(Tổ Quốc) -Quan niệm “Yêu cho roi cho vọt” và “Dạy con từ thủa còn thơ/ Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” phải chăng đã không còn phù hợp hay ranh giới như thế nào là yêu, là bạo lực gia đình (BLGĐ). Chia sẻ thêm về quan niệm này cũng như khái quát về tình hình BLGĐ hiện nay, báo Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn ông Hoa Hữu Vân – Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL.
- Là Phó vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ VHTTDL, xin ông cho biết tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) hiện nay ở Việt Nam?
+ Cho đến nay, Luật phòng, chống BLGĐ đã được thực hiện 8 năm, có thể tạm chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2008 đến 2011 và từ 2011 đến 2016.
Giai đoạn từ 2008 – 2011, Bộ VHTTDL đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 4415/KH-BVHTTDL về hành động của Bộ VHTTDL thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ trong đó có Mô hình phòng, chống BLGĐ ở các địa phương. Mô hình PCBLGĐ là sự kết hợp hoạt động của Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững với Nhóm PCBLGĐ và Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm ngăn chặn không để xảy ra hành vi BLGĐ, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, xử lý người vi phạm ngay tại thôn, ấp, tổ dân phố.
Sau 3 năm triển khai thí điểm có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế, từ 2011 đến nay, mô hình này được chuẩn hóa và được Bộ VHTTDL hướng dẫn thực hiện như một nhiệm vụ thường xuyên đối với tất cả các địa phương.
Tình hình BLGĐ hiện nay, vẫn diễn biến phức tạp , ngày càng phát hiện những vụ BLGĐ nghiêm trọng
Hiện số liệu tổng hợp từ báo cáo của 63 tỉnh thành phố chủ yếu là dạng bạo lực nhìn thấy bằng mắt thường, tức là bạo lực về thể xác .
Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL - Hoa Hữu Vân. |
- Khó khăn nhất hiện nay trong công tác phòng, chống BLGĐ hiện nay là gì thưa ông?
Khó khăn trước hết là vấn đề phát hiện và tố giác hành vi BLGĐ. Đối với nạn nhân thì ngại lên tiếng tố giác người thân, đối với cộng đồng, hàng xóm thì ngại va chạm hoặc cũng chưa nhận diện, phân biệt được thế nào là hành vi BLGĐ nên không tố giác. Nếu không phát hiện được thì không xử lý được. Mà không xử lý được thì đồng thời hỗ trợ cho nạn nhân cũng rất khó.
Khó khăn thứ hai là là cơ chế phối hợp . Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 21 ngày 17/5/2016 về quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống BLGĐ. Đây là điều kiện tốt để khắc phục những bất cập của công tác phòng, chống BLGĐ liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan tổ chức liên quan từ trước đến nay Thứ ba là khó khăn về nguồn lực.
- Quan niệm “Yêu cho roi cho vọt” và “Dạy con từ thủa còn thơ. Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” phải chăng đã không còn phù hợp hay ranh giới như thế nào là yêu, là BLGĐ?
Nếu hiểu theo nghĩa đen câu “Yêu cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi” hay “Dạy con từ thủa còn thơ/ Dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” có thể cho rằng đó là bạo lực.
Nếp nhà hay gia phong thì dù khá giả hay bần hàn, gia đình nào cũng hướng tới và giữ. Bởi đó là giá trị. Thời gian qua, chúng ta xây dựng giá trị chuẩn mực của gia đình, quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình theo hướng phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu những giá trị tiên tiến của nhân loại và tôn trọng quyền con người của mỗi thành viên gia đình thì câu nói đó chúng ta phải xem xét lại và theo tôi không còn phù hợp.
Ảnh minh họa. Nguồn: congly.vn |
- Là một người làm công tác về gia đình đã nhiều năm, xin ông cho biết nguyên nhân chính dẫn ra BLGĐ là gì?
+ Nguyên nhân chính dẫn đến BLGĐ, chính là quyền con người trong gia đình chưa được hiểu một cách thấu đáo và chưa được tôn trọng. Không ít người cho rằng mình có quyền dạy bảo người kia trong gia đình bằng vũ lực, bằng những lời cay độc, chì chiết, thậm chí là xỉ vả mà không tính đến họ sẽ bị tổn thương như thế nào. Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, thân thể. Nếu hiểu được điều đó vừa là cách tiếp cận, vừa là căn nguyên của BLGĐ. Đó là cách tiếp cận từ quyền con người,
- Thưa ông, xác định được nguyên nhân chính như thế chúng ta cũng sẽ phòng ngừa bắt đầu từ nguyên nhân đó đúng không ạ?
+ Chính xác, khi tìm được bệnh thì sẽ trị được bệnh. Do đó vấn đề tuyên truyền chúng ta còn phải tiếp tục làm. Rất mong các cơ quan truyền thông, trong đó có báo Tổ quốc tiếp tục đồng hành với những người làm công tác gia đình góp phần ngăn ngừa tình trạng BLGĐ, thêm nhiều nụ cười, niềm vui và hạnh phúc trong mỗi gia đình.
Cảm ơn ông!
Hiền Nguyễn (Thực hiện)