• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

50 năm Nhà hát Tuồng Việt Nam (30.9.1959 - 30.9.2009): Bảo tồn tuồng cổ là ưu tiên số một

30/09/2009 08:49

Nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển. Tuy vậy, Nhà hát tuồng VN vẫn quyết tâm để bảo tồn dòng tuồng bác học và duy trì cuộc sống cho những người giữ lửa, để tiếp tục truyền nghề tổ cho các thế hệ mai sau.

Nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển. Tuy vậy, Nhà hát tuồng VN vẫn quyết tâm để bảo tồn dòng tuồng bác học và duy trì cuộc sống cho những người giữ lửa, để tiếp tục truyền nghề tổ cho các thế hệ mai sau.

Một cảnh trong vở Một cảnh trong vở "Thất Hiền Quyến".

Sau 50 năm thành lập, hàng chục vở tuồng cổ đã được các nghệ sĩ của Đoàn tuồng Bắc trước đây và nay là Nhà hát Tuồng VN chỉnh lý và dàn dựng, trở thành những di sản văn hoá dân tộc. Đó là các vở Sơn Hậu, Triệu Đình Long, Đào Tam Xuân loạn trào, Phụng Nghi Đình, Ngũ Viên Thiệu, Tam nữ Đồ Vương, Thanh Xà - Bạch Xà, Lý Phụng Đình, Mục Quế Anh dâng cây, Thất Hiền Quyến, Trương Đồ Nhục...

Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên sân khấu tuồng như: Quang Tốn, Bạch Trà, Đoàn Thị Ngà, Ba Tuyên, Bá Tùng, Đắc Nhã, Đình Nhi, Hoàng Phụng, Hồng Nhung, Doãn Khoái, Ngọc Như... đã được tập hợp để thành lập Đoàn tuồng Bắc Trung ương ngày ấy, đã thể hiện hết mình những vai diễn trứ danh. Chính vì vậy, những lớp kế tục được truyền nghề một cách bài bản và có chất lượng.

Trong những năm đầu của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với những gian nan vất vả mọi mặt, nhưng Đoàn tuồng Bắc cũng đã sản sinh ra những nghệ sĩ: Văn Thành, Văn Kính, Chu Lượng, Ngọc Bích, Quang Hải, Mẫn Thu, Tiến Thọ... đầy tài năng. Hàng loạt vở tuồng lịch sử như những bài ca giữ nước ra đời như: Đề Thám, Đô đốc Bùi Thị Xuân, An Tư Công chúa... đã được nhân dân và chiến sĩ cả nước đón nhận nồng nhiệt. Riêng vở Đề Thám đã công diễn liền 500 đêm tại Hà Nội trong giai đoạn đó mà rạp vẫn đông khán giả.

Những thế hệ thứ hai và thứ ba của Nhà hát Tuồng đã tiến xa hơn một bước khi đã thể nghiệm thành công những vở tuồng hiện đại như Tiếng gọi non sông, Má Tám, Dấu chân người trước... ca ngợi tấm gương kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt.

Nghệ thuật tuồng cổ trên sân khấu hôm nay vẫn là những mẫu mực của nghệ thuật tuồng truyền thống trước đây. Tuy nhiên, trong một số màn lớp và kỹ thuật biểu diễn đã bị mai một đi một cách đáng tiếc. Vở Sơn Hậu xưa kia có hai hồi diễn làm 3 đêm, thì nay diễn đủ còn hai đêm. Vở Triệu Đình Long có hai hồi, diễn hai đêm, nay dồn còn một đêm...

Thậm chí, với một vở tuồng quá dài, các nhà đạo diễn và nghệ sĩ đã cắt bớt cho nó đủ thời lượng. Ngoài ra, để đẩy tốc độ vở diễn cho xôm trò, các làn điệu như hát nam, khách, tẩu, thán, oán, ngâm, vịnh... cũng được các nghệ sĩ giản lược bớt để chuyển sang nói lối trên nền nhạc...

Múa tuồng luôn gắn liền với hát và diễn, thiếu một trong ba yếu tố này thì bất thành tuồng cổ. Hiện nay, múa tuồng cũng bị giản lược rất nhiều ở nhiều màn lớp. Rất nhiều vũ điệu do một số diễn viên trẻ thể hiện còn hời hợt, qua quýt, khiến tính cách nhân vật bị giảm sút...

Để gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật tuồng truyền thống, Nhà hát Tuồng sẽ mời những nghệ sĩ giỏi nghề để truyền lại các cơ bản về múa hát, cũng như kỹ thuật biểu diễn của diễn viên, dựng lại các trích đoạn cũng như vở diễn theo khuôn mẫu cơ bản đang bị mai một, để diễn viên trẻ tiếp thu có bài bản theo đúng hệ thống biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ mà các thế hệ trước đã từng làm.

Ưu tiên số một cho việc bảo vệ và lưu giữ nghệ thuật tuồng truyền thống, đó chính là hướng đi đúng đắn nhất của Nhà hát Tuồng VN hôm nay.

 

Theo LĐ

NỔI BẬT TRANG CHỦ