• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ẩn sau khói lửa Syria, đây là những gì Nga “học” được từ Mỹ?

Thế giới 07/01/2018 14:39

(Tổ Quốc) - Tướng Mỹ cho rằng, Nga đã “quan sát, học hỏi” được nhiều thứ từ các hoạt động của quân đội Mỹ trong khi tham gia cuộc xung đột Syria.

Newsweek dẫn lời một tướng tình báo thuộc Không lực Hoa Kỳ cáo buộc, Nga đã sử dụng cuộc chiến tranh tại Syria để huấn luyện lực lượng, học lén các chiêu trò và chiến thuật của Mỹ trên chiến trường.

Nga "quan sát và học hỏi" quân đội Mỹ trên chiến trường Syria?

Năm 2015, Moscow đã bắt đầu chiến dịch không kích hỗ trợ cho Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Cả Nga và Mỹ đều đã có nhiều lần “đụng độ” nhau. Mới đây nhất, tháng 12/2017, một máy bay do thám của Mỹ đã phải bắn pháo sáng nhằm tránh va chạm với một phi cơ chiến đấu Su-25 của Nga.

Trung tướng tình báo kiêm Phó chánh văn phòng tình báo của Không lực Mỹ, VeraLinn “Dash” Jamieson cho rằng, những lần đụng độ như trên, và việc cùng “chung sống” đầy căng thẳng của các lực lượng tại Syria – đã đem lại cho Moscow cơ hội nắm bắt các thông tin về hoạt động quân sự Mỹ.

“Trên bầu trời Syria, thật sự là một kho báu cho họ khi nhìn cách chúng ta hoạt động,” trang web chuyên về quân sự Military đã dẫn lời nữ Trung Tướng phát biểu trong một cuộc điểm báo tại Washington D.C.

“Những thay đổi trong các chiến dịch của Nga bao gồm, lần đầu tiên tiền tuyến đã sử dụng các công nghệ cao cấp nhiều hơn và triển khai máy bay ném bom tầm xa hoạt động trong suốt 18 đến 24 giờ bay…”, Jamieson nói. Sự thay đổi này, theo bà đã diễn ra trong lúc các đối thủ “quan sát, và học hỏi” từ chính nước Mỹ.

Chưa có lời chính thức khẳng định rằng các chiến dịch của Nga tương tự đến mức giống hệt với chiến thuật của Mỹ. Nhưg rõ ràng, những gì đang xảy ra trong cuộc chiến tranh tại Syria không phải là cuộc xung đột giữa các quốc gia cùng biên giới. Nó là những gì mà quân đội Mỹ đã quá quen thuộc, trong khi đó, so với Nga, đây có lẽ là lần đầu tiên sau khi Liên Xô sụp đổ.

“Họ đang tiến hành một cuộc chiến mà tôi sẽ gọi là chiến dịch ‘xa nhà’ đầu tiên,” bà Jamieson nói. Chiến đấu với các lực lượng không quân, hải quân và bộ binh trong liên minh cùng Syria và Iran, môi trường chung của Nga “không có tính tích hợp cao như cách chúng ta đang làm… nhưng nó vẫn là một sự thay đổi đối với họ,” nữ Trung Tướng nhấn mạnh.

Số lượng nhân lực và các đơn vị được Nga triển khai tại Syria trong hơn 2 năm qua cũng cho thấy, Moscow đang sử dụng cuộc chiến này như một bài thử nghiệm cho các công nghệ chiến đấu mới.

“Nga đã đưa gần 85% các đơn vị trên không của họ vào chiến đấu,” tại Syria, bà Jamieson cho biết. “Một trong những điều họ học từ chúng ta đó là, ‘Nếu trong diễn tập và huấn luyện chỉ diễn ra một thứ, thì trong cận chiến và đối mặt đối thủ cùng nỗi sợ hại, mọi thứ sẽ diễn ra’. Và Nga muốn kiểm nghiệm điều đó. Không chỉ áp dụng trên một vài mà tất cả các phi công và đơn vị bay của họ”.

Nga từng không có kinh nghiệm triển khai quân trên chiến trường xa

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Komsomolskaya Prava tháng trước, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga Valeriy Gerasimov cũng thừa nhận điều trên, chỉ là không nhắc đến bất kỳ vai trò nào của Mỹ trong những nỗ lực thử nghiệm này.

“Chúng ta đặc biệt không có kinh nghiệm triển khai quân đội và các lực lượng vũ trang ở khoảng cách xa, và trên lãnh thổ của một quốc gia không có cùng biên giới với chúng ta,” ngài Tổng tham mưu nói về thời điểm đầu tiên của chiến dịch không kích tại Syria. Theo ông, ví dụ duy nhất là năm 1962 khi Liên Xô triển khai quân tới Cuba.

Ông Gerasimov tiết lộ, một kế hoạch triển khai quân theo luân phiên 3 tháng đã đảm bảo rằng Moscow có được kinh nghiệm chiến trường thực sự và kiểm nghiệm khả năng chiến đấu của một số lực lượng quan trọng nhất trong quân đội Nga.

“Đó là những gì chúng ta đã làm, và không chỉ với binh lính. Điều chủ yếu là kiểm tra các tư lệnh và sỹ quan,” ông Gerasimov nói. “Chúng ta đã có tất cả các chỉ huy tư lệnh của các quân khu tham gia”. Phần lớn lực lượng vũ trang của Nga được chia thành bốn quân khu với các chỉ huy tư lệnh báo cáo trực tiếp với Moscow. Theo ông Gerasimov, các chỉ huy này đều đã được rèn dũa trong thời gian khá dài với cuộc chiến tại Syria.

Các quan chức của Nga cũng từng không ít lần đề cập đến việc hàng trăm vũ khí và thiết bị quân sự mới của họ cũng đã được thử nghiệm tại Syria. Trong khi đó, lý do chính cho sự can thiệp của Nga vào Syria, theo Điện Kremlin là để giúp chính quyền Assad và cộng đồng quốc tế đánh bại các nhóm khủng bố như IS…

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ