• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Âm vang mãi “có Bác trong ngày đại thắng”

Văn hoá 18/03/2010 10:17

(Toquoc)-Nhạc phẩm “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã ra đời trong thời khắc lịch sử rất đặc biệt.

(Toquoc)- “Cảm xúc nào đồng điệu với nhiều người thì sẽ có sức sống lâu bền”- Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể chuyện sáng tác bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

Thời khắc ra đời lịch sử của một ca khúc

Người nhạc sĩ đã ở tuổi ngoài 70 vẫn được các em nhỏ gọi là “bác” và ông cũng giữ thói quen gọi các cháu nhỏ là “các em”. Có lẽ điều đó cũng xuất phát từ sự gần gũi của các bài hát mà ông đã sáng tác cho thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể chuyện sáng tác ca khúc "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"

Suốt dọc chiều dài đất nước, một ca khúc luôn được ngân vang, sôi nổi đầy hào hứng, mỗi dịp vui người người lại cất câu hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng…”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên tự hào vì nhạc phẩm “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đã ra đời trong một thời khắc lịch sử rất đặc biệt. Ông nhớ lại: Đêm 28/4/1975, cái tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập chỉ 10 phút sau khi Dương Văn Minh nhậm chức Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, được thông báo trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm nức lòng mọi người. Niềm hân hoan cũng dâng trào trong lòng người nhạc sĩ. Ông nghĩ, giải phóng đến nơi rồi. Thế là, từ 9giờ 30 phút tối đến 11 giờ ông đã viết xong “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự: “Tôi viết một mạch 2 tiếng, không sửa chữ nào, hai tiếng ấy có lẽ là bằng cảm xúc của cả một đời. Ngày 30/4/1975 thu thanh để phát sóng bài này, từ 2giờ 30 chiều đến 4giờ 30 chiều, từ người hát, đến người kéo đàn đều khóc. Chiều ấy, khi bài hát được vang lên trên sóng của Đài Tiếng nói VN thì ngay sau đó, ra Bờ Hồ, tôi đã thấy người người cất tiếng hát bài hát đó, thuộc rất nhanh. Một tuần sau, thanh niên Gài Gòn cũng thuộc và hát bài hát này.

Vui là vì mình đã sáng tác được một bài hát đồng điệu với suy nghĩ của hàng triệu người. Và vui hơn nữa, là âm nhạc có sức lan toả không biên giới”.

Đã hơn 30 năm, bài hát ấy không chỉ trở thành khúc đồng ca của cả dân tộc mà còn vượt ra ngoài biên giới, đến với bạn bè năm châu. Hội Âm nhạc Lao động Nhật Bản đã dịch và phổ biến ở 49 tỉnh, thành của Nhật, tờ Lettre du CAEF của Pháp cũng đã in nguyên bản… Ở Đức, bài hát cũng đã được ngân lên. Ca khúc còn mang lại cho tác giả - nhạc sĩ Phạm Tuyên- tấm Huân chương Lao động cao quý và Bảng vàng “Ấn tượng 20 năm” của Báo Người Lao động.

Với giai điệu giản dị, cảm hứng dạt dào, hùng tráng, tính nghệ thuật cao, bắt nhịp được hơi thở cuộc sống, bài hát đã được quần chúng đón nhận như chính tình yêu, khát vọng của mình. Số phận của mỗi tác phẩm phải được “giám định” bằng công chúng và thời gian thì “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” có được cả hai điều này! Không có một chữ “tâm” và “tài” sao có thể làm nên sự thành công ấy? Nhưng cái “tâm” chính là cái thần của ca khúc để làm nên sự lắng đọng bền lâu giữa đời sống âm nhạc vốn vô cùng khắt khe dẫu tác giả chỉ khiêm nhường: “Khi tình cảm của người viết đồng điệu với tình cảm của mọi người thì sẽ được yêu mến”.

Âm nhạc có sức cổ vũ lớn lao

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cùng các anh chị trong gia đình: GS Phạm Khuê, GS Tôn Thất Bình, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ… ông đi theo kháng chiến. Một sự kiện làm ông càng có niềm tin vào con đường đã chọn: năm 1950, với sự dìu dắt của Thiếu tướng Lê Chiêu, ông được kết nạp Đảng. Sau đó, nhạc sĩ được phân công công tác tại Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc), rồi về Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Ông cho hay: “Năm 1958, tôi được cử về công tác tại Đài Tiếng nói VN, đó chính là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của tôi, giúp tôi định hướng sáng tác và tôi nhận thấy sự lan toả, sự cổ vũ lớn của âm nhạc. Âm nhạc là vũ khí nếu ta biết tận dụng”.

30-4-1975 trước Dinh Độc Lập - Ảnh tư liệu

“Nhiều sáng tác của tôi xuất hiện và có sức sống gắn với những thời khắc lịch sử. Khi sáng tác không nghĩ tác phẩm của mình có tác dụng lớn lao như thế. Chỉ là vì tôi công tác ở Đài, thời ấy, không có nhiều phương tiện truyền thông như bây giờ, nên sức quảng bá, sức cổ vũ của Đài qua âm nhạc vô cùng lớn”, nhạc sĩ bày tỏ.

Năm 1969, tôi có được nghe một người bạn Mỹ cầm đàn hát bài hát “Bài ca Hồ Chí Minh” do Ewan MacColl sáng tác. Tôi đã viết bài “Hãy hát lên hỡi người bạn Mỹ”. Bài hát đó, tôi không nghĩ là Peggy Seeger - ca sỹ hát bài hát “Bài ca Hồ Chí Minh”- ở cách nửa vòng trái đất có thể nghe thấy nhưng bất ngờ nhất là năm 1972, cô đã đến VN theo đường Trung Quốc để gặp tôi.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên được coi như một nhạc sỹ của những dịp lễ. Bên cạnh “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Chiếc đèn ông sao”đến nay, đã trở thành khúc ca của các em thiếu nhi mỗi dịp Trung thu, rồi “Tiến lên đoàn viên” trở thành hành khúc của Đội TNHCM…

Cuộc đời người nhạc sỹ với gần 700 tác phẩm cho nhiều ngành, nghề, nhưng ông tâm sự: Mỗi bài hát cũng như con người, có số phận của nó. Nhiều bài mình chăm chút nhưng chưa chắc đã được công chúng đón nhận như những bài mình viết thăng hoa, không chăm chút. Quan trọng nhất trong sáng tác của người nhạc sỹ là cất lên tiếng nói đồng điệu với người nghe”.

Quả đúng vậy. Chính sự đồng điệu giữa tác giả và hàng triệu con người khiến những câu hát của Phạm Tuyên có sức sống lâu bền trong lòng người. Và bất kể lúc nào, người người lại cùng ca vang câu hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…Việt Nam Hồ Chí Minh”.

Bài&ảnh: Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ