cuộc sống đời thường, “Biệt đội Báo đen” (kịch bản của nhà văn Chu Lai, đạo diễn, NSND Anh Tú) là câu chuyện được kể về những góc khuất của thời chiến mà ít ai được biết đến. Dù ở thời đại nào đi chăng nữa, thời chiến hay thời bình, quá khứ hay tương lai thì sự thật và công lý sẽ luôn được bảo vệ, sẽ không bao giờ bị bóp méo dưới cái nhìn của những kẻ chủ nghĩa cơ hội cá nhân.



Nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Suốt đời tôi chỉ viết về người lính, để nói rằng cuộc chiến tranh giữa cái thiện và cái ác nó có từ thủa khai sinh lập địa, nó chảy theo dòng thăm thẳm của lịch sử cho đến tận bây giờ… là cuộc chiến tranh không ngừng giữa cái thiện và cái ác. Cái ác này tồn tại ngay trong xã hội chúng ta, thời bao cấp, thời chiến tranh và bây giờ thời thị trường. Cho nên cuộc đi tìm là cuộc đi tìm của loài người để đi tìm bản ngã của mình”.

Cảnh trong vở "Biệt đội báo đen". (Ảnh: Hà Tuấn)

Theo NSND Anh Tú, kịch bản này là sự tranh đấu của lẽ phải, chân chính, công lý và tranh đấu với cả những sai trái ngay trong chính bản thân mình nữa và tinh thần tranh đấu lính trận đầy sục sôi ấy của vở kịch nhà văn Chu Lai nó kéo dài suốt từ thời chiến sang thời bình. Đấy là điều tôi rất thích trong “Biệt đội Báo đen”. Đấy cũng là cái mà tôi cho là hấp dẫn của kịch bản. Tôi hi vọng là sẽ ra được một sản phẩm sân khấu cho Nhà hát Kịch Việt Nam tốt và hấp dẫn khán giả dù là đề tài người lính tưởng như khô khan nhưng nó rất lãng mạn, nhân văn.



Lấy đề tài về giáo dục học đường, “Thầy và Trò” kể về câu chuyện xảy ra tại một trường Đại học - nơi đào tạo ra những nhân tài cho xã hội, nhưng vì một số cá nhân thoái hóa đạo đức “người thầy” nên đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Các đại biểu tặng hoa các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam tại đêm công diễn

vở “Thầy và Trò”. (Ảnh: Hà Tuấn)

Từ ý tưởng và sự chỉ đạo của Nguyên Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, vở “Thầy và trò” là tiếng nói thẳng thắn, trực diện và mạnh mẽ đối với tiêu cực trong ngành giáo dục. Con người tạo nên các quy định, nhưng khi chính con người tự cho mình nằm ngoài, đứng trên khuôn khổ của quy định chung thì đó là khởi đầu cho bất ổn. Với vở diễn này, Nhà hát kịch Việt Nam gióng lên những cảnh báo nghiêm khắc để góp phần mang lại sự trong lành cho môi trường học đường và sự nghiệp đào tạo, trồng người.



Với dàn diễn viên năng động và đầy tài năng, nhà hát mong muốn sẽ tạo nên những vở diễn có giá trị nghệ thuật cao để phục vụ công chúng, đồng thời với các nghệ sĩ thì đây cũng là cơ hội để họ có những vai diễn để đời. Và việc dàn dựng lại vở bi kịch nổi tiếng “Hamlet” đã ra đời.

Với việc dàn dựng một loạt các tác phẩm có giá trị, thời gian gần đây, Nhà hát đã

khẳng định vị trí “cánh chim đầu đàn”, xứng danh “Anh cả đỏ” trong nền kịch nghệ

Việt Nam. (Ảnh: Hà Tuấn)

Vở kịch “Hamlet” của Đại thi hào William Shakespeare tuy không phải là mới nhưng đã được đạo diễn, NSND Anh Tú thổi vào những nét văn hóa riêng của người Việt mà vẫn không làm phá vỡ cấu trúc của sân khấu chính kịch.



Sự kiện “Hamlet” biểu diễn tại nhà hát Victoria cổ điển nổi tiếng và lâu đời nhất của Singapore hồi tháng 3/2016 đã giúp các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam thỏa mãn khát khao làm nghệ thuật đỉnh cao trong bối cảnh sân khấu đang còn gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay. Có thể nói, việc đem tác phẩm của mình đi chinh phục các khán giả là những chuyên gia, cũng như những người am hiểu nghệ thuật của sân khấu thế giới đã thực sự “khơi lửa”, mang tới niềm đam mê, sự thúc đẩy mới để động viên các nghệ sĩ tiếp tục cống hiến hết mình cho nghệ thuật.



Bình Nguyên

 
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ