• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ động binh ở khu vực Kashmir

Thế giới 09/08/2019 15:22

(Tổ Quốc) – Sau nhiều năm thụ động đối phó với các lực lượng khủng bố ly khai tại Kashmir được Pakistan hỗ trợ, Ấn Độ thấy thời điểm chín muồi để giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Theo báo Hindustan Times (Ấn Độ), ngày 5/8, Ấn Độ đã triển khai thêm ít nhất 8.000 binh sĩ bán vũ trang từ nhiều địa phương trên cả nước đến thung lũng Kashmir, đồng thời đặt các lực lượng Lục quân và Không quân trong tình trạng báo động cao.

Trước đó, ngày 3/8, Pakistan tố cáo binh sĩ Ấn Độ sử dụng bom chùm bị cấm đánh phá dọc Đường Kiểm soát Ấn Độ - Pakistan (tiếng Anh: Line of Control) chỉ ranh giới phân chia Ấn Độ và Pakistan hiện tại ở khu vực khống chế thực tế Kashmir (LOC), trong khi hàng nghìn khách du lịch và người dân Ấn Độ rời khỏi khu vực xung đột này từ ngày 2/8. Ngoại trưởng Pakistan Qureshi lên tiếng cảnh báo tình hình đang xấu đi tại Kashmir và kêu gọi sự quan tâm tức thời của cộng đồng quốc tế đối với tình hình Kashmir hiện nay.

Linh PKST

Lính Pakistan tại khu vực xung đột Kashmir.

Ngày 4/8, Thủ tướng Imran Khan triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) gồm các lãnh đạo các bộ, ngành dân - quân sự của nước này để thảo luận tình hình đang xấu đi nghiêm trọng tại khu vực Kashmir. Hội nghị ra tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình đang xấu đi ở Kashmir; lên án những hành động và chiến lược của Ấn Độ hiện nay trong khi Pakistan và cộng đồng quốc tế đang tập trung giải quyết cuộc xung đột Afghanistan; lên án các hành động của Ấn Độ đang tác động xấu đến hòa bình khu vực và quốc tế, đồng thời nêu bật Paksitan sẵn sàng đè bẹp sự gây hấn của Ấn Độ. Tại hội nghị, Thủ tướng Pakistan Imran Khan kêu gọi Tổng thống Mỹ thực hiện vai trò trung gian hòa giải cho vấn đề Kashmir khi tình hình khu vực này vẫn đang căng thẳng; kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ghi nhận mối đe dọa có tính quốc tế này đối với hòa bình và an ninh.

Ấn Độ xem lại Quy chế Đặc biệt của Kashmir trong bối cảnh gia tăng trấn áp

Ngày 5/8, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah đã phát biểu tại Hội đồng các Bang (Thượng nghị viện) cho biết Ấn Độ đang tiến hành dỡ bỏ Quy chế đặc biệt tại khu vực Kashmir. Từ hàng chục năm nay, khu vực Kashmir được Ấn Độ điều hành theo quy chế đặc biệt, khác với các vùng khác của Ấn Độ. Quyết định này của Ấn Độ được coi như một cú đánh vào quy chế tự trị của Kashmir.

Cảm giác hoảng loạn diễn ra tại Kashmir khi hàng triệu người dân thức dậy hôm 5/8 với đường phố vắng vẻ. Nhiều người dân Kashmir khi liên hệ với người thân cho biết, họ lo ngại, không ra khỏi nhà và chờ xem điều gì có thể xảy ra tiếp theo. Các nhóm ly khai, trong đó có các nhóm có vũ trang và có liên hệ với Pakistan, nhiều năm qua đã tìm cách tách Kashmir khỏi Ấn Độ và thực hiện nhiều vụ khủng bố chống lại Ấn Độ. Do đó, bất kỳ động thái nào làm giảm quy chế tự trị của Kashmir có thể làm dân chúng nản lòng và bùng phát thành bạo lực nghiêm trọng.

China-India J&K

Trung Quốc và Ấn Độ bằng mặt không bằng lòng vì cũng có xung đột tại khu vực Jammu và Kashmir (minh họa của Xavier/Rediff. com Ấn Độ)

Dường như đã dự tính trước tình hình, Ấn Độ đã điều thêm quân đến khu vực này, di dời khách du lịch, đóng cửa trường học và cắt dịch vụ internet. Đức, Anh và Australia ra các thông báo khuyến nghị người dân nước mình không đi du lịch tại thung lũng Kashmir. Chính quyền Kashmir đã phát điện thoại di động sử dụng sóng vệ tinh cho cảnh sát để đề phòng trường hợp các mạng di động bị cắt, đồng thời hạn chế việc đi lại của lãnh đạo chính trị chủ chốt ở Kashmir.

Bất ổn tại Kashmir đã diễn ra hàng chục năm qua. Căng thẳng bùng phát hồi tháng 2 năm nay, khi một nhóm phiến quân được Pakistan dung túng, tấn công xe bom làm chết ít nhất 40 binh sỹ Ấn Độ, tạo nên đối đầu giữa hai nước với các vụ bắn hạ máy bay của nhau sau đó. Ấn Độ và Pakistan đã củng cố sự hiện diện quân sự dọc Đường kiểm soát Kashmir. Hôm 2/8 vừa qua, Pakistan đã cáo buộc Ấn Độ sử dụng bom chùm làm chết 2 thường dân và bị thương 11 người Pakistan. Ấn Độ sau đó đã phản đối mọi cáo buộc.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan 4/8 nói con đường duy nhất dẫn tới hòa bình bền vững ở Nam Á chạy qua Kashmir. Trên Twitter, ông nói thêm Tổng thống Trump đã đề nghị làm trung gian hòa giải và cho "rằng bây giờ là lúc làm điều đó vì tình hình đang xấu đi, các lực lượng Ấn Độ đang có những hành động gây hấn dọc Đường Kiểm soát LOC và điều này có thể làm khu vực bùng phát thành khủng hoảng".

Mỹ và Trung Quốc sẽ hành xử thế nào?

Mỹ và Trung Quốc là hai nước có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột này. Trung Quốc thường xuyên đứng về Pakistan nhưng lại có những thỏa thuận địa-chính trị và kinh tế với Ấn Độ tại Vũ Hán hồi tháng 4/2018, sự kiện được dư luận rộng rãi xem như một cột mốc trong quan hệ song phương. Riêng 2018, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tổng cộng 4 lần bên lề các diễn đàn đa phương khác nhau. Điều này khiến cho Trung Quốc không thể công khai đứng về Pakistan chống Ấn Độ. Nhưng lập trường Trung Quốc tỏ ra không thuận lợi cho Ấn Độ, bởi vì chính Trung Quốc cũng có vấn đề xung đột với Ấn Độ tại khu vực Jammu và Kashmir.

Ấn Độ và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược của nhau, có những thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo và phối hợp chống khủng bố. Mỹ có thể đứng sau Ấn Độ - một đối tác có vị trí quyết định trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ đề xuất cuối năm 2017. Mỹ có thể sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải để chấm dứt xung đột, nhưng chưa biết là hòa giải kiểu gì và có ra gì.

Có lẽ sau nhiều năm thụ động đối phó với các lực lượng khủng bố, ly khai tại Kashmir được Pakistan hỗ trợ, Ấn Độ thấy thời điểm chín muồi để giải quyết vấn đề một cách triệt để. Cuộc xung đột có thể còn leo thang trước khi hai bên đạt một thỏa thuận chấm dứt tình trạng căng thẳng kéo dài. Chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ lên cao sau thắng lợi tuyển cử áp đảo, cho phép chính quyền Modi mạnh tay xử lý cuộc căng thẳng này./.


Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ