• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Áp lực khủng khiếp của bác sĩ 20 năm “chữa lành” trái tim trẻ nhỏ: “Có những bé sơ sinh đến viện trong tình trạng tím tái…”

Sức khỏe 27/02/2024 08:44

(Tổ Quốc) - 20 năm làm nghề, theo đuổi chuyên ngành tim mạch, chưa một ngày nào bác sĩ Thọ cho phép bản thân mình ngơi nghỉ. Từ việc bất lực nhìn những em nhỏ rời xa vòng tay của gia đình bởi căn bệnh tim bẩm sinh quái ác, bác sĩ Thọ lấy đó làm động lực để tôi luyện bản thân, cùng các đồng nghiệp mở ra một cơ hội sống mới cho bệnh nhi.

Gặp vị bác sĩ hơn 20 năm đi tìm và chữa lành “trái tim” cho những em nhỏ kém may mắn

20 năm đi chữa lành "trái tim" cho trẻ em

Một ngày cuối tháng 2/2024, sau khi hoàn tất việc siêu âm tim cho bé trai 13 tuổi trước ca phẫu thuật, cởi bỏ chiếc khẩu trang, BS.CK2 Phan Thành Thọ - Phó khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) nở một nụ cười hiền hậu.

Sau hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực tim mạch, trải qua vô số ca phẫu thuật lớn nhỏ, điều mà BS Thọ hạnh phúc nhất là được nhìn thấy những nụ cười khỏe mạnh của bệnh nhi sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Mỗi năm, khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận điều trị và can thiệp cho khoảng 9.000 bệnh nhi có vấn đề về tim, trong đó có nhiều ca phải thông tim, mổ tim

Bén duyên với ngành y từ những năm 2000, sau khi ra trường, BS Thọ quyết định chọn nhi khoa để theo đuổi trên con đường sự nghiệp. Từ việc yêu thích chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, quá trình học tập, công tác, nhìn thấy những đứa trẻ đang chịu đau đớn bởi bệnh tật đã thôi thúc BS Thọ quyết tâm theo đuổi chuyên ngành tim mạch.

"Tôi thấy thương các bé, nhất là thấy được tình cảm của cha mẹ dành cho các em, tôi chỉ biết cố gắng hết sức để giúp các em được hồi phục. Sau mỗi ca bệnh được chữa lành, thấy được niềm hạnh phúc của em bé lẫn gia đình bệnh nhi, đó là động lực lớn nhất để tôi tiếp tục", BS Thọ chia sẻ.

Hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều em nhỏ, mỗi bé một tính cách, có bé ngoan ngoãn, hợp tác khi bác sĩ thăm khám nhưng cũng có bé quấy khóc, BS Thọ đều tỏ ra kiên nhẫn để tìm cách chữa trị cho từng em.

Chuyện của vị bác sĩ phó khoa Tim mạch: Hơn 20 năm đi tìm và chữa lành "trái tim" cho những em nhỏ kém may mắn - Ảnh 3.

BS Thọ cười tươi khi nhắc đến sự đáng yêu, quấy phá của những em bé

"Có những bé quấy khóc rất tội nghiệp, đó là điều bình thường, việc quấy khóc cũng giúp tôi tiên đoán được bệnh tình của bé. Tôi chưa bao giờ sợ tiếng khóc của trẻ em mà lại yêu tiếng khóc đó, vì những hành động đó sẽ giúp tôi tiếp cận và chẩn đoán được tình trạng của bệnh nhi", BS Thọ vui vẻ nói.

Để có thể làm việc trong môi trường đầy áp lực, nhất là giành giật sự sống từng phút, từng giờ cho những em bé tim bẩm sinh, BS Thọ tự lên dây cót tinh thần cho mình cũng như động viên, chia sẻ với các y bác sĩ trong khoa. Chỉ cần có một cơ hội để cứu được bệnh nhi, bằng mọi giá BS Thọ và các đồng nghiệp đều không từ bỏ.

Áp lực khủng khiếp của bác sĩ 20 năm “chữa lành” trái tim trẻ nhỏ: “Có những bé sơ sinh đến viện trong tình trạng tím tái…” - Ảnh 4.

"Áp lực công việc rất khủng khiếp khi bệnh lý về tim mạch đa dạng, sinh mạng của bệnh nhi được tính bằng phút, bằng giờ. Có những em bé bị rối loạn nhịp nặng, lúc đó áp lực đè nặng cả ê-kíp khi phải vừa xoa bóp tim liên tục, đặt máy tạo nhịp rồi chuyển sang ECMO… Lúc đó bản thân tôi và các đồng nghiệp chỉ có chung một mục tiêu là làm sao giúp bệnh nhi thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm, vượt qua lưỡi hái tử thần, đó là suy nghĩ duy nhất", BS.CK2 Phan Thành Thọ tâm sự.

"Lúc nào tôi cũng đau đáu suy nghĩ làm sao để cứu được bệnh nhi…"

Mặc dù đã gắn bó với công việc hơn 20 năm nhưng 24 giờ mỗi ngày với BS Thọ là một cuộc chiến mới. Chỉ cần sơ sẩy một chút, cái giá phải trả đôi khi là cả tính mạng của một đứa trẻ hay sự dằn vặt suốt cả đời.

Áp lực khủng khiếp của bác sĩ 20 năm “chữa lành” trái tim trẻ nhỏ: “Có những bé sơ sinh đến viện trong tình trạng tím tái…” - Ảnh 5.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu công tác ở khoa Tim mạch, thời điểm đó chưa có mổ tim và thông tim, khi chứng kiến nhiều em nhỏ bị tim bẩm sinh diễn tiến nặng rồi không qua khỏi khiến BS Thọ day dứt.

"Khi nhìn những em bé không cứu được, tôi lo lắng, buồn và lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ làm sao để cứu được em bé, để em bé có thể qua khỏi… Đó cũng là động lực thôi thúc để tôi phát triển bản thân, rèn luyện kỹ năng, đọc thêm tài liệu, coi những bệnh viện trên thế giới như thế nào để học hỏi rồi từ đó hoàn thiện bản thân.

Nhờ có sự hỗ trợ của bệnh viện cho đi học trong và ngoài nước, tôi cùng đồng nghiệp cùng nhau phát triển mảng thông tim để can thiệp cho các bé bị tim bẩm sinh rồi sau đó là mổ tim, hồi sức tim. Hiện hệ thống điều trị cho các bé bị tim bẩm sinh ngày càng hoàn thiện hơn, điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc", BS Thọ nói.

Những tiến bộ của y khoa đã giúp những em bé mắc bệnh tim bẩm sinh có điều kiện điều trị tốt hơn

Với chuyên ngành nội tim mạch, thông tim, can thiệp tim cho những em bé mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp, BS.CK2 Phan Thành Thọ không nhớ mình cùng các đồng nghiệp đã cứu sống bao nhiêu bệnh nhi thoát khỏi lằn ranh sinh tử. Cứ sau mỗi ca cứu chữa thành công, được nhìn thấy nụ cười trên mặt của những em nhỏ, thấy được sự hạnh phúc, biết ơn của gia đình bệnh nhi, BS Thọ càng quyết tâm hơn nữa để cống hiến hết mình cho đam mê của bản thân.

"Có những em bé sơ sinh đến viện trong tình trạng tím tái, phải hỗ trợ hô hấp đặt nội khí quản, oxy thấp…, ê-kíp phải vừa tiến hành cấp cứu, vừa hồi sức thông tin can thiệp, đặt stent ống động mạch để oxy tăng giúp em bé hồng hào trở lại, lúc đó mình rất hạnh phúc khi đã giúp được em bé mà nếu như trước kia, chỉ các biện pháp nội khoa thì không đạt được kết quả như vậy", BS Thọ chia sẻ.

Áp lực khủng khiếp của bác sĩ 20 năm “chữa lành” trái tim trẻ nhỏ: “Có những bé sơ sinh đến viện trong tình trạng tím tái…” - Ảnh 7.

Chia sẻ về việc điều trị tim mạch cho bệnh nhi, BS.CK2 Phan Thành Thọ cho biết theo thống kê trong năm 2022, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận và điều trị hơn 9.000 ca tim mạch, trong đó có nhiều ca thông tim, mổ tim. Với tỷ lệ từ 4-14/1.000 trẻ nhỏ có khả năng mắc bệnh về tim bẩm sinh, BS Thọ cho biết việc phát hiện và điều trị sớm vô cùng quan trọng để tăng cơ hội sống cho trẻ nhỏ.

"Bệnh tim bẩm sinh hình thành từ bào thai nên khi mang thai mẹ bé nên tái khám, siêu âm định kỳ theo hướng dẫn của sản khoa. Khi thấy có dấu hiệu thì phải tầm soát tiền sản, tùy theo mức độ bệnh để có hướng điều trị sớm. Nếu trong giai đoạn mang thai không có điều kiện thăm khám, khi em bé chào đời nếu có dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh thì phải lập tức tới các trung tâm y tế để chữa trị, tránh để tình trạng bệnh diễn tiến nặng", BS Thọ nói.

BS Thọ mong rằng thời gian sắp tới, cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị y tế sẽ ngày một hiện đại, nguồn nhân lực tay nghề cao để có thể cứu chữa cho nhiều bệnh nhi hơn nữa

Ngoài công tác thăm khám tại BV Nhi đồng 2, BS Thọ cùng các đồng nghiệp cũng thường xuyên đến các bệnh viện vệ tinh để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho các y bác sĩ tuyến dưới. Từ đó giúp các bệnh nhi đỡ phải di chuyển, giảm chi phí cũng như áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

"Trải qua 20 năm theo nghề y, điều mà giúp tôi ở lại với nghề chính là tình yêu với trẻ nhỏ. Tôi mong muốn ngày càng làm nhiều hơn nữa cho bệnh nhi, có được những phương pháp hay để áp dụng trong quá trình khám chữa bệnh. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp để làm sao giúp ngành tim mạch đáp ứng được nhu cầu chăm sóc bệnh nhi tim bẩm sinh tốt hơn, giải quyết được nhiều ca khó hơn…", BS.CK2 Phan Thành Thọ trải lòng.

Chuyện của vị bác sĩ phó khoa Tim mạch: Hơn 20 năm đi tìm và chữa lành "trái tim" cho những em nhỏ kém may mắn - Ảnh 8.

Nhân ngày 27/2, kính chúc BS Thọ cũng như các y bác sĩ, nhân viên y tế thật nhiều sức khỏe, luôn vững tay nghề và tiếp tục là tấm lá chắn cuối cùng trong công tác bảo vệ sức khỏe, bình an cho tất cả mọi người.

 

Văn Tiên - Clip: Di Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ