Lễ trao giải Cánh diều 2005 đã cận kề nhưng còn rất nhiều vấn đề khiến BGK đau đầu và cũng có nhiều dự định vẫn chỉ là... dự định. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Luân Kim, Tổng thư ký Hội điện ảnh VN, trưởng BGK Cánh diều 2005 xung quanh việc chấm giải, chất lượng phim vừa diễn ra.
Lễ trao giải Cánh diều 2005 đã cận kề nhưng còn rất nhiều vấn đề khiến BGK đau đầu và cũng có nhiều dự định vẫn chỉ là... dự định. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Luân Kim, Tổng thư ký Hội điện ảnh VN, trưởng BGK Cánh diều 2005 xung quanh việc chấm giải, chất lượng phim vừa diễn ra.
- BGK đã tiến hành việc chấm giải như thế nào, thưa ông?
- Ông Trần Luân Kim: Tiểu ban nào có nhiều phim tham gia thì BGK phải làm việc từ rất sớm, BGK phim truyền hình nhiều tập phải xem cách đây 10 ngày vì có 7 phim truyện truyền hình nhiều tập tham gia, trong đó riêng phim Ngọn nến hoàng cung có tới 45 tập. Ban Phim truyện nhựa chỉ có 10 phim tham gia nên đến ngày 12/3 mới bắt tay vào chấm giải. Tiểu ban Phim hoạt hình sẽ làm việc sau cùng.
- Liệu đã đến lúc cần nhìn nhận công bằng hơn với những phim có chi phí sản xuất khổng lồ nhưng không có khán giả? Tiêu chí chấm giải của năm nay?
- Tiêu chí của chúng tôi lâu nay là khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo và hiệu quả cao trong việc thể hiện ngôn ngữ điện ảnh đồng thời đề cao những phim có tác động xã hội nhất định tức là có người xem. Chi phí sản xuất không quyết định một bộ phim hay. Chúng tôi chưa thể nói gì về chất lượng các phim tham gia tranh giải năm nay ngoại trừ số lượng nhiều hơn.
- Cánh diều 2005 có thể coi là giải đầu tiên có sự tham gia của các bộ phim có yếu tố nước ngoài. Vậy BGK có phải đưa thêm tiêu chí chấm cho những bộ phim dạng này?
Năm ngoái chúng tôi đã quyết định trao Giải đặc biệt có giá trị tương đương với Giải Bạc cho phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong vì có yếu tố nước ngoài đậm (đạo diễn, diễn viên và các cảnh quay tại TQ). Năm nay có một số phim có yếu tố nước ngoài tranh giải và chúng tôi quy ước, nếu nhóm tác giả là người gốc Việt thì sẽ trao giải bình thường. Nếu phim do Nhà nước cấp tiền, duyệt phim, do hãng phim trong nước đề xuất thực hiện thì vẫn coi là phim VN cho dù được nước ngoài hỗ trợ về vốn và kỹ thuật.
Cảnh trong phim "Ngọn nến hoàng cung". |
- Trong những năm trước, rất nhiều người đã kêu ca về chuyện giải thưởng này chỉ hạn chế trong giới làm phim hơn là hướng về công chúng. Ông có dám chắc năm nay lễ trao giải sẽ hấp dẫn hơn?
- 5 năm nay, lễ trao giải thưởng của Hội điện ảnh đã được cải tiến rất nhiều và từ năm 2003 nó đã có tên riêng là Cánh diều. Giới làm phim cũng đã coi đây là một giải quan trọng để nhìn lại một năm hoạt động của các nghệ sĩ. Năm nay, quy mô sẽ lớn hơn mọi năm. Việc tổ chức lớn hay nhỏ phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện, trước hết là kinh phí.
- Giao lưu cũng là hình thức giúp tăng sự hấp dẫn của Cánh diều với công chúng hâm mộ điện ảnh VN. Hình thức này vẫn chưa thấy có bên lề lễ trao giải....
- Giao lưu là hình thức chỉ có thể áp dụng cho các LHP, Cánh diều chỉ là hoạt động chấm và công bố giải.
"Khi đàn ông có bầu": phim tư nhân đầu tiên tranh giải "Cánh diều vàng". |
- Một số giải thưởng điện ảnh tuy chỉ mang tầm quốc gia nhưng vẫn mời các nước trong khu vực tham gia, Hội đã nghĩ đến chuyện có thêm một hạng mục cho Phim nước ngoài hay nhất trong Cánh diều?
- Chúng tôi đang nghĩ đến điều này nhưng hiện giờ chưa làm được. Vấn đề chính vẫn là kinh phí, nếu đáp ứng được về mặt tài chính thì việc mời các nước gửi phim tham dự chẳng khó khăn gì. Giao lưu với nghệ sĩ và điện ảnh nước ngoài là rất có lợi nhưng mình chưa đủ sức làm.
- Việc để khán giả và báo chí tham gia bình chọn tăng tính hấp dẫn của giải thưởng nhưng lại không được thực hiện. Ông nghĩ sao về điều này?
- Chúng tôi đã bàn nhưng đến phút chót thì không làm được vì thời gian ngắn và việc tổ chức phức tạp quá. Rất nhiều vấn đề không khắc phục được nhưng chúng tôi sẽ cố gắng suy nghĩ để những năm sau tổ chức cho được, trước mắt là giải do báo chí bình chọn vào Cánh diều 2006