• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Anh-EU: Bước tiến mới trong đàm phán về Brexit

Thế giới 04/02/2016 06:08

(Toquoc)- Chấp thuận nhiều đề xuất của Anh là những nỗ lực cuối cùng của Liên minh châu Âu (EU) để giữ Anh ở lại trong khối.

(Toquoc)- Chấp thuận nhiều đề xuất của Anh là những nỗ lực cuối cùng của Liên minh châu Âu (EU) để giữ Anh ở lại trong khối.

Chiều 2/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã công bố hàng loạt đề xuất để cải cách Liên minh châu Âu (EU). Đây là kết quả của cuộc đàm phán đầy căng thẳng sau 2 ngày giữa các quan chức EU và Vương quốc Anh  trong một nỗ lực nhằm giữ Anh ở lại ngôi nhà chung châu Âu.

Văn bản dài 17 trang dày đặc các ngôn ngữ luật tóm lược các đề xuất giải quyết những yêu cầu cải cách của Anh bao gồm các điểm chính sau:

Vấn đề quan trọng nhất mà nước Anh đề xuất là an sinh xã hội của người nhập cư. Và dự thảo cải cách đã chấp thuận bằng cách đề ra việc khi một quốc gia thành viên bị áp lực về an sinh xã hội sẽ được phép thực hiện một "phanh hãm khẩn cấp" để "đóng băng" tới 4 năm các khoản phúc lợi ngoài lương đối với lao động nhập cư từ các nước EU khác (trong trường hợp con số này quá lớn). Các khoản phúc lợi trẻ em sẽ được điều chỉnh theo mức sống của nước thành viên nơi đứa trẻ đó đang cư trú. Và các nước thành viên có thể hành động hơn nữa để ngăn chặn các vụ hôn nhân giả mạo và gian lận thanh toán phúc lợi, cũng như có thể hành động chống lại các công dân bị xem là mối đe dọa an ninh.



Chủ tịch EC Donald Tusk và Thủ tướng Anh Cameron sau khi kết thúc cuộc hội đàm tại London ngày 31/1 dù lúc đó chưa đạt được kết quả đàm phán nhằm giữ Anh ở lại EU

Về tính chủ quyền, nước Anh cũng sẽ không phải chịu ràng buộc bởi cam kết "hội nhập chính trị hơn nữa trong EU". Một hệ thống "thẻ đỏ" cũng được đưa ra để cho phép các nghị viện quốc gia chiếm hơn 55% số phiếu bầu tại Hội đồng sẽ được phép phủ quyết các văn bản luật của EU. Giải pháp mới này được cho là sẽ thay thế quy định "thẻ vàng" hiện tại của EU, theo đó chỉ cho phép quốc hội các nước EU yêu cầu lời giải thích về các đạo luật mà EU ban hành.

Nội dung này được đưa ra dựa trên đề xuất của Anh trong việc bảo vệ quyền lợi của nước này và những quốc gia không thuộc Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Với những vấn đề mà EU không cần ra quyết định dựa trên đồng thuận, ví dụ như vấn đề thị trường chung, chỉ cần 19 quốc gia Eurozone là đã có thể tạo ra đa số cần thiết để thắng phiếu 9 quốc gia không thuộc Eurozone.

Về quản trị kinh tế, Anh được đảm bảo rằng tiền đóng thuế của họ sẽ không được sử dụng để hỗ trợ Eurozone; Việc giám sát các thiết chế tài chính ở những nước nằm ngoài Eurozone sẽ vẫn do chính các chính phủ quốc gia đảm nhiệm, nhưng Anh sẽ phải cam kết không "tạo rào cản" đối với các nỗ lực hội nhập sâu hơn trong Eurozone.

Đáp ứng đòi hỏi về một châu Âu tăng sức cạnh tranh của Anh cũng được đáp ứng khi nội dung cải cách cũng bao gồm những cam kết dài hạn rõ ràng của EU nhằm nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện các biện pháp cụ thể để điều hành tốt hơn và giảm bớt các thủ tục hành chính quan liêu. Ủy ban châu Âu có trách nhiệm đề ra các mục tiêu "giảm gánh nặng quy định" của EU đối với thương mại mặc dù ông Tusk chưa nêu ra chính sách cụ thể nào.

Chính phủ Anh mong muốn “ở lại”

Thủ tướng Anh David Cameron đã hoan nghênh các đề xuất của nhà lãnh đạo EU, đặc biệt là "gói cải cách mạnh mẽ" đối với vấn đề gây tranh luận nhiều nhất là chính sách phúc lợi. Ông Cameron nói rằng nếu có được những điều khoản thành viên này cho nước Anh, chắc chắn ông sẽ chọn ở lại bởi vì đây là những điều khoản tốt và khác biệt so với những nước khác.

Ngày 2/2, Thủ tướng Anh David Cameron đã khai màn cuộc vận động nhằm giữ nước Anh ở lại EU trong bài phát biểu tại thị trấn Chippenham thuộc hạt Wiltshire ở Tây Nam England. Ông Cameron còn nói rằng các quan chức nội các muốn Anh rời khỏi EU sẽ phải đợi đến sau Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 18-19/2 mới được bắt đầu chiến dịch vận động của họ.

Như vậy, ông Cameron đã chính thức đứng về phía lựa chọn "ở lại" và có nhiều hơn hai tuần để thuyết phục cử tri Anh so với phe muốn "ra đi." Ủng hộ động thái này, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May ngày 2/2 đánh giá các đề xuất mà Chủ tịch EC vừa đưa ra là "cơ sở cho một thỏa thuận."

Theo bà May, các quy định cho phép đi lại tự do trong EU đã bị lạm dụng quá lâu và luật EU đã ngăn cản Anh trục xuất các tội phạm nước ngoài nguy hiểm. Do đó, việc EC nhất trí với Anh rằng cần có hành động đối với hai vấn đề trên là dấu hiệu đáng khuyến khích.

Cho tới nay, phe “ở lại” của Thủ tướng Cameron đã thu hút được sự tham gia của hầu hết các nhân vật quan trọng trong nội các, trong đó có cả Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, Bộ trưởng Tài chính George Osborne, Ngoại trưởng Philip Hammond và Thị trưởng London Boris Johnson.

Đương đầu nhiều chông gai

Theo giới chuyên gia, nội dung cải cách, tuy nhiên chưa đi sâu vào chi tiết của từng vấn đề, đặc biệt là xung quanh cơ chế thực hiện phanh hãm khẩn cấp đối với phúc lợi của người di cư và những biện pháp cải cách kinh tế EU. Các nhà ngoại giao hàng đầu của EU ngày 2/2 cũng cho rằng, có thể mất nhiều tháng để có thể thực hiện phanh hãm khẩn cấp sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh được diễn ra.

Đồng thời, trong nội bộ nước Anh, nhiều chính trị gia hoài nghi trong Đảng Bảo thủ của ông Cameron cho rằng đề xuất cải cách là không đầy đủ. Một trong những nhóm chính vận động cho nước Anh rút khỏi EU, được gọi là Leave.EU, mô tả các kế hoạch dự thảo là "một hành động gian lận và một trò hề." Liam Fox, một nhà lập pháp bảo thủ và cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cho biết không một đề xuất nào trong bản dự thảo tiến sát tới những thay đổi cơ bản được cam kết với công chúng.

Boris Johnson, thị trưởng London, người được cho là có thể kế vị ông Cameron, cho biết ngày 2/2 rằng, ông "nghi ngờ" về sự triển khai hệ thống thẻ đỏ. "Có nhiều, nhiều hơn nữa việc cần làm" để cải cách châu Âu, ông Johnson cho biết.

Cũng theo thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh, vẫn còn tồn tại một số khó khăn lớn về quản trị kinh tế và việc lạm dụng hiệp ước di chuyển tự do Schengen mà Anh không tham gia nhưng phải chịu ảnh hưởng. Anh đang phải nỗ lực hơn nữa để chặn các tuyến đường "cửa sau" vào lãnh thổ nước này đối với những người nhập cư châu Âu không có giấy tờ hợp lệ.

Ông Cameron hiện tại cũng đang phải đối mặt với nhiệm vụ đầy thử thách trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia còn lại của EU thông qua gói cải cách. Đặc biệt, kế hoạch hạn chế công dân EU nhập cư tiếp cận chế độ phúc lợi của Anh cho đến khi đã làm việc ở nước này được 4 năm được cho là sẽ vấp phải sự phản đối hơn cả, đặc biệt từ các nước thành viên EU tại Trung và Đông Âu, nơi có đông công dân đang làm việc tại Anh. Ông Cameron, sẽ có chuyến thăm đến Ba Lan vào thứ sáu tới trong một nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận về vấn đề này.

Một nhà ngoại giao EU cảnh báo về các cuộc đàm phán khó khăn hơn vẫn còn ở phía trước và tín hiệu tích cực vừa qua chưa hoàn toàn đảm bảo chiến thắng. Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới sẽ diễn ra trong hai ngày 18-19/2 được dự báo là sẽ khó khăn để các nước thu hẹp những bất đồng này.

Ngay cả trong trường hợp thỏa thuận trên được thông qua, trưng cầu dân ý tại Anh sẽ được tổ chức dự kiến vào ngày 23/6 tới và đây mới là dấu ấn quyết định việc Anh có rời khỏi EU hay không, vai trò của Anh trong các vấn đề quốc tế trong tương lai cũng như việc định hình EU.

An Bình (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ