(Toquoc)–Để tránh những vụ Mumbai mới, Ấn Độ, Pakistan và Mỹ - phải thay đổi tư duy nhận thức và chính sách chống khủng bố Hồi giáo cực đoan.
(Toquoc) – Để tránh những vụ Mumbai mới, mỗi bên trong cuộc xung đột Nam Á - Ấn Độ, Pakistan và Mỹ - phải thay đổi tư duy nhận thức và chính sách chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Kỳ II: Từ tấn công Thiên chúa giáo tới Hindu giáo
Ấn Độ chịu ảnh hưởng lớn của triết lý Hindu giáo về sự tuần hoàn sống, chết, khổ đau của kiếp người.
Đạo Hindu là tổ chức tôn giáo lâu đời nhất thế giới. Khác với Thiên chúa giáo và các tôn giáo khác ở phương Tây, Hindu giáo không có người duy nhất sáng lập, hệ thống giáo lý, tổ chức trung ương tập quyền. Hindu không phải là một thành viên đơn lẻ, một hệ thống thần học đặc biệt, một hệ thống các giáo lý hay một tổ chức tôn giáo trung tâm. Nó bao gồm hàng nghìn nhóm tôn giáo khác nhau được hình thành ở Ấn Độ từ năm 1500 trước Công nguyên. Các tín đồ Hindu thờ nhiều thần. Hai vị thần chủ yếu là Shilva và thần Vishnu. Các thần phật khác có xuất xứ đặc biệt, đôi khi là kết hợp từ các tôn giáo khác, như Buddha, hoặc có thể là do những mối quan hệ “dây mơ rễ má” họ hàng, con cái, bạn bè mà thành…
Ngày nay Hindu là tôn giáo lớn thứ ba trên thế giới, sau Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Hindu có khoảng 840 triệu tín đồ - chiếm 80% dân số Ấn Độ và 13% dân số thế giới. Nó là là tôn giáo chính yếu nhất tại Ấn Độ,
Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 20% dân số thế giới. Thiên chúa giáo lớn nhất, 33 % dân số thế giới. Người ta dự đoán, năm 2020, Hồi giáo sẽ vượt Thiên chúa giáo, trở thành lớn nhất.
Từ chống Thiên chúa giáo tới chống Hindu giáo
Trong một xã hội đẳng cấp còn nặng nề, cộng đồng Hồi giáo Ấn Độ tuy đông tới 150 triệu (theo số liệu mới nhất của Tạp chí kinh tế Viễn Đông), vẫn là “thiểu số” giữa 1,1 tỷ dân Ấn Độ. Bị coi là hậu duệ của xâm lược phương Bắc, người Hồi bị bài xích và trở thành mục tiêu căm ghét của những phần tử Hindu dân tộc cực đoan. Họ là tầng lớp nghèo trong xã hội. Thu nhập bình quân thấp hơn bình quân của người Hindu. Khoảng cách giàu nghèo tại Ấn Độ đan chéo nhau với các nhân tố lịch sử, tôn giáo, chủng tộc, tạo nên những mối quan hệ phức tạp. Người Hồi giáo thường bị phân biệt đối xử. Với 13% dân số, người Hồi chỉ chiếm 3% biên chế của bộ máy công quyền Ấn Độ.
Từ khi Ấn Độ độc lập, đa số người Hindu bỏ phiếu cho đảng Quốc đại. Từ 1998, Đảng Bharatiya Janata (BJP), đảng dân tộc cực đoan của người Hindu, lập chính phủ. Sự thất bại của đảng Quốc đại càng đẩy người Hồi giáo Ấn Độ vào tình trạng bấp bênh.
Mầm mống của chủ nghĩa khủng bố đã được gieo ngay trên mảnh đất Ấn Độ, mặc dù cho đến tận gần đây các quan chức chính phủ Ấn Độ vẫn bác bỏ ý kiến về việc Hồi giáo Ấn Độ bị lôi kéo vào cuộc thánh chiến tòan cầu. Những cuộc xung đột lẻ tẻ Hindu-Hồi giáo đã phát triển thành những cuộc đụng độ sắc tộc lớn trên toàn quốc vào năm 1992, kể từ vụ 150.000 phần tử cực đoan Hindu phá hủy một thánh đường Hồi giáo thời Mughal ở Ayodhya. Hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột sau đó. Nhiều người trong số những kẻ đứng đằng sau vụ phá hủy nhà thờ này đã tham gia BJP. Sau những cuộc đụng độ năm 1992-1993, mối hận thù biến thành cướp bóc, giết người do cả hai phía gây ra. Trong nhiều trường hợp cảnh sát không can thiệp… Hàng triệu người đã thiệt mạng trên vùng tiểu lục địa.
Trước sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ, những cuộc xung đột giữa Hindu và Hồi giáo Ấn Độ khoanh trong biên giới nước này. Nhưng từ sự kiện 11/9, những lực lượng Hồi giáo cực đoan quốc tế và khu vực tìm cách lợi dụng, kích động mâu thuẫn giữa hai cộng đồng lớn nhất nhì Ấn Độ, tổ chức đưa thánh chiến Hồi giáo vào Ấn Độ. Một trong những mục tiêu chính của vụ khủng bố 26-29/11 tại Mumbai chính là thổi bùng sự bất hòa đó.
Cuộc xung đột Gujarat 2002 làm 2000 người Hồi giáo và Hindu thiệt mạng
Từ năm 2004, theo số liệu của báo Newsweek (Mỹ), 4000 người Ấn Độ đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố. Tân Hoa Xã mới đây cho biết, từ đầu năm 2008 đến nay, Ấn Độ đã xảy ra gần 800 sự kiện khủng bố, cao hơn tổng số các vụ trong 3 năm trước đó.
Dưới thời chính phủ BJP, mâu thuẫn giữa hai cộng đồng Hindu giáo và Hồi giáo ở Ấn Độ đã lên đến đỉnh điểm. BJP đã để xảy ra một chuỗi xung đột tồi tệ nhất ở bang Gujarat năm 2002, nơi hai cộng đồng Hồi giáo và Hindu giáo bị các phần tử cực đoan kích động, nổi loạn chém giết lẫn nhau làm 2000 người thiệt mạng, phần lớn là người Hồi giáo.
Trước đây đã có tổ chức khủng bố tự xưng “Mujahedeen Ấn Độ”. Vụ Mubai mới đây do tổ chức tự xưng là “Deccan Mujahedeen” nhận trách nhiệm. Deccan là một cao nguyên trải dài từ miền Trung tới miền Nam Ấn Độ. Cái tên này cho thấy có thể đây là một nhóm khủng bố nội địa chịu ảnh hưởng của các tổ chức nước ngoài. Nói cách khác, tổ chức thánh chiến “nội địa hóa”.
Những mắt xích trọng yếu
Tiếp giáp Afghanistan, Pakistan và Bangladesh, nơi nhiều tổ chức khủng bố Hồi giáo nương náu, thậm chí được sự trợ giúp của một số thế lực Pakistan, Ấn Độ tỏ ra là mắt xích dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Gây ra vụ Mumbai, những kẻ khủng bố muốn phá vỡ sự ổn định của Pakistan – một nhà nước bị chia rẽ và suy yếu trầm trọng; chính quyền trung ương gặp nhiều khó khăn trong việc thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ cũng như đối với quân đội. Khủng bố hoành hành ở Pakistan. Nếu Ấn Độ xẩy ra những vụ ám sát chấn động thế giới - năm 1984, các cảnh vệ người Sikh ám sát Thủ tướng Indira Gandhi; năm 1991, một phụ nữ thuộc lực lượng Con hổ Tamil ám sát Thủ tướng Rajiv Gandhi. Thì tại Pakistan, tháng 12 năm ngoái, diễn ra vụ ám sát không kém phần bi thảm - Al-Qaeda đã sát hại bà Bhutto.
Pakistan - quê hương của một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hiện đại - Maulana Maududi (1903-79). Maududi cho rằng phương Tây đã dùng sức mạnh để đè bẹp Hồi giáo. Ông này đề xuất chủ thuyết giải phóng Hồi giáo, kêu gọi tất cả mọi người Hồi giáo thực hiện thánh chiến chống lại jahiliya (sự dã man) của những kẻ vô thần và Tây phương và thánh chiến là nhiệm vụ trung tâm của những người theo đạo Hồi.
Từ 60 năm nay, Nam Á sống trong cảnh bạo loạn triền miên do sự hằn thù giữa người Hindu và Hồi giáo, xung đột tại Kashmir, lôi cuốn vào hai cuộc chiến tranh tại Afghanistan. Những phần tử Hồi giáo cực đoan ở cả Ấn Độ lẫn Pakistan và Afghanistan đều không muốn hòa giải. Nhiều phân tích quốc tế cho rằng, những kẻ ly khai tại Kashmir ngày càng lo ngại việc Ấn Độ và Pakistan cải thiện quan hệ, nên có thể đã gây ra cuộc tấn công khủng bố Mumbai để ngăn chặn những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước. Xung đột mới giữa Ấn Độ và Pakistan có thể giảm sức ép đối với Taliban và Al-Qaeda tại vùng biên giới Afghanistan-Pakistan. Tổng thống đắc cử Obama đã xác định mặt trận chính chống khủng bố quốc tế là Afghanistan và Pakistan. Những nỗ lực mới đây của chính quyền Bush làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan cho thấy nhận thức mới về tầm quan trọng cải thiện quan hệ, hợp tác an ninh giữa hai nước Nam Á và hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan là chìa khóa giải quyết tình hình Afghanistan.
Các nhóm phiến quân Hồi giáo hoạt động trên đất Pakistan, trong đó có Lashkar-e-Taiba tổ chức vụ khủng bố Mumabai có căn cứ tại Kashmir, hai thập kỷ qua đã hoạt động như một cánh tay của lực lượng vũ trang Pakistan. Dư luận tỏ ý hoài nghi, những vụ vây bắt các phần tử liên quan vụ Mumbai những ngày qua, do chính phủ Islamabad tiến hành, là những cố gắng thực chất hay chỉ nhằm đối phó với sức ép từ Ấn Độ và thế giới? Chưa có dấu hiệu cho thấy Islamabad đã có những thay đổi trong đường hướng và chính sách hai mặt đối với các tổ chức khủng bố Hồi giáo, cũng như ngừng sử dụng lực lượng thứ ba để gây mất ổn định tại Ấn Độ.
Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy, vụ Mumbai đang thay đổi theo chiều hướng tích cực nhận thức và cách tiếp cận của người dân và chính giới Ấn Độ về xung đột tôn giáo, sắc tộc tại nước này, cũng như về cuộc chiến của Ấn Độ chống chủ nghĩa khủng bố. Những biện pháp cứng rắn có thể sẽ được áp dụng chống lại mọi hành vi bạo lực, bất luận là từ phía người Hindu, Hồi giáo, Thiên chúa giáo hay Phật giáo. Xã hội cần thức tỉnh đối với mối nguy cơ cuộc xung đột nội bộ bị các thế lực Hồi giáo cực đoan bên ngoài lợi dụng. Trên mặt trận chống Hồi giáo cực đoan, Ấn Độ, Mỹ và Pakistan có chung kẻ địch, đòi hỏi sự phối hợp hành động chặt chẽ. Nhưng đến bao giờ, hai quốc gia Nam Á này mới ngừng coi nhau là kẻ thù?./.