• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Áp giá trần với dầu Nga: Mỹ, châu Âu khó thống nhất quan điểm

Thế giới 30/11/2022 19:54

(Tổ Quốc) - Ngày 23/11/2022, đại diện 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ và các đối tác để thiết lập mức giá trần đối với dầu và khí đốt của Nga.

Mỹ và nhóm G-7 đưa ra đề xuất mức giá trần đối với dầu của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng và với khí đốt ở mức 275 euro/MWh (tương đương 2.893 USD/1.000 m3), mục đích chính là nhằm giảm nguồn thu của Moscow, hạn chế khả năng chi phí cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, đồng thời tránh làm giá dầu tăng mạnh nếu dầu của Nga đột ngột bị đẩy ra khỏi thị trường thế giới.

Đến nay, các nước EU vẫn chưa thống nhất được về mức giá này. Mỹ tiếp tục thúc giục toàn bộ EU và từng quốc gia thành viên riêng biệt để đạt được thỏa thuận về giá trần dầu của Nga. Điện Kremlin cũng đang soạn thảo một sắc lệnh của Tổng thống về cấm bán dầu và khí đốt cho những nước áp dụng mức giá trần đối với dầu của Nga.

EU bất đồng về giá trần dầu Nga

Theo kế hoạch, giá trần này sẽ được áp dụng từ ngày 5/12/2022. Tuy nhiên, những người tham gia hội nghị đã không đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Các cuộc đàm phán bị đình trệ do có nhiều bất đồng.

Các nước ủng hộ Ukraine, đứng đầu là Ba Lan và các nước Baltic đề nghị mức giá trần 30 USD/thùng, với lý do mức giá trần 65-70 USD/thùng là quá cao, không thể gây thiệt hại đáng kể cho thu nhập của Nga.

Hiện nay, 6 nước thành viên EU, trong đó có Malta, Síp và Hy Lạp không đồng ý mức giá trần thấp hơn 70 USD/thùng, vì họ có các đội tàu lớn chuyên vận chuyển dầu của Nga, và sẽ mất đi một phần lớn thu nhập do các chuyến hàng dầu cuả Nga bị cắt giảm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Italy Roberto Cingolani cho biết, 15 quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, Áo và Hà Lan không tán thành việc áp trần giá khí đốt của Nga.

Sở dĩ EU không nhất trí được về các biện pháp trừng phạt mới là do họ lo ngại phản ứng tiêu cực từ Nga. Moscow tuyên bố sẽ không bán dầu cho các nước ủng hộ áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Việc đặt ra mức giá trần cho các nguồn năng lượng của Nga sẽ dẫn đến giá dầu trên thế giới tăng nhanh, đẩy kinh tế châu Âu lâm vào suy thoái kéo dài.

Mặt khác, nếu Nga ngừng cung cấp dầu cho các nước tham gia trừng phạt, có thể dẫn đến tình trạng thiếu dầu trên thị trường toàn cầu, làm giá dầu tăng mạnh. Ngay cả việc từ chối một phần nguồn cung từ Moscow cũng có thể giáng một đòn mạnh vào tất cả các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ. Hiện nay, Nga là nguồn cung cấp 10% nhu cầu dầu của thế giới.

Những nước ngoài EU mua dầu của Nga vẫn không ủng hộ việc định giá trần này. Đặc biệt, các nước Trung Đông kiếm tiền từ việc bán lại dầu thô của Nga, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc buôn bán các sản phẩm dầu chế biến từ dầu thô của Nga. Vì vậy, việc các nước ngoài châu Âu từ chối dầu thô của Nga là không có lợi.

Ngày 25/11/2022, EU đã quyết định hoãn cuộc họp. Các nguồn tin từ hội nghị cho biết, nguyên nhân của việc hoãn này là do những người tham gia hội nghị không đạt được đồng thuận. Theo quy định, quyết định áp giá trần phải được tất cả 27 nước thành viên EU nhất trí.

EU bất đồng về áp giá trần dầu Nga, xuất hiện rạn nứt quan hệ với Mỹ  - Ảnh 1.

Bộ trưởng các nước EU trước cuộc họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 24/11/2022. Ảnh: AP

Mức giá trần 65-70 USD/thùng không ảnh hưởng đến thu nhập của Nga

Theo Bộ Tài chính Nga, xuất khẩu dầu khí dự kiến chiếm khoảng 42% thu nhập của Nga trong năm nay, đạt 196 tỷ USD, tăng từ mức 36% hay 152 tỷ USD của năm 2021.

Mức giá trần 65-70 USD/thùng có thể cho phép Nga tiếp tục bán dầu, trong khi vẫn duy trì thu nhập ở mức hiện tại. Dầu của Nga hiện đang được giao dịch ở mức khoảng 63 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với dầu thô Brent chuẩn quốc tế.

Ngay từ trước lệnh cấm vận của EU, Nga - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới - đã chuyển hướng phần lớn nguồn cung của mình sang Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác, với mức chiết khấu cao.

Tháng 8 vừa qua, các nước OPEC+ đã tăng sản lượng thêm 648 nghìn thùng/ngày. Iran cũng dự kiến sẽ tham gia thị trường dầu mỏ một cách hợp pháp trong tương lai gần. Hai sự kiện này sẽ dẫn đến giá dầu giảm.

Theo dự kiến, liên minh OPEC+ sẽ họp vào đầu tháng 12/2022. Trước cuộc họp này, các bộ trưởng năng lượng của hai nước sản xuất dầu mỏ lớn là Ả Rập Saudi và Iraq đã gặp nhau và nói rằng, liên minh sẽ có các biện pháp khác để ổn định thị trường.

Nga cũng cho biết có thể chịu đựng được mức giá trần do phương Tây đề xuất. Ngân sách liên bang của Nga đã được lập sẽ không bị thâm hụt với giá dầu từ 40-42 USD/thùng. Chi phí khai thác dầu ở Nga chỉ khoảng 20 USD/thùng. Bởi vậy, mức giá 65-70 USD/thùng, nếu EU đạt được thỏa thuận, vẫn cao hơn chi phí sản xuất của Nga khoảng 45-50 USD/thùng. Với giá này, Moscow vẫn có lãi và có thể tiếp tục bán dầu để tránh phải đóng cửa các giếng dầu, mà việc khởi động lại sẽ hết sức tốn kém.

EU bất đồng về áp giá trần dầu Nga, gia tăng rạn nứt quan hệ giữa châu Âu và Mỹ  - Ảnh 1.

Các toa tàu chở dầu và khí hóa lỏng tại nhà ga Yanichkino, Moscow, Nga. Ảnh: Getty Images

Mỹ hưởng lợi từ việc áp giá trần đối với dầu Nga

Nhiều nước châu Âu hiểu rằng, Mỹ là người hưởng lợi lớn nhất trong việc áp giá trần thấp đối với dầu của Nga. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, một trong những mục tiêu của việc Mỹ tìm cách thuyết phục châu Âu giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga là nhằm thúc đẩy châu Âu chuyển sang sử dụng năng lượng từ Mỹ, nhưng cái giá mà người châu Âu phải trả cao gần gấp 4 lần so với chi phí nhiên liệu tương tự ở Mỹ và cao hơn nhiều lần so với việc mua các sản phẩm này từ Nga.

Tờ Politico của Mỹ số ra ngày 25/11 viết, thông qua việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Mỹ với giá cao, Mỹ đang thu được lợi nhuận khổng lồ. Tháng 10/2022, Mỹ đã xuất khẩu một lượng kỷ lục dầu thô và các sản phẩm dầu ra thị trường thế giới, trong đó châu Âu là nhà nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng này.

Tờ báo này cũng cho biết, các nước châu Âu ngày càng hiểu được dòng tiền đang chảy vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Cuộc xung đột tại Ukraine đang góp phần phục hồi ngành sản xuất và xuất khẩu vũ khí của Mỹ. Kể từ khi bắt đầu xung đột đến nay, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine với hơn 15,2 tỷ USD.

EU bất đồng về áp giá trần dầu Nga, xuất hiện rạn nứt quan hệ với Mỹ  - Ảnh 3.

Tháng 10/2022, châu Âu là nhà nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu lớn nhất của Mỹ. Ảnh: AA

Khác biệt giữa Mỹ và châu Âu

Giá năng lượng tăng đang đẩy nền kinh tế châu Âu vào suy thoái, lạm phát, thất nghiệp tăng vọt, đặc biệt đối với đời sống của người dân trong mùa đông này. Theo Bloomberg, tháng 10/2022, lạm phát ở khu vực đồng euro đã cán mốc lịch sử 10,6%. Đóng góp chính cho tỷ lệ lạm phát này là sự gia tăng liên tục của chi phí năng lượng.

Nhiều quan chức hàng đầu của EU đã cho rằng Mỹ hưởng lợi từ cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi các nước EU phải gánh chịu hậu quả.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, EU đang phải trả tiền gấp 5-10 lần để mua các nguồn năng lượng của Mỹ thay vì quay trở lại với nguồn cung cấp giá rẻ của Nga.

Tổng thống Pháp E. Macron cho biết, giá khí đốt cao của Mỹ là không “hữu nghị”.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck kêu gọi Washington thể hiện “sự đoàn kết” hơn nữa và giúp để giảm giá năng lượng bán cho châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thừa nhận rằng, "Mỹ đang tạo ra tiêu chuẩn kép" với giá năng lượng trong nước thấp hơn bằng cách bán dầu và khí đốt cho châu Âu với giá cao kỷ lục.

Cao ủy phụ trách Đối ngoại và An ninh EU Josep Borrell kêu gọi Washington quan tâm tới những mối lo ngại của châu Âu.

Mặt khác, bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương gia tăng xung quanh chương trình trợ cấp công nghiệp trị giá 369 tỷ USD để hỗ trợ các ngành công nghiệp xanh theo Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Việc chính quyền Mỹ đưa ra gói trợ cấp này đang khiến các công ty châu Âu chuyển sang đầu tư tại Mỹ, đe dọa làm tổn hại ngành công nghiệp tại châu Âu.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habek và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã ký một tuyên bố chung nhằm thành lập một liên minh kinh tế mới giữa Berlin và Paris để ứng phó với sức ép của Washington.

Gần đây, Mỹ đã cử đặc phái viên đến thăm các nước tiêu thụ và sản xuất dầu mỏ lớn để vận động họ ủng hộ mức giá trần đối với dầu của Nga, nhưng rất ít thành công. Có thể nói, ý tưởng về giá trần với dầu Nga chưa nhận được sự ủng hộ ngoài các thành viên của nhóm G-7 và một số nước EU.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

NỔI BẬT TRANG CHỦ