(Tổ Quốc) - Những câu chuyện của một người lính đá bóng luôn mang đến những góc nhìn thú vị. Đặc biệt khi người lính đó sau này còn gắn bó với bóng đá Việt Nam ở nhiều vị trí quan trọng khác.
Lời tòa soạn: Ở tuổi gần 80, trong khi nhiều đồng đội, bạn bè đều đã nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già bên gia đình, con cháu thì chuyên gia Nguyễn Sỹ Hiển vẫn đang miệt mài gắn bó và trăn trở cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.
Xuất phát điểm là một người lính đá bóng, trưởng thành trong môi trường quân đội của Thể Công, ông Hiển trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ cầu thủ, HLV, nhà quản lý thể thao đến quan chức, tư vấn chuyên môn cho VFF.
Hành trình về cuộc đời và sự nghiệp của ông giống như một cuốn phim, mà ở đó ta thấy được từng câu chuyện, từng bước phát triển của bóng đá Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh, bao cấp, rồi đến giai đoạn hội nhập với đủ hỉ nộ ái ố sau này. Tất cả tạo nên một nét rất riêng về một nhân vật tên tuổi trong làng bóng đá Việt Nam.
BÉN DUYÊN VỚI THỂ CÔNG VÀ NHỮNG TRẬN ĐẤU DƯỚI MƯA BOM BÃO ĐẠN
Sinh ngày 11/11/1944, ông Nguyễn Sỹ Hiển bắt đầu sự nghiệp bóng đá ở lớp tập năng khiếu tại quê nhà Hải Phòng từ khi 14, 15 tuổi. Nhưng bước ngoặt chỉ thực sự đến vào năm 1961, khi chàng thanh niên 17 tuổi làm được điều mà những ai yêu bóng đá ngày ấy đều mơ ước: trúng tuyển vào đội bóng đá trẻ Thể Công.
"Chúng tôi tập trên sân Bonnal ở Hải Phòng từ những năm 1958, 1959. Đấy là quãng thời thơ ấu để mình làm quen với bóng đá. Và chính từ những lúc đó, chúng tôi được huấn luyện qua các thầy, những người đều là tuyển thủ của Hải Phòng. Còn với Thể Công, đây là nơi đào tạo, là CLB bóng đá được toàn quân, toàn dân lúc đó yêu mến", ông Hiển kể lại.
Đại tướng Văn Tiến Dũng (vest đen, chính giữa ảnh) động viên CLB Thể Công thi đấu tại Trung Quốc năm 1974. Trung vệ Nguyễn Sỹ Hiển cũng tham gia chuyến du đấu này.
Thuộc thế hệ thứ 3 của Thể Công và lớp trẻ học sinh đầu tiên, ông Nguyễn Sỹ Hiển chơi ở vị trí trung vệ và nhanh chóng cho thấy tài năng của mình. Ông là 1 trong 3 cầu thủ trẻ được đôn lên đội 1 Thể Công sớm nhất để dự SKDA 1963 (giải bóng đá quân đội các nước XHCN).
Ngoài kỹ năng chơi bóng, thể hình cao lớn cũng là yếu tố giúp chàng trai Sỹ Hiển trở thành cái tên quen thuộc trong đội hình chính suốt từ đó đến năm 1975, giúp Thể Công 5 lần vô địch và 2 lần về nhì ở giải miền Bắc.
"Đất nước chiến tranh và người lính phải ra mặt trận thì chúng tôi cảm thấy mình vẫn quá sung sướng. Giải VĐQG vẫn tiếp diễn và chúng tôi thì tập luyện dưới mưa bom bão đạn. Khi nào có máy bay, báo động kêu là chúng tôi chạy ra bờ hào, nhưng khi nào hết lại tiếp tục vào đá", ông Hiển nói về bóng đá thời kỳ đất nước còn chia cắt.
Và còn một điều phải đề cập nữa là việc với những người lính đá bóng như ông Hiển, họ ra sân còn mang theo nhiệm vụ chính trị, nơi các cầu thủ thể hiện tinh thần Việt Nam trong mỗi chuyến thi đấu nước ngoài.
Ông Nguyễn Sỹ Hiển (hàng đứng, thứ hai từ trái sang) cùng đội hình Thể Công năm 1971.
Năm 1974, Thể Công có chuyến du đấu Trung Quốc. Tại đây, ông Hiển và các đồng đội đã tạo nên tiếng vang lớn khi đá 11 trận, thắng đến 8 trận, hòa 2 và chỉ thua 1. Nổi bật nhất trong số đó không gì khác chính là trận thắng đội Bát Nhất 4-1 ngay tại Bắc Kinh mà nhiều cựu danh thủ Thể Công vẫn luôn tự hào.
Ngoài ra, trong màu áo ĐTQG, trung vệ Nguyễn Sỹ Hiển cũng góp mặt từ năm 1965 và tham dự Ganefo châu Á 1966 (Đại hội thể thao các quốc gia mới nổi), du đấu châu Âu năm 1968, 1969, sang Cuba đá giao hữu năm 1971.
Sau chức vô địch ở mùa giải 1975, ông Hiển có bước tiến mới trong sự nghiệp của mình khi được bổ nhiệm là HLV phó đội Thể Công. Trải qua lớp chuyên tu ở trường TDTD Từ Sơn và 4 tháng học bổ túc tại Ba Lan, đến năm 1980, ông Nguyễn Sỹ Hiển chính thức trở thành HLV trưởng Thể Công. Một sự nghiệp HLV mở ra, hứa hẹn nhiều vinh quang nhưng cũng không ít những gian truân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Nguyễn Sỹ Hiển tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Thể Công (năm 1994). Ông Hiển khi đó đang giữ chức Đoàn trưởng Đoàn Thể Công.
ĐỘI ĐỨNG ĐẦU BẢNG VẪN BỊ KỶ LUẬT, SUÝT MẤT GHẾ HLV
Cho đến bây giờ, khi nhắc đến sự nghiệp HLV của ông Nguyễn Sỹ Hiển, những chức vô địch quốc gia cùng Thể Công (5 lần), hay tấm huy chương đồng tại SKDA 1989 chắc chắn là những mốc son không thể nào quên.
Tuy nhiên áp lực khi cầm quân ở một đội bóng quân đội mang tính biểu tượng như Thể Công rõ ràng là điều không hề đơn giản. Đặc biệt, tập thể đội bóng không những phải đạt thành tích tốt mà còn không được để hình ảnh, tác phong thi đấu của CLB áo lính bị ảnh hưởng.
Bởi thế mới có câu chuyện ở mùa giải 1981, khi Thể Công dù đứng đầu bảng đấu của mình nhưng vẫn bị lãnh đạo kỷ luật, bản thân HLV Nguyễn Sỹ Hiển còn suýt mất ghế. Ông nhớ lại:
"Mùa giải 1981, lượt đi Thể Công đứng đầu một bảng nhưng trên sân Hàng Đẫy lại để thua đội Quảng Ninh 0-2. Sau trận về, cả đội bị kỷ luật. Bản thân tôi cũng suýt bị cách chức. Lãnh đạo sau đó cho đội đi vào Diễn Châu tập, để rèn luyện thể lực làm sao không thua bất cứ đội nào ở giải toàn quốc. Đến lượt về, có nền tảng thế lực tốt nên đã giúp Thể Công lên ngôi vô địch. Đấy cũng là bài học cho người lãnh đạo. Chỉ cần lơ là một chút với cầu thủ là xảy ra va vấp".
Đội hình Thể Công năm 1981. HLV Nguyễn Sỹ Hiển đứng ngoài cùng bên phải. Dễ dàng nhận ra đứng cạnh ông Hiển cũng là tên tuổi quen thuộc của bóng đá Việt Nam, ông Vũ Mạnh Hải.
Có lẽ cũng bởi "kỷ luật thép" của quân đội mà đối với người hâm mộ, Thể Công luôn là hình ảnh biểu trưng cho một đội bóng thi đấu cống hiến, đẹp mắt trên sân cỏ, đồng thời có được những thành tích cao. Đi đến đâu, đội bóng quân đội cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả địa phương.
Tuy nhiên, sự nghiệp HLV của ông Hiển không chỉ gắn bó với mỗi Thể Công. Có lẽ không nhiều người còn nhớ, chính ở kỳ SEA Games 16 (năm 1991), giải đấu đầu tiên mà bóng đá nước nhà trở lại với sân chơi khu vực, ông Nguyễn Sỹ Hiển được giao nhiệm vụ làm HLV trưởng.
Tiếc thay, đây lại là một giải đấu không thành công của ĐT Việt Nam. Thậm chí, nó còn gắn với một câu chuyện về cuộc "đào ngũ" đáng buồn của 11 cầu thủ.
Phan Thanh Hùng (phải) và Trương Văn Dưỡng là 2 trong số 11 cầu thủ bỏ về khi ĐT Việt Nam tập trung cuối năm 1991.
VỤ "ĐÀO NGŨ" GÂY SỐC Ở ĐT VIỆT NAM TRƯỚC SEA GAMES 16
Trên thực tế, vị trí HLV trưởng ĐT Việt Nam ở SEA Games 16 ban đầu không thuộc về ông Nguyễn Sỹ Hiển. Đầu mùa giải 1991, VFF nhận được sự đồng thuận từ các CLB về việc HLV trưởng của đội bóng vô địch giải VĐQG năm ấy sẽ nhận nhiệm vụ dẫn dắt ĐT Việt Nam sang Philippines đá giải.
Năm đó Hải Quan vô địch và theo quy định đã thống nhất, HLV Nguyễn Kim Hằng của đội bóng này sẽ trở thành HLV trưởng ĐT Việt Nam. Tuy nhiên trong cuộc họp chuẩn bị nhân sự, ông Hằng xin chỉ nhận chức trợ lý HLV do "tự nhận thấy bản thân còn nhiều hạn chế", đồng thời tiến cử HLV Vũ Văn Tư của đội Quảng Nam – Đà Nẵng lên làm HLV trưởng.
Đề xuất này được thông qua, nhưng không ai có thể ngờ rằng chỉ 1 tuần sau, đội tuyển dưới tay ông Tư lại xảy ra một sự cố đáng quên khiến ông nộp đơn xin từ chức và ghế HLV trưởng lúc này mới được giao cho ông Nguyễn Sỹ Hiển.
Nhắc lại vụ việc 11 cầu thủ của các CLB phía Nam bỏ về, ông Hiển cảm thấy đáng tiếc khi mọi chuyện lại diễn ra theo cách như vậy.
"Ngày ấy tôi là HLV trưởng của đội. Nếu không có vụ cầu thủ bỏ về thì có lẽ Việt Nam mình sẽ có huy chương. Nhưng mà 11 cầu thủ bỏ về, những người của Đà Nẵng, TP.HCM, Hải Quan nói đi thì phải nói lại, họ cũng có cái lý của mình khi bỏ về. Điều kiện ăn ở tập trung ở Nhổn khi đó khổ quá".
Đội hình 11 tuyển thủ Việt Nam "đào ngũ" trước SEA Games 16.
Theo lời ông Hiển, do ngày ấy còn trong tình trạng bao cấp nên mọi thứ ở Trung tâm Nhổn rất thiếu thốn. Ngay chuyện trang phục đội tuyển cũng mạnh ai nấy mặc. Bữa ăn của mỗi cầu thủ chỉ có tiêu chuẩn 12.000 đồng mỗi ngày, thức ăn vài ba món, chế biến đơn điệu nên cũng không đảm bảo dinh dưỡng.
Chưa kể việc tập trung ở miền Bắc khi thời tiết đang chuyển lạnh khiến các cầu thủ phía Nam gặp nhiều khó khăn. Sân cỏ có nơi cao quá gối, phòng tắm riêng cũng không có mà cầu thủ phải dội nước lạnh ở bể công cộng rồi chạy vội về phòng trùm chăn cho đỡ rét.
Cộng thêm việc xung quanh Nhổn là đồng không mông quạnh khiến các cầu thủ sau giờ tập không có điều kiện để giải trí khiến tâm lý trở nên bức bối, "anh em cứ đi ra đi vào và vỗ muỗi" dẫn đến việc "đào ngũ", bỏ về.
Ảnh tập thể với trang phục đủ màu của ĐT Việt Nam năm 1991, thời điểm vụ "đào ngũ" chưa xảy ra.
"Đó là một sự cố đau lòng bởi 11 người ra về đều là những ngôi sao. Sắp xếp lại thì vừa đủ một đội hình rất mạnh. Sang Philippines đá SEA Games, thi đấu ở sân Rizal Memorial, Việt Nam nằm cùng bảng với Philippines, Indonesia và Malaysia.
Trận gặp Philippines, chúng ta cứ dẫn trước thì lại bị đối phương gỡ lại và cuối cùng hòa 2-2. Gặp Indonesia, Việt Nam thua 0-1, trận gặp Malaysia thua tiếp nên mình bị loại ngay sau vòng bảng", ông Hiển nhớ lại.
Một câu chuyện khác từng được cựu tiền đạo Nguyễn Văn Dũng (hiện đang đảm nhận vai trò Giám đốc kỹ thuật CLB Nam Định) kể lại với truyền thông là việc tuyển Việt Nam phải hủy buổi tập đầu tiên sau khi sang Philippines vì cầu thủ… ăn quá no.
Điều kiện thiếu thốn ở Nhổn khiến đến khi đi dự SEA Games, các cầu thủ có phần bị "choáng ngợp" trước chế độ ăn được nước chủ nhà chuẩn bị.
"Khi đến khách sạn bên Philippines, tôi cứ nhớ mãi chuyện khi bước vào bàn ăn ở khách sạn, dùng bữa kiểu buffet, nhiều anh em không biết lựa ăn món gì vì là lần đầu tiên được ăn nhiều thứ đến như vậy. Thế nên, dù nhiều người đã gần 30 tuổi rồi nhưng lúc đứng trước bàn ăn, như trẻ thơ, ánh mắt ai cũng bối rối.
Mang thức ăn về bàn, chúng tôi lại ngồi thừ ra khi nhớ lại những bữa ăn quá thiếu chất, thiếu món thuở còn tập trung ở Nhổn. Thức ăn đa dạng và ngon khiến cầu thủ mặc sức "chén" thoải mái. Đó chính là lý do khiến HLV trưởng phải hủy buổi tập đầu tiên ở Philippines vì cầu thủ... ăn quá no", ông Dũng kể lại.
Tiền đạo Nguyễn Văn Dũng (thứ hai từ phải sang) là người ghi cả 3 bàn thắng cho ĐT Việt Nam ở kỳ SEA Games đầu tiên sau ngày hội nhập trở lại.
Thời gian trôi đi, câu chuyện về vụ "đào ngũ" ở Trung tâm Nhổn ngày nào đã dần lùi vào dĩ vãng vì ngay sau đó, đội tuyển đã được VFF quan tâm sát sao hơn và chuyện tương tự không bao giờ lặp lại nữa. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, chẳng ai muốn phê phán rằng trách nhiệm thuộc về ai, mà đơn giản đó chỉ còn là một ký ức về thời kỳ bóng đá nước nhà chập chững hội nhập trở lại với những khó khăn đặc thù.
Còn với ông Nguyễn Sỹ Hiển, sự nghiệp sau này gắn cùng những câu chuyện khác về vị trí HLV của đội U23 và ĐTQG, những ký ức vinh nhục đủ cả.
(Còn tiếp)