• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ấn tượng kinh tế Việt Nam song hành với tâm điểm APEC

Kinh tế 10/11/2017 11:42

(Tổ Quốc) - The Diplomat đã có bài viết về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đang diễn ra sôi động và đạt nhiều kết quả cao tại Đà Nẵng.  

Triển vọng kinh tế nhìn chung dường như là khả quan trong tiến trình Việt Nam chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017.

Việt Nam đang đón các nhà lãnh đạo hàng đầu tới tham dự Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào cuối tuần này tại Đà Nẵng. Trong khi Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của khu vực và toàn cầu, dù đã chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão Damrey quét qua gần đây, vẫn có nhiều điều đáng quan tâm đối với nền kinh tế hiện tại của đất nước.

Kinh tế Việt Nam đang nhận được nhiều sự trong thời điểm đang diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. (Nguồn: EPA)

Chặng đường kinh tế hứa hẹn

Từ sau khi Đổi mới –cuối những năm 1980- tới nay, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp mở rộng hạ tầng kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam thường xuyên đạt ở mức từ 6 - 6,5% - một con số tương đối đầy hứa hẹn ở các nước đang phát triển. Nhưng theo Focus Economics, tăng trưởng hàng năm của Việt Nam đã đạt 7,5% trong quý thứ ba, tăng từ 6,3% trong quý trước – vượt lên sự suy thoái kéo dài trong khai thác mỏ và sản lượng dầu.

Focus Economics cho biết: "Tăng trưởng kinh tế nhanh trong lĩnh vực sản xuất, khu vực dịch vụ, dòng vốn FDI dồi dào và mức tiêu dùng cá nhân vượt trội nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng từ tín dụng khu vực tư nhân đã đưa nền kinh tế này mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong vòng chín năm qua".

"Tăng trưởng mạnh trong quý 2 và quý 3 giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đầy tham vọng của chính phủ là 6,7% trong năm 2017, điều dường như  đã là khó khăn sau kết quả không cao trong quý 1", bản đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam cho hay.

Bước đi kinh tế đối ngoại hiệu quả

Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi sản lượng nông nghiệp sau đợt hạn hán nghiêm trọng năm ngoái.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới WB về triển vọng kinh tế Việt Nam cũng rất tích cực, khẳng định rằng nông nghiệp đang dần được cải thiện dù tín hiệu phục hồi vẫn còn mong manh.

Ông Sebastian Eckardt, nhà kinh tế học hàng đầu kiêm quyền Giám đốc của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết: "Kinh tế Việt Nam đang vững vàng – xuất phát từ đà tăng trưởng mạnh mẽ của các yếu tố cơ bản, bao gồm nhu cầu tiêu dùng nội địa và nền sản xuất theo định hướng xuất khẩu".

Việt Nam cần một thời kỳ tăng trưởng ổn định, cùng với những cải cách xã hội rộng lớn hơn và tự do cho các nhóm tôn giáo và thiểu số khi hướng tới việc trở thành một quốc gia trung lưu đầy hứa  hẹn.

Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam đang hướng đến chính sách đối ngoại cân bằng. Hiện tại, Việt Nam cũng đang ủng hộ nỗ lực của Nhật Bản trong việc xúc tiến thỏa thuận Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi gần đây và có chiến lược kinh tế của riêng mình đối với khu vực. Trong bối cảnh này, trọng tâm của Việt Nam là nhiều bước đi nhỏ hơn, khi Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết các thương vụ với tổng trị giá 8 tỷ USD, bao gồm một hợp đồng lớn với một hãng hàng không của Việt Nam.

Những thay đổi như vậy không chỉ đơn thuần là về mặt chính trị; chúng cũng có ý nghĩa kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang tổ chức APEC, rõ ràng nền kinh tế của nước này vẫn giữ được những cam kết của mình bất chấp những thách thức kéo dài. Đồng thời, chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng xây dựng nên một vai trò lớn hơn trong một khu vực còn nhiều bất ổn.

Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đang diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 6-11/11. Chiều nay, nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu  APEC sẽ tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân lớn nhất trong lịch sử APEC, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

(Theo The Diplomat)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ