• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

6 điều không thể bỏ qua về ngôi làng thượng đỉnh Panmunjom

Du lịch 27/04/2018 13:17

(Tổ Quốc) - Mọi sự chú ý của thế giới đang dồn về Panmunjom -ngôi làng nhỏ nằm tại khu vực phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền nam, bắc Triều Tiên.

Hôm nay (27/4), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang có mặt trong hội nghị thượng đỉnh, diễn ra tại Panmunjom. Sự kiện lịch sử này được kỳ vọng sẽ mở ra một tương lai hòa bình và thịnh vượng cho hai quốc gia.

Cùng điểm qua một số điểm thú vị về ngôi làng có một không hai Panmunjom.

Mảnh đất “không người sở hữu”

Panmunjom không thuộc quyền hạn của cả Triều Tiên và Hàn Quốc. Nằm trong vùng DMZ, con đường chính dẫn tới ngôi làng được vây quanh bởi các hàng rào và trạm gác.

Panmunjom cách Seoul 50km về phía bắc, và 10km về phía đông của Gaeseong – một thành phố của Triều Tiên. Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc là lực lượng quản lý ngôi làng này.

Lính Hàn Quốc canh giữ tại đường ranh giới quân sự

Địa điểm cho các cuộc thương thảo liên Triều

Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1953, Panmunjom được mặc định là nơi diễn ra các cuộc gặp mặt giữa quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc.

Các tòa nhà trong làng đều kết nối với Seoul và Bình Nhưỡng, vì vậy, tất cả các cuộc thảo luận đều được giám sát chặt chẽ bởi cả hai phía. Nếu cần thiết, ông Kim Jong-un hay Moon Jae-in đều có thể nghe và tham dự các hoạt động nói chuyện diễn ra tại đây.

Ngôi làng cũng được chia làm hai

Cũng giống như bán đảo Triều Tiên, Panmunjom được chia làm hai phần bởi một đường ranh giới quân sự: một bên thuộc về miền Nam và một bên thuộc về miền Bắc.

Địa điểm diễn ra các hoạt động gặp mặt bên phía Hàn Quốc là tòa nhà Hòa bình, trong khi bên phía Triều Tiên là nhà Tongilgak.

Tòa nhà Hòa bình xanh bên phía Hàn Quốc

Điểm nóng “bỏ trốn” và bạo lực

Panmunjom đã chứng kiến nhiều vụ việc kịch tính. Tháng 11/2017, một binh lính Triều Tiên đã vượt biên giới sang Hàn Quốc thành công, sau khi thoát khỏi cơn mưa đạn từ phía Triều Tiên.

Năm 1976, một cuộc đụng độ quy mô lớn đã diễn ra tại đây xuất phát từ vụ tấn công của một nhóm quân lính Triều Tiên, khiến hai binh lính Mỹ bị thiệt mạng. Sự kiện này đã khiến quân đội hai bên không còn được phép đi qua làn phân cách quân sự như trước đó nữa.

Sơ đồ đường ranh giới quân sự trong DMZ

Nơi các nhà lãnh đạo đưa ra tuyên bố

Trong các chuyến công du tới Hàn Quốc, các Tổng thống Mỹ thường ghé thăm khu DMZ như một biểu tượng cho cam kết của Washington bảo vệ Seoul. Tuy nhiên, thời tiết xấu đã khiến Tổng thống Donald Trump phải hủy bỏ chuyến đi tới đây hồi tháng 11/2017.

Năm 2012, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã bất ngờ có mặt tại Panmunjom. Hình ảnh trên truyền thông Triều Tiên cho thấy, ông Kim cầm ống nhòm nhìn về biên giới phía Nam. Chuyến thăm của ông Kim diễn ra vào giữa thời điểm căng thẳng đang gia tăng giữa hai miền.

Điểm du lịch không thể bỏ qua

Panmunjom hiện là một trong những điểm du lịch hút khách nước ngoài nhất. Du khách đến Hàn Quốc được cảnh báo về những hành động có thể “chọc giận” binh lính Triều Tiên khi đến thăm nơi này. Trang web chính thức của ngôi làng ghi rõ, các trang phục như quần bò rách, đồng phục, áo phông, quần sóc ngắn, váy ngắn, và các trang phục hở hang khác – đều bị cấm.

Binh lính Hàn Quốc và Triều Tiên giáp mặt nhau

Triều Tiên cũng cho phép khách du lịch đến khu vực DMZ. Tuy nhiên, các tour từ phía Triều Tiên được cho là “thả lỏng” và thoải mái hơn bên phía Hàn Quốc. Thi thoảng, du khách thậm chí còn có thể tán gẫu với các binh lính Triều Tiên.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ