(Tổ Quốc) - Vào mùa hè nóng bức, trái cây không chỉ cung cấp nước, làm mát mà còn bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất, rất tốt cho sức khỏe. Nhưng không phải tất cả các loại trái cây đều có lợi nếu ăn nhiều.
Sau khi ăn một loại trái cây nào đó, nếu bạn bỗng nhiên cảm thấy đau họng, rát lưỡi, đau răng, phồng rộp ở khóe miệng thì có khả năng bạn đã ăn hơi quá chớn loại trái cây không nên ăn nhiều! Mùa hè nắng nóng sẽ dịu bớt đi phần nào nếu như bên cạnh bạn là một giỏ trái cây đủ loại, không những có lợi ích bổ sung nước, việc ăn nhiều trái cây còn giúp cung cấp nhiều vitamin và chất dinh dưỡng, mang đến một cơ thể khỏe mạnh.
Tuy nhiên, có một số loại trái cây có các đặc tính nhất định, nếu ăn nhiều có thể gây nên một số triệu chứng khó chịu như đau họng, đầy hơi, nóng trong, dị ứng... Dưới đây là 6 loại trái cây cần đặc biệt lưu ý khi ăn, cần tránh ăn nhiều để không gây ra cảm giác khó chịu.
1. Vải thiều, nhãn: Ăn nhiều có thể gây viêm amidan, viêm họng
Cả vải thiều và nhãn đều là những loại trái cây nóng của mùa hè, ăn quá nhiều vải thiều và nhãn một lúc có thể làm cho cổ họng của bạn khô và đau vì hàm lượng đường và calo cao. Vải thiều chứa khoảng 20% đường fructose, mỗi quả vải sẽ tương đương với việc uống một ngụm nước đường. Trong khi đó, nhãn chứa 12-23% đường (26,91% trong số này là đường glucose).
Do đó, việc ăn nhiều vải thiều và nhãn cùng lúc sẽ kích thích cổ họng và có nhiều nguy cơ dẫn dến viêm amidan, viêm họng.
Để ăn uống một cách lành mạnh, tốt nhất bạn chỉ nên ăn 5 quả vải mỗi ngày và tối đa không thể vượt quá 10 quả/ngày. Nếu cảm thấy vải quá ngọt, ngọt gắt, bạn có thể ngâm vải thiều trong nước muối loãng và cho vào tủ lạnh để giảm bớt độ ngọt hoặc uống một ít súp đậu xanh, trà thảo dược lúc trước và sau khi ăn vải.
Đối với nhãn, bạn có thể ăn 10-20 quả mỗi ngày. Nhãn ăn cùng với trà hoa cúc hoặc trà nhân sâm cũng có thể cải thiện được tính nóng của quả nhãn.
2. Dứa và xoài: Ăn nhiều có thể gây dị ứng, đầy hơi
Một số người gặp các triệu chứng dị ứng ngay khi họ ăn dứa và xoài. Không tính đến những người bị dị ứng, thực tế, 2 loại trái cây này cũng là những thực phẩm bản thân nó đã dễ gây dị ứng.
Dứa có chứa glycoside, chất gây kích ứng da và niêm mạc miệng. Nếu bạn ăn dứa sống không được sơ chế trước, miệng của bạn có thể sẽ bị ngứa. Xoài chứa monohydrocarbyl và dihydrocarbylbenzene có thể khiến kích thích da và niêm mạc, rất dễ gây viêm da tiếp xúc trong quá trình tiếp xúc và tiêu thụ. Ngoài ra, đây cũng là 2 loại trái cây nóng, giàu protein và đường, ăn nhiều sẽ gây ra sự chuyển hóa bất thường của đường và khiến bạn bị đầy hơi.
Khi ăn dứa sống, bạn không nên ăn quá 3 miếng nhỏ mỗi ngày, bạn có thể ngâm miếng dứa cắt trong nước muối trong 30 phút rồi mới ăn để loại bỏ sự mẫn cảm. Còn với dứa nấu chín thì không cần quá lo lắng bởi nhiệt độ có thể loại bỏ 90% các chất gây kích ứng trong dứa.
Đối với xoài, đừng ăn không quá 3 quả mỗi ngày với người bình thường và không quá 2 quả với phụ nữ mang thai. Sau khi ăn xong, hãy nhớ rửa sạch khóe miệng, súc miệng và rửa mặt.
3. Mít, sầu riêng: Ăn nhiều có thể gây nóng trong, mọc mụn
Mụn trứng cá thường liên quan đến việc ăn quá nhiều thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo. Đừng nghĩ rằng chỉ có ăn nhiều kem, lẩu và các thực phẩm khác mới gây ra mụn trứng cá, thực tế, ăn trái cây có hàm lượng đường cao như mít và sầu riêng cũng sẽ gây ra mụn trứng cá!
Hàm lượng đường của mít và sầu riêng chiếm hơn 15%, do đó, những người dễ bị mụn trứng cá hoặc có làn da xấu nên giảm lượng ăn vào. Thêm vào đó, 2 loại trái cây này rất giàu chất dinh dưỡng, ăn quá nhiều sẽ khiến đường tiêu hóa không thể hấp thụ hoàn toàn, rất dễ bị khô da và nóng trong.
Để tránh tình trạng trên, bạn chỉ nên ăn khoảng 100-300g mít mỗi ngày, nên ngâm miếng mít đã cắt trong nước muối loãng 10 phút trước khi ăn để giảm độ ngọt gắt và ảnh hưởng nóng trong. Với sầu riêng, không nên ăn quá 100g mỗi ngày, sử dụng vỏ sầu riêng đun sôi với nước muối cũng có thể giúp giảm nhiệt hiệu quả nếu bạn lỡ ăn hơi nhiều.
Nguồn tham khảo: Kknews, Healthline, Eat This