• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

27/31 tỉnh TQ hứng hồng thủy: Gần 40 triệu người gặp họa, kích hoạt "sự bảo hiểm cuối cùng" ngăn lũ Trường Giang

Thế giới 15/07/2020 05:35

(Tổ Quốc) - Thiên tai lũ lụt đã gây thiệt hại và ảnh hưởng đến 38.73 triệu người ở 27 tỉnh, thành của Trung Quốc Đại lục - theo nhà chức trách nước này.

27 tỉnh thành Trung Quốc chịu ảnh hưởng của lũ lụt

Thứ trưởng Bộ quản lý ứng phó khẩn cấp Trung Quốc, Tổng thư ký Ủy ban giảm nhẹ thiên tai nhà nước Trung Quốc, ông Trịnh Quốc Quang cho biết trong cuộc họp báo phổ biến chính sách của Quốc vụ viện Trung Quốc, tính đến 7h ngày 13/7 (giờ địa phương), nạn lũ lụt tại nước này thời gian qua đã ảnh hưởng đến 38.73 triệu người trên địa bàn 27 tỉnh, thành, 141 người thiệt mạng hoặc mất tích, 29.000 nhà cửa bị sập, thiệt hại kinh tế trực tiếp là 86.16 tỷ nhân dân tệ (hơn 12.3 tỷ USD).

Mực nước tại hồ Bà Dương, tỉnh Giang Tây - hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc và là nhánh chủ yếu của sông Dương Tử (Trường Giang) ở vùng hạ lưu - đã vượt qua mực nước trong nạn lụt năm 1998, phá kỷ lục lịch sử.

Nạn lũ năm 1998 đến nay được đánh giá là trận đại hồng thủy lớn thứ hai trên Trường Giang, chỉ sau mùa lũ năm 1954.

Các báo cáo của Tân Hoa Xã, The Paper,... cho hay, kể từ khi bước vào mùa mưa ngày 8/6 vừa qua, mưa lớn đồng thời tại nhiều địa phương Trung Quốc đã gây ra lũ lụt.

Mực nước ở Trường Hồ (hồ thuộc tỉnh Hồ Bắc) tính đến 10h sáng ngày 11/7 đạt 33.49m, cao hơn 0.03m so với kỷ lục trong lịch sử, đe dọa đến thành phố Kinh Châu ở lân cận. Đến thời điểm trên, Hồ Bắc đã ghi nhận hơn 6 triệu người bị ảnh hưởng thiên tai, ít nhất 15 người tử vong.

Giang Tây kích hoạt "sự bảo hiểm cuối cùng" để ngăn lũ

Tỉnh Giang Tây nằm ở hạ lưu Trường Giang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mưa lớn và lũ lụt trong những ngày gần đây. 98 huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hơn 5 triệu người bị thiên tai ảnh hưởng. Chính quyền tỉnh đã nâng mức ứng phó lũ lụt khẩn cấp từ Mức II lên Mức I.

Mực nước ở Xương Giang - sông trên địa bàn tỉnh Giang Tây - ngày 11/7 có thời điểm dâng cao đến 23.43m, vượt 0.25m so với kỷ lục ghi nhận trong lũ lụt lịch sử 1998. Khoảng 50m đê dọc con sông này, đoạn qua thị trấn Bà Dương, huyện Bà Dương, đã bị vỡ vào tối ngày 8/7.

Tỉnh Giang Tây ghi nhận 14 đoạn đê bao bị thiệt hại. Các vụ vỡ đê khiến 15 đơn vị hành chính bị nước lũ tấn công.

Phó trưởng kỹ sư thuộc Ủy ban thủy lợi Trường Giang, Bộ Thủy lợi Trung Quốc, ông Trần Quế Á trước đó dự báo, mực nước ở cửa khẩu hồ Bà Dương vẫn tiếp tục dâng cao và dự kiến đỉnh lũ thứ hai sẽ tới đây vào khoảng ngày hôm nay, 15/7.

Global Times cho hay, tỉnh Giang Tây đã tiến hành sơ tán khẩn cấp 589.000 người, đồng thời ước tính thiệt hại do mưa lũ từ ngày 6/7 vào khoảng 11.1 tỷ tệ (khoảng 1.6 tỷ USD).

Theo tờ Zaobao (Singapore), nhà chức trách địa phương đang xúc tiến kích hoạt cơ chế phân tán nước lũ tại các khu trữ nước tạm thời - được xem là "sự bảo hiểm cuối cùng" trong hệ thống phòng chống lũ ở Trường Giang, nhằm tránh kịch bản mực nước hồ Bà Dương vượt qua mức kỷ lục năm 1998 là 22.59m. Tại huyện Đô Xương lân cận, hơn 3.400 người đã được sơ tán.

27/31 tỉnh TQ hứng hồng thủy: Gần 40 triệu người gặp họa, kích hoạt sự bảo hiểm cuối cùng ngăn lũ Trường Giang - Ảnh 2.

Một vị trí đê bị vỡ ở Xương Giang (sông Xương), đoạn qua địa bàn huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, ngày 11/7/2020 (Ảnh: Chinanews)

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh không để dân tái nghèo vì thiên tai

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/7 đưa ra chỉ đạo quan trọng về công tác phòng chống lũ. Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập xác nhận thủy tai ở nhiều địa phương thời gian qua "đã gây ra tổn thất về con người và tài sản, tình hình phòng chống lũ lụt hết sức nghiêm trọng".

Ông Tập yêu cầu các quan chức "nghiêm túc làm tốt công tác cứu trợ và hỗ trợ quần chúng gặp khó khăn, ngăn chặn hiện tượng tái nghèo do thiên tai". Đài RFI (Pháp) phân tích, thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc được cho là nhằm nhấn mạnh sự cấp thiết và mối liên hệ giữa công tác xóa nghèo với hoạt động phòng chống thiên tai.

Năm 2020 là thời hạn mà Trung Quốc đặt ra để hoàn thành mục tiêu "xây dựng xã hội khá giả toàn diện", mà chỉ tiêu mang tính biểu trưng là "nhân khẩu nghèo ở các vùng nông thôn được thoát nghèo, toàn bộ các huyện nghèo được 'tháo mác'".

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Hải Võ

NỔI BẬT TRANG CHỦ