• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Xung quanh việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện VN: Lãnh đạo Công ty “rối trí”

Văn hoá 13/09/2017 19:34

(Tổ Quốc) - Trong gần ba tháng qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam mới thực hiện công tác bàn giao tài sản, con người, hồ sơ tài liệu và một số thủ tục tài chính…

Tâm tư về một thời chưa xa vắng của các nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam sau thời điểm chuyển sang mô hình Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam dường như vẫn thật trĩu nặng.

Và có lẽ, chẳng dễ dàng gì để có thể chóng vánh xoa dịu, giải tỏa. Mong mỏi có một luồng gió mới xua đi nỗi ám ảnh trì trệ đối với những nghệ sĩ từng sống trong thời kỳ vang bóng của điện ảnh nước nhà, cho đến nay vẫn tiếp tục là mong ngóng. Sau gần ba tháng hoạt động, lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam thừa nhận, bài toán vận hành Công ty đang hàm chứa quá nhiều điều hóc búa.

Nhưng điều trước hết là cần nhìn thẳng vào câu chuyện đã, đang diễn ra…

Bài 1: Lãnh đạo Công ty “rối trí”

Dẫu được thừa nhận là đơn vị duy nhất chấp nhận những cam kết mà Bộ VHTTDL đặt ra để trở thành nhà đầu tư chiến lược cho VFS, song trong gần ba tháng qua, kể từ thời điểm Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam chính thức hoạt động (ngày 23.6.2017), những công việc được tập trung thực hiện mới là công tác bàn giao tài sản, con người, hồ sơ tài liệu và một số thủ tục tài chính…

Phép thử…

" Sau khi cổ phần hóa, anh em nghệ sĩ, CBCNV đều hi vọng lương và các chế độ ổn định hơn trước, về việc chia sẻ khó khăn với Công ty, một số anh em vẫn chưa được thông. Việc cổ phần hóa là một sóng gió lớn với anh em, mong muốn có thời gian để đả thông dần, tránh gây sốc cho các nghệ sĩ…" (Ông VŨ ĐỨC TÙNG, Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam).

Dãy nhà của Hãng phim truyện Việt Nam

Câu chuyện doanh nghiệp kinh tế “bắt tay” vào làm điện ảnh, gặp nhiều trắc trở âu cũng không phải khó đoán. Nó càng rõ ràng hơn khi tiền thân của Công ty cổ phần là Hãng Phim truyện Việt Nam cũng đã phải trải cảnh đau đớn, vật vã trong suốt nhiều năm.

Ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam thừa nhận, Tổng Công ty Vận tải thủy với tư cách nhà đầu tư chiến lược vốn chẳng “bà con” gì với điện ảnh, cho nên những bước đi đầu tiên gặp phải không ít khó khăn. “Bộ máy nhân sự hơn 80 con người, cồng kềnh ở nhiều vị trí đang khiến ban lãnh đạo Công ty “rối trí”, thậm chí khủng hoảng. Bởi thực tế, khối lượng công việc hiện dành cho đội ngũ này đang trống hơ trống huếch…”, ông Nguyễn Danh Thắng chia sẻ.

Cam kết vẻ như “nặng ký” nhất của nhà đầu tư chiến lược là làm phim, cho đến nay vẫn ở khúc manh nha. Bộ phim truyện nhựa đầu tiên - “Người yêu ơi” hiện đang được chuẩn bị và dự kiến khởi quay vào cuối tháng 9. “Chúng tôi đã lập dự toán kinh phí trình lên Cục Điện ảnh, trong thời gian chờ đợi, Công ty đã đầu tư kinh phí cho việc chọn bối cảnh, casting, thành lập đoàn làm phim, lên kế hoạch đầu tư máy móc, trang thiết bị... Nếu như Cục Điện ảnh chưa kịp cấp kinh phí, Công ty cũng có phương án chủ động để kịp thời gian bấm máy. “Người yêu ơi” là đứa con tinh thần đầu tiên, cho nên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam dồn tâm sức và gửi gắm rất nhiều kỳ vọng…”, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Danh Thắng cho biết.

" Đề nghị HĐQT trong thời gian tới tổ chức cuộc họp với toàn thể nghệ sĩ- CBCNV đang làm việc tại công ty. Nhà đầu tư đã có cam kết và đưa vào trong điều lệ rõ ràng, từ tìm công ăn việc làm đến trả lương cho anh em. HĐQT mà anh Thắng là Chủ tịch trong quá trình điều hành đã làm sai những gì thì cần dựa vào cam kết, điều lệ của Công ty để có ý kiến trực tiếp với HĐQT, Ban lãnh đạo Công ty. Việc một số cá nhân nói trên facebook là không có căn cứ pháp lý…"(Ông VƯƠNG TUẤN ĐỨC, Phó Tổng Giám đốc phụ trách)

Cũng theo ông Thắng, giai đoạn sau chuyển đổi mô hình hoạt động có nhiều khó khăn, tuy nhiên, mục tiêu sản xuất phim vẫn luôn được xác định là định hướng cơ bản. Tuy những hình hài cụ thể vẫn chưa rõ nét song có một điều chắc chắn, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam sẽ bắt tay sản xuất các bộ phim thị trường, giải trí.

“VFS trước đây chưa có kinh nghiệm làm những bộ phim này, vì thế, bắt đầu từ năm 2018, Công ty sẽ liên kết với các đối tác tiềm năng để phát triển dòng phim thị trường, song song với việc sản xuất các bộ phim truyền thống do Nhà nước đặt hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lên phương án mua giờ phát sóng trên một số kênh truyền hình; chủ động sản xuất phim truyền hình để phát trong những khung giờ này…”, Chủ tịch Nguyễn Danh Thắng cho biết thêm.

...Và sẵn sàng đối mặt

Ông Nguyễn Danh Thắng thừa nhận, khối lượng công việc mà Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam hiện phải tập trung giải quyết quá nhiều, trong đó có nhiều đầu việc “chạm” đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ văn nghệ sĩ. “Khó có thể giải quyết được những khúc mắc chỉ trong một sớm một chiều, tuy nhiên, trong tất cả những cuộc họp của Công ty kể từ thời điểm 23.6 đến nay, tôi luôn bày tỏ mong muốn rằng đội ngũ trên 80 nhân sự của Công ty sẽ cùng chúng tôi đưa con thuyền đang tròng trành sóng gió này đi qua giông bão.

Hãng phim truyện Việt Nam

Chỉ khi ổn định tổ chức thì mới có thể tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược mà tất cả đều ngóng đợi là đầu tư, cho ra đời những bộ phim điện ảnh, truyền hình chất lượng cao; góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập”, ông Thắng trần tình.

Mang câu chuyện tâm tư của những nghệ sĩ một thời vang bóng hiện đang phải hưởng mức lương 540 ngàn đồng/ tháng đến lãnh đạo Công ty, chúng tôi nhận được câu trả lời: Đảm bảo chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, người lao động là một trong những cam kết của nhà đầu tư chiến lược. Ngay sau chuyển đổi, công tác bàn giao tài chính chưa xong nên tiền lương tháng 7 vẫn được Công ty chi trả theo các mức được VFS áp dụng trước đây.

Sang tháng 8, tình hình Công ty gặp nhiều khó khăn tài chính do phải tập trung chi trả 21 tỉ đồng tiền nợ thuế của VFS, cho nên Công ty kêu gọi toàn thể nghệ sĩ, CBCNV cùng chia sẻ khó khăn. Chủ tịch HĐQT cũng chỉ đạo lập danh sách tạm ứng lương tháng 8 cho các cán bộ hiện đang làm việc tại Công ty. “Số tiền 540 ngàn đồng trước đây được VFS chi trả cho khoảng 20 người không đến làm việc tại Hãng chứ không phải toàn bộ. Chúng tôi không chỉ đạo không trả lương tháng 8 cho CBCNV do không có việc làm như một số thông tin đăng tải trên mạng xã hội…”, lãnh đạo công ty khẳng định.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL về công khai, minh bạch thông tin, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Danh Thắng cũng cho biết, Công ty cam kết mở mọi cánh cửa kêu gọi các văn nghệ sĩ hãy cùng kết nối và đưa về những dự án làm phim, tạo công ăn việc làm cho mọi người.

Hiện nay, theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt thì mỗi năm Công ty chỉ sản xuất một phim điện ảnh, một phim truyền hình và như vậy, khoảng trống về thời gian, nhân lực đang đặt ra yêu cầu phải nỗ lực đa dạng hóa các hình thức hoạt động, tăng thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống cho đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ đã cống hiến, gắn bó lâu năm với địa chỉ đỏ của nền điện ảnh Việt Nam.

“Tài sản lớn nhất, giá trị nhất của VFS hiện còn là trên 300 bộ phim, rất nhiều trong số đó từng là niềm tự hào của điện ảnh Việt. Chúng tôi luôn trân trọng khối tài sản vô giá chứa đựng trí tuệ, chất xám của nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh nước nhà.

Cùng với đó, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo chuyển đổi địa điểm lưu giữ, bảo quản trên 200 kịch bản cũ trong tủ tại phòng Biên kịch. Vì điều kiện bảo quản tại trụ sở số 4 Thụy Khê đang xuống cấp trầm trọng, Công ty đã liên hệ gửi số kịch bản này sang Viện phim là nơi có điều kiện đảm bảo tốt nhất, chống thất thoát. Tất cả những công việc này đều có biên bản giao nhận, kê chi tiết từng loại kịch bản, số lượng cụ thể…”, ông Thắng cho biết thêm.

Chỉnh trang, tu sửa hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng của địa chỉ “nằm lòng” tâm tư của nhiều thế hệ nghệ sĩ và công chúng yêu mến nền điện ảnh nước nhà- địa chỉ số 4 Thụy Khê cũng được cho biết đang là một nhiệm vụ trọng tâm. Hiện trạng dột nát, hỏng hóc lâu năm chưa được tu sửa, nay sẽ được tính toán để từng bước chỉnh trang, nâng cấp. Điển hình như với kho đạo cụ tồn tại vốn xập xệ, dột nát, thực hiện chủ trương cải tạo, HĐQT chỉ đạo di chuyển những đạo cụ còn giá trị sử dụng sang kho của Tổng Công ty Vận tải thủy trong thời gian chờ cải tạo hệ thống kho cũ của Hãng phim, chỉ bỏ đi những gì mục nát không thể sử dụng.

Thời gian chưa đủ dài để tạo nên nhiều thay đổi, tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Thắng thừa nhận, một phần của những “lình xình” tiếp tục kéo dài trong câu chuyện cổ phần hóa VFS có nguyên nhân từ công tác điều hành của HĐQT và Ban Giám đốc. “Tư duy doanh nghiệp có thể là nguyên nhân khiến góc độ tiếp cận và cách ứng xử của chúng tôi chưa được tròn trịa, khiến cho một số văn nghệ sĩ hiểu nhầm và bức xúc, trong đó có việc đóng một trong hai cổng ra vào hãng phim hay thông báo giờ làm việc đối với khách hàng đến giao dịch (không phải yêu cầu đối với các văn nghệ sĩ làm việc tại hãng - P.V). Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và kịp thời có điều chỉnh phù hợp.

Ở một góc độ khác, chúng tôi cũng thấu hiểu những mong chờ có một luồng gió mới để vực dậy sức sống của một địa chỉ lừng lẫy của nền điện ảnh quốc gia, với tuổi đời hơn nửa thế kỷ, tuy nhiên, để đến được mục tiêu này, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam xác định rằng sẽ còn phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, với niềm tin cứ đi rồi sẽ thành đường!”, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Danh Thắng giãi bày./.

" Trên cương vị Chủ tịch Công đoàn, đề nghị HĐQT, Chủ tịch HĐQT trong thời gian tới tổ chức cuộc họp mặt toàn thể cán bộ, công nhân viên và trong cuộc họp đó, lãnh đạo Công ty nêu rõ thực trạng, lộ trình và chính sách trả lương đối với từng thành phần để người lao động trong công ty hiểu rõ được các vấn đề…Từ tháng 9.2017 trở đi, những ai làm việc thì sẽ trả lương, còn những ai thời gian gần đây đi làm bên ngoài, không trực tiếp làm việc tại Công ty tạm thời chỉ đóng bảo hiểm xã hội…"(Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Chủ tịch Công đoàn, Phó Tổng Giám đốc)      

Nên đưa trang web của chúng ta làm một kênh thông tin chính thức. Ví dụ như vấn đề tủ kịch bản, vì sao không đưa hình ảnh biên bản bàn giao lên trang web chính thức này, như thế không ai có thể hiểu sai và xuyên tạc được…"(Ông LÊ VINH QUỐC, Xưởng trưởng Thu thanh dựng phim)  

(Theo Báo Văn hóa)

NỔI BẬT TRANG CHỦ