• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Anh trai thảm sát gia đình em ruột: Cảnh báo đạo đức gia đình đang bị phá vỡ

Văn hoá 06/09/2019 08:00

(Tổ Quốc) - Vụ việc anh trai thảm sát gia đình em ruột khiến 4 người tử vong đã gây bàng hoàng, phẫn nộ dư luận đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức gia đình. Để cắt nghĩa thêm về vấn đề đạo đức gia đình xung quanh câu chuyện đau lòng này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Gia đình và công tác xã hội, Đại học Văn hóa, Hà Nội.

- Thưa bà, vụ việc anh trai thảm sát gia đình em ruột với hậu quả nghiêm trọng, với 4 người đã tử vong, một người bị thương nặng ở Đan Phượng, Hà Nội vừa qua gây phẫn nộ đỉnh điểm dư luận, vậy dưới góc độ đạo đức gia đình, bà nhìn nhận vụ việc này như thế nào?

+ Theo góc độ nhìn nhận của tôi, vụ việc này có tính chất rất nghiêm trọng, người anh trong một gia đình đã ra tay cướp đi mạng sống của những người  ruột thịt trong gia đình như em trai, em dâu, cháu gái.... Trong đó đáng chú ý có cả đưa trẻ vô tội, đặc biệt cô cháu gái vốn được người bác – người ra tay sát hại yêu thương.

Vụ việc xảy ra đã cho thấy mối quan hệ tình thân của họ đã bị mất đi, vai trò của gia đình không còn, mối liên kết trong gia đình lỏng lẻo, dẫn tới sự rối loạn trong gia đình.

Gia đình là cốt lõi của mọi đề. Giáo dục đạo đức có 3 thành phần: giáo dục trong trường học, giáo dục xã hội và giáo dục trong gia đình. Nhưng theo góc độ nhìn nhận của tôi thì giáo dục đạo đức trong gia đình là rất quan trọng.

 Đây là một vụ việc vô cùng đau lòng và điều này minh chứng rõ nhất sự ảnh hưởng của nhiều tác nhân trong đời sống xã hội hiện nay tạo ra những mâu thuẫn, xung đột chứ  không chỉ là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử giữa con người với con người. Ngày càng có nhiều vụ việc, án mạng liên quan đến các thành viên gia đình xảy ra và xu hướng ngày một gia tăng.


IMG_6393

Giảng viên Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Gia đình và công tác xã hội, Đại học Văn hóa, Hà Nội

- Theo cơ quan điều tra cho biết thì nguyên nhân ban đầu được cho là do mâu thuẫn đất đai và để biết được nguyên nhân chính của vụ việc này chúng ta phải đợi kết luận từ cơ quan chức năng, vậy dưới góc độ gia đình bà cắt nghĩa như thế nào về một vụ việc gây rúng động dư luận ở một làng quê này?

+ Theo tôi, cần phải đề cập đến sự ảnh hưởng của bối cảnh sống, của sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là đối với các làng ven đô của Hà Nội hiện đang bị ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá, công nghiệp hoá, dẫn tới sự biến đổi về sinh kế, không gian sống, hệ giá trị của mỗi gia đình và cộng đồng, tác động đến mỗi cá nhân. Điều này chúng ta phải chấp nhận, vấn đề là  các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu phải nắm bắt, nghiên cứu để tìm ra những biện pháp, cách thức sao cho các hệ giá trị cũ và mới được dung hoà, đáp ứng theo tiến trình phát  triển của xã hội.Ví dụ hệ giá trị xưa đề cao kinh nghiệm sống, thì nay đề cao khoa học, trước tôn ti trật tự, giờ đề cao cá nhân…chính vì vậy giáo dục đạo đức gia đình chính là sự tiếp nối truyền thống với sự kết hợp với giá trị mới để xây dựng hệ giá trị mới trên cơ sở cốt lõi của giá trị cũ có tính bền vững.

- Nói về vụ việc này, nhiều nguồn tin báo chí cho rằng giữa hai gia đình đã tồn tại một số mâu thuẫn trước đó. Vậy lẽ ra những mâu thuẫn này được giải quyết sớm, dứt điểm thì đã không xảy ra chuyện đau lòng này, theo bà có đúng như vậy không?

+ Nếu xét về phương diện xã hội, hiện nay các tổ chức đoàn thể xã hội hay mô hình tổ hòa giải cơ sở của các địa phương hầu như là những người nghỉ hưu hoặc do hội phụ nữ đảm nhận, họ dùng kinh nghiệm là chính và chưa chắc đủ hiểu biết về pháp luật, cũng như kỹ năng, các biện pháp, tâm lý nên khó giải quyết được triệt để các vấn đề.

Liên hệ đến câu chuyện thảm sát ở Đan Phượng, Hà Nội vừa qua thì tôi thấy vụ việc này đã kéo dài, có quá trình mâu thuẫn về đất ruộng, đất ở, rồi khi có ý định xây móng để phân ranh giới thì hai gia đình đã cầm cuốc xẻng đuổi nhau và theo báo chí đưa tin, chính quyền địa phương trả lời mọi việc sau đó đã được giải quyết tốt đẹp, không có gì xảy ra. Nhưng tôi đọc báo thì thấy có những chi tiết như đám cưới cháu, người bác đó không tham dự, mối liên hệ giữa hai gia đình dường như không có. Tức là có thể việc giải quyết mâu thuẫn được cho là dứt điểm lúc đó nhưng sự ấm ức "bằng mặt không bằng lòng" vẫn diễn ra thường xuyên, nên dẫn đến xung đột bùng phát, phát triển đến mức độ cao, sự dồn nén bấy lâu bị bung ra, bất chấp việc gây tổn thương, đau đớn cho chính người thân của mình.

Cách giải quyết của tổ hòa giải ở đây tôi cho rằng chưa triệt để, khi đã giải quyết bất cứ một vấn đề gì, sau đó phải có quá trình theo dõi và giám sát thường xuyên, chứ không phải chấm dứt tại một thời điểm, xong không quan tâm, để ý, gặp gỡ, tư vấn thêm.

Còn có ý kiến dư luận cho rằng cộng đồng thờ ơ trước hành vi hung hãn, mất nhân tính, nhưng chúng ta không phân tích được bối cảnh lúc đó là có thể chỉ có người già, phụ nữ hay em nhỏ ở nhà, người ta không thể xông vào khi một người đang chém loạn xạ. Nếu ở các nước khác, họ có đội "phản ứng nhanh" hay trung tâm hỗ trợ các vấn đề gia đình, thông thường sẽ gồm một cảnh sát, một chuyên gia tâm lý và một đại diện chính quyền, còn ở Việt Nam không có. Nếu chúng ta có nhóm đấy thì ngay lập tức khi được báo họ xuất hiện và có kỹ năng cũng như trách nhiệm để ngăn chặn vụ việc. Vì thế sự đổ tội cho cộng đồng thờ ơ, chưa chắc đúng. Họ có thể rất muốn giúp đỡ lúc đấy nhưng lực bất tòng tâm, họ không thể tham gia vào hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Dan Phuong

Những vành tang trắng đầy nghiệt ngã của cảnh "nồi da nấu thịt". Ảnh Soha

- Những mâu thuẫn trong gia đình dẫn đến các án mạng nghiêm trọng theo bà có đáng báo động?

+ Về các vụ án mạng ở Việt Nam, Tổng cục Cảnh sát bộ Công an đưa ra số liệu, năm 2018 xảy ra hơn 1.000 vụ mà ngay 5 tháng đầu năm nay đã có 447 vụ giết người, trong đó có gần 20% vụ án là người thân trong gia đình giết nhau. Các con số này cho thấy, mâu thuẫn, xung đột trong gia đình là nguyên nhân dẫn đến các án mạng nghiêm trọng, rất đáng báo động. Một vấn đề cần phải nhắc đến đó là sự suy đồi, xuống cấp về đạo đức, lối sống, đạo nghĩa gia đình. Điều này không chỉ gây nỗi đau cho gia đình bị nạn mà còn tác động đến những người xung quanh, gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội.

- Có ý kiến cho rằng xảy ra vụ việc anh trai thảm sát gia đình em ruột là vì người anh đã coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị giá đình, không giống như cha ông ta vẫn cho rằng: Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần, quan điểm của bà như thế nào?

+ Như tôi đã nói ở trên về sự tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hoá đã tạo ra những giá trị mới, phá vỡ một số giá trị cũ. Hệ giá trị cũ sẽ có sự thay đổi. Hiện nề nếp, đạo lý bị phá vỡ, văn hóa cộng đồng thay đổi dẫn đến con người (lối sống, cách nghĩ, tư duy, tâm lý, hành vi, thái độ) thay đổi… Sự biến đổi không gian sống, sinh kế, lối sống… làm cho các hệ giá trị gia đình cũng thay đổi theo, chẳng hạn trước kia gia đình nhiều thế hệ, còn giờ đây chủ yếu hai thế hệ, trước đây trọng nam, trọng lão giờ bình đẳng và dân chủ, trước đề cao quá khứ, giờ đề cao thực tại, trước kính trên nhường dưới, giờ lấy bản thân làm trung tâm, trước duy tình, trọng hiếu giờ là duy lý, trọng tiền (sống và làm việc theo pháp luật), trước yêu thương, đùm bọc, giờ tự thân phấn đấu, trước hy sinh vô điều kiện, giờ quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ; trước độ lượng bao dung, nay hẹp hòi, ích kỷ... Bởi điều kiện sống khác, nếu trước người ta có ruộng, có đất thì có thể tự cung tự cấp, đồng tiền không quan trọng đối với họ; hết ruộng hết đất thì buộc họ phải cần tiền thì mới có thể sống được, họ sẽ chú trọng hơn đến đồng tiền. Mình phải thấy rõ xu hướng biến đổi đó và phải biết điều chỉnh bằng nhiều biện pháp.

Chúng ta cần phải có biện pháp giữ gìn văn hóa cộng đồng, giữ gìn gia phong, gia đạo của gia đình.

- Theo bà, từ vụ án nghiêm trọng anh ruột thảm sát gia đình em ruột ở Đan Phượng, Hà Nội đã cảnh báo và để lại bài học gì?

+ Vụ việc rất đáng cảnh báo, nhất là những vụ thảm sát mang tính dã man ngày càng nhiều, và điều đau lòng là ngay sau gây án, dường như đối tượng không thấy hối lỗi. Việc cho rằng sau khi giết người, đối tượng có ý định tự sát nhưng tôi cảm giác đối tượng biết mình đã giết người đằng nào cũng chết nên tự tử để đỡ phải bị tra hỏi, giam giữ, xử tội chứ không phải biểu hiện của sự hối lỗi. Điều này cho thấy vấn đề đạo đức trong một số gia đình đang bị phá vỡ. Lợi ích kinh tế khiến con người ngày càng ích kỷ hơn.

- Là giảng viên của khoa chuyên về các vấn đề Gia đình của một trường đại học, theo bà chúng ta cần phải làm gì để đạo đức gia đình được đề cao, đẩy mạnh để không rơi vào sự xuống cấp và xa hơn để hạn chế những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra?

+ Theo tôi về mặt nhận thức, cần coi trọng việc xây dựng đạo đức gia đình là công việc quan trọng, có ý thức của nhà nước, cộng đồng, gia đình và mỗi cá nhân.

Cần phải tuyên truyền đường lối chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự. Tuyên truyền về đạo đức lối sống, đạo đức gia đình, hệ giá trị tốt đẹp của gia đình. Trong đó những gia đình tiêu biểu, hiếu nghĩa với cha mẹ, con cái anh em có sự đùm bọc lẫn nhau… luôn luôn phải được cộng đồng địa phương biết tới như những tấm gương để học tập, noi theo. Vì hiện nay chúng ta phần lớn chỉ có những buổi báo cáo về tình hình gia đình trong một sự kiện nào đó bằng số liệu thống kê, còn những câu chuyện đời thường không được kể, đưa lên bản tin.

Tiếp đến, các đoàn thể địa phương phải là những người chủ động phát hiện mâu thuẫn trong các gia đình và là những người đầu tiên phát hiện để hòa giải và có sự giám sát đằng sau vụ việc.

Vấn đề lên án bằng dư luận xã hội trước những hiện tượng xấu được nảy sinh trong các gia đình như tranh giành của cải, đất đai, xâm lấn tài sản, bạo lực gia đình… phải được công khai, hoặc chia sẻ trong các cuộc sinh hoạt cộng đồng để lên án những hành động đó.

Chúng ta cần phải đào tạo những chuyên gia về các vấn đề gia đình, trong đó cần phải có môn học "Trị liệu gia đình" theo mô hình của Singapore. Ở Singapore "Trị liệu gia đình" được coi là một khoa học ứng dụng kiến thức tâm lý học, giáo dục học và nghệ thuật học trong việc tiếp cận, quan sát giao tiếp và giúp đỡ tái cấu trúc lại các mối quan hệ trong gia đình, giúp giải quyết những vấn đề bất thường xảy ra, do đó rất được coi trọng.

Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục những giá trị đạo đức gia đình, phải phối hợp đồng bộ với xã hội, trường học.

Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Hà Anh (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ