• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

47 quốc gia trên thế giới cấm quảng cáo rượu, bia

Sức khỏe 09/06/2018 09:01

(Tổ Quốc) - Theo Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trên thế giới hiện có 47 quốc gia đang duy trì chính sách cấm quảng cáo toàn bộ rượu, bia.

Sáng 8/6, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo cung cấp thông tin về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại hội thảo này, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố nhiều con số đáng báo động về mức độ tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam. Theo đó, hiện Việt Nam đang đứng thứ 64/194 quốc gia có mức độ tiêu thụ lớn về rượu, bia và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Phương Nam – đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.

PV: Theo ông đâu là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng mức độ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam gia tăng một cách đáng báo động như vậy?

Ông Nguyễn Phương Nam: Ở Việt Nam hiện nay, người dân tiếp xúc một cách rất dễ dàng, thoải mái với rượu, bia và cả thuốc lá nữa. Chỉ cần ra những hàng quán như trà đá cũng có thể mua được rượu, bia. Bên cạnh đó, ở Việt Nam việc quảng cáo, tiếp thị về rượu bia gần như không kiểm soát được. Từ trẻ em, người lớn đều có thể dễ dàng bắt gặp những thông tin quảng cáo về các sản phẩm rượu, bia. Điều này, ở các nước không như vậy. Họ có những quy định cụ thể về quảng cáo các sản phẩm về đồ uống có cồn, cũng như rượu bia. Cuối cùng, theo tôi cái quan trọng nhất là giá rượu bia ở Việt Nam hiện tại đang rất rẻ, nếu không muốn nói là rẻ nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, nhưng giá rượu bia thì gần như không tăng cao. Đó là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng của việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Phương Nam trình bày báo cáo tại hội thảo. Ảnh Vi Phong

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về việc quảng cáo rượu, bia của các nước trên thế giới ?

Ông Nguyễn Phương Nam: Ở nhiều nước trên thế giới, người ta có những quy định chặt chẽ về việc quảng cáo rượu, bia. Có tới 47 quốc gia trên thế giới có chính sách cấm toàn bộ các quảng cáo về rượu, bia. Thụy Điển là quốc gia cấm toàn bộ các quảng cáo về rượu, bia. Trong khi đó tại Pháp họ sẽ cấm quảng cáo nhắm vào trẻ em, cấm quảng cáo rượu, bia trên Tivi và Radio trong khung giờ từ 5h chiều đến 12h đêm hay như Phần Lan, họ cấm quảng cáo về rượu bia lớn hơn 22% trong khung giờ từ 7h sáng đến 9h tối. Tại châu Á, Ấn Độ và Malaysia là hai quốc gia cấm toàn bộ các quảng cáo liên quan đến rượu, bia. Hàn Quốc thì cấm toàn bộ các quảng cáo về đồ uống có cồn lớn hơn 17%. Nhìn chung các nước rất quan tâm tới việc quảng cáo về rượu, bia. Đặc biệt là cấm hoàn toàn việc quảng cáo nhằm vào trẻ em. Họ cho rằng trẻ em tiếp xúc sớm với các sản phẩm, nội dung liên quan đến rượu, bia thì khi lớn lên sẽ dễ dẫn đến việc tiêu thụ những đồ uống có cồn này.

PV: Theo chia sẻ của các chuyên gia Thái Lan (tham dự hội thảo), ngoài việc thu thuế rượu, bia như quy định, họ còn tiến hành thu thêm 2% để phục vụ cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rượu bia. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Ông Nguyễn Phương Nam: Theo tôi đó là một chủ trương đúng đắn và chúng ta có thể học tập theo. Ở Việt Nam, như chia sẻ của Vụ pháp chế (Bộ Y tế, PV), nguồn kinh phí để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội…một năm chỉ có 300 triệu đồng. Đây là con số rất ít. Trong khi đó mức độ tiêu thụ rượu,  bia của Việt Nam ngày một gia tăng, thuế rượu, bia thì lại rất thấp. Rượu, bia là một trong số các nguyên nhân dẫn đến các bệnh không lây nhiễm rất lớn. Hiện nay, số người tử vong do bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường….ngày một gia tăng. Do đó, theo tôi, việc thu thêm phụ thu như mô hình của Thái Lan là hợp lý, vừa tăng cường tính kiểm soát đối với rượu bia, đồng thời qua đó có kinh phí để hoạt động trong công tác tuyên truyền, bảo vệ sức khỏe của người dân với tác hại của rượu, bia. Với người Việt Nam, sử dụng rượu, bia gần như một thói quen. Chính vì vậy, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi dần dần thói quen xấu này.

Xin cảm ơn ông!

Vi Phong

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ