• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn Độ được dự báo sẽ phải trải qua nắng nóng khắc nghiệt nhất

Thế giới 08/01/2024 15:37

(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, các chuyên gia khí hậu dự báo đến năm 2050, Ấn Độ sẽ là một trong những nơi đầu tiên có nhiệt độ vượt qua giới hạn khả năng sống sót.

Khi nắng nóng gay gắt bao trùm thủ đô Ấn Độ vào mùa hè năm ngoái, Ramesh – một thợ nề làm việc ở Ấn Độ cho biết anh cảm thấy mệt mỏi nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc cực nhọc dưới cái nắng như thiêu đốt để chu cấp cho gia đình.

Nắng nóng cực độ đẩy Ấn Độ vượt quá "giới hạn khả năng sống sót" - Ảnh 1.

Người dân nhận nước từ tàu chở nước tại khu dân cư nghèo ở New Delhi, Ấn Độ ngày 19/5/2023. Ảnh: CNN

"Sức nóng ngày càng trở nên không thể chịu nổi nhưng chúng tôi vẫn phải làm việc", ông Ramesh cho biết.

Ông Ramesh sống với cha mẹ, ba anh trai, một chị dâu và ba đứa con ở vùng ngoại ô đông đúc ở phía tây Delhi - khu vực đã gây chú ý trong những năm gần đây khi mức thủy ngân thường xuyên tăng đến mức nguy hiểm.

Và khi nhiệt độ lên tới 40 độ C (104 độ F) vào tháng 6 năm ngoái – trường học đóng cửa, phá hoại mùa màng và gây áp lực lên nguồn cung cấp năng lượng – nắng nóng đã khiến gia đình anh rơi vào khủng hoảng.

Ramesh đã phải vay người thân 35 USD - gần 1/2 số tiền lương hàng tháng - để mua một chiếc điều hòa cũ cho gia đình.

Theo các chuyên gia khí hậu, đến năm 2050, Ấn Độ sẽ là một trong những nơi đầu tiên có nhiệt độ vượt qua giới hạn khả năng sống sót. Và trong khung thời gian đó, nhu cầu về máy điều hòa không khí (AC) trong nước dự kiến sẽ tăng gấp 9 lần, vượt xa tất cả các thiết bị khác, theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Tình thế khó khăn của ông Ramesh là ví dụ điển hình trong nghịch lý mà đất nước đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ dân này đang phải đối mặt. Ấn Độ càng nóng và giàu có thì người dân càng phải sử dụng điều hòa nhiệt độ. Và càng sử dụng điều hòa nhiều thì đất nước sẽ càng nóng hơn.

Theo Liên minh châu Âu, Ấn Độ thải ra gần 2,4 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm, đóng góp khoảng 7% lượng khí thải toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ đã thải ra 13% lượng khí thải CO2, mặc dù có dân số chỉ bằng 1/4 dân số Ấn Độ.

Điều này đặt ra câu hỏi về sự công bằng mà các nhà khoa học khí hậu thường nhắc đến. Liệu người dân ở các nước đang phát triển có nên gánh chịu chi phí giảm phát thải khi đang nằm trong số những quốc gia ít chịu trách nhiệm nhất về việc gia tăng khí nhà kính?

Trong cuộc đàm phán về khí hậu COP28 ở Dubai gần đây, Ấn Độ không nằm trong danh sách các quốc gia ký cam kết cắt giảm khí thải từ hệ thống làm mát.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Narendra Modi cho biết tất cả các nước đang phát triển phải được trao "một phần công bằng trong ngân sách carbon toàn cầu".

Tuy nhiên, Ấn Độ, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Hiện, quốc gia đang ở một vị trí khó khăn.

Nhiệt độ tăng cao

Hầu hết dân số Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào điều hòa để có được sức khỏe thể chất và tinh thần. Và các khu vực nhiệt đới phía Nam của đất nước vẫn nóng quanh năm.

Theo nghiên cứu năm 2021 về thời tiết khắc nghiệt trên tạp chí Weather and Climate Extremes, trong 5 thập kỷ qua, đất nước này đã trải qua hơn 700 đợt nắng nóng cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người. Chỉ riêng tháng 6 này, nhiệt độ ở một số vùng trên cả nước đã tăng vọt lên 47 độ C (116 độ F), khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hàng trăm người mắc các bệnh liên quan đến nhiệt.

Và đến năm 2030, Ấn Độ có thể sẽ phải thất thoát 34 triệu trong số 80 triệu việc làm toàn cầu bị mất do căng thẳng nhiệt độ, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 12/2022.

Tín hiệu này cũng khiến hàng triệu người gặp rủi ro ở một quốc gia nơi hơn 50% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Và khi thu nhập tăng đều đặn, dân số đô thị bùng nổ, số người sở hữu máy điều hòa cũng đã tăng với tốc độ đáng kể.

Theo IEA, mức tiêu thụ điện ở Ấn Độ từ hoạt động làm mát – bao gồm máy điều hòa không khí và tủ lạnh – đã tăng 21% từ năm 2019 đến năm 2022. Đến năm 2050, tổng nhu cầu điện từ máy điều hòa không khí dân dụng của Ấn Độ sẽ vượt quá tổng lượng điện tiêu thụ ở châu Phi hiện nay. Tuy nhiên, nhu cầu này cũng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Giống như tủ lạnh, nhiều máy điều hòa không khí ngày nay sử dụng một loại chất làm mát gọi là hydrofluorocarbons, hay HFC, là loại khí nhà kính có hại. Thậm chí, máy điều hòa không khí cũng sử dụng lượng điện lớn do đốt nhiên liệu hóa thạch.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính rằng nếu không được kiểm soát - phát thải khí nhà kính liên quan đến điều hòa không khí có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng tới 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

"Tiến thoái lưỡng nan"

Ấn Độ hiện vẫn đang vật lộn với tình trạng nghèo đói lan rộng đồng thời chi hàng tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị, vì nước này phải đối mặt với những thách thức lâu dài trong việc cải thiện mức sống.

Các chuyên gia cho biết việc hạn chế lượng khí thải liên quan đến làm mát có thể được xem là rào cản tiềm tàng đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Trong hội nghị thượng đỉnh COP gần đây, 63 quốc gia – bao gồm Mỹ, Kenya và Canada – đã ký cam kết cắt giảm 68% lượng khí thải từ hệ thống làm mát, cùng với một số mục tiêu khác vào năm 2050. Ấn Độ không nằm trong nhóm.

Mặc dù vậy, Brian Dean, người đứng đầu bộ phận tiết kiệm năng lượng và làm mát tại tổ chức Sustainable Energy for All khẳng định Ấn Độ đã thể hiện "sự lãnh đạo quốc tế quan trọng về làm mát".

"Mặc dù chưa tham gia Cam kết làm mát toàn cầu nhưng những tiến bộ quan trọng về làm mát bền vững đã đạt được trong nước. Các đối tác quốc tế hy vọng Ấn Độ sẽ cân nhắc tham gia trong tương lai", ông Brian Dean nói.

Theo Bản sửa đổi, bổ sung Kigali năm 2016 của Liên Hợp Quốc, nhiều quốc gia trong đó có Ấn Độ đang loại bỏ dần HFC và thay thế bằng các lựa chọn thân thiện với khí hậu, chẳng hạn như hydrofluoroolefin hoặc HFO.

Bản sửa đổi, bổ sung Kigali năm 2016 của Liên Hợp Quốc cập nhật của Nghị định thư Montreal giúp loại bỏ dần các chất chlorofluorocarbons hoặc CFC phá hủy tầng ozone vào những năm 1980.

Tuy nhiên, theo Radhika Khosla, Phó Giáo sư tại Trường Doanh nghiệp và Môi trường Smith của Đại học Oxford, các quốc gia không có khả năng làm mát đầy đủ cần được giúp đỡ để đáp ứng chi phí cải thiện năng lượng.

"Làm mát hiện đang nằm trong chương trình nghị sự toàn cầu. Và công việc khó khăn này phải bắt đầu ngay bây giờ để đảm bảo mọi người có thể mát mẻ mà không làm hành tinh nóng lên thêm", bà Radhika Khosla nói thêm.

Trong khi trồng cây để hấp thụ ánh sáng mặt trời, các vùng nước, sân trong nhằm thúc đẩy quá trình làm mát thì thông gió thông minh là một trong những "chiến lược làm mát thụ động" bền vững hơn do bà Khosla đề xuất.

Bà Khosla cũng cho biết việc lắp đặt quạt trần trong các tòa nhà có thể giảm hơn 20% mức tiêu thụ năng lượng làm mát của hộ gia đình.

"Nếu thành công, các biện pháp làm mát thụ động có thể hạn chế nhu cầu làm mát xuống 24% vào năm 2050, tiết kiệm 3 nghìn tỷ USD và giảm lượng khí thải nhà kính tương đương 1,3 tỷ tấn carbon dioxide", bà Khosla nói.

Kế hoạch làm mát

Ấn Độ cũng hứa sẽ giảm 20-25% nhu cầu năng lượng cho mục đích làm mát vào năm 2038 theo kế hoạch hành động làm mát được công bố vào năm 2019, đồng thời vẫn tập trung phát triển và thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí phù hợp với mục tiêu kinh tế của đất nước.

Ông Dean gọi đây là "một trong những Kế hoạch hành động làm mát quốc gia toàn diện đầu tiên được phát triển trên toàn cầu".

Đây là thời điểm quan trọng để nhấn mạnh sự cần thiết phải chủ động và khẩn trương giải quyết vấn đề tăng trưởng nhu cầu hạ nhiệt, bao gồm cả trong nông nghiệp nơi chuỗi lạnh bền vững có thể ngăn ngừa thất thoát lương thực và cải thiện kết quả dinh dưỡng", ông Dean nhấn mạnh.

Theo Leena Nandan, Thư ký Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu của Ấn Độ, năng lượng tái tạo, Ấn Độ đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác và dữ liệu cho thấy nước này đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu giảm phát thải.

Bà nói với các phóng viên trong hội nghị thượng đỉnh COP28 rằng Ấn Độ vẫn chủ động tìm kiếm các giải pháp khí hậu, mặc dù không phải là tác nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ