• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ASEAN 2018: ứng phó với cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đối địch

Thế giới 04/01/2018 13:00

(Tổ Quốc) - ASEAN phải dựa vào chính ASEAN, nắm giữ vận mệnh của mình.  

Singapore dường như đã chọn một phương châm phù hợp cho tổ chức này, khi đề ra chủ trương cho năm 2018, khi làm Chủ tịch luân phiên ASEAN: “Tăng cường sức bật và mở rộng năng lực đổi mới”. Nó nhấn mạnh sự củng cố.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, trong bối cảnh môi trường chiến lược quốc tế đang diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, ASEAN sẽ tăng cường đoàn kết, nâng cao khả năng ứng phó linh hoạt với các thách thức, đón nhận thời cơ. 

Cạnh tranh gay gắt Mỹ-Trung tại “sân nhà” ASEAN

Thế giới, bao gồm châu Á-Thái Bình Dương, trở thành một nơi diễn ra cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc đối địch. Chiến lược An ninh Quốc gia công bố tháng 12/2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định Trung Quốc như một “đối thủ cạnh tranh” và một quốc gia “xét lại” đối với trật tự thế giới. Ông này còn đề cập đến “cuộc xâm lăng kinh tế” của Trung Quốc.

Nhưng, tại Đông Nam Á, Trung Quốc chí ít có ba lợi thế so với bất kỳ nước lớn nào: Một là, gần gũi về mặt địa lý – sự gần gũi này càng tăng lên khi Trung Quốc đã củng cố được sự hiện diện quân sự tại Biển Đông – một phần của các vùng biển Đông Nam Á, sau khi bồi đắp 7 thực thể nhân tạo tại Trường Sa, và với hệ thống cơ sở hạ tầng của Vành đai và Con đường (BRI) xuyên Đông Nam Á. Hai là, có các cộng đồng người Hoa đông đảo, theo số liệu chưa đầy đủ, trên 24 triệu người, chiếm 80% tổng số người Hoa trên toàn thế giới. Người Hoa tập trung đông nhất tại Malaysia (5,3 triệu người), Indonesia (trên 1 triệu), Thái Lan (4 triệu), Singapore (trên 2 triệu/5,6 triệu dân số), Philippines (gần 1 triệu), Campuchia (khoảng 1 triệu/15 triệu dân số). 80% số người Hoa này đã nhập quốc tịch nước sở tại. Không phải người Hoa nào cũng hướng về Trung Quốc Đại lục, nhưng đa số là như vậy. Ba là, hiện tại, Trung Quốc có nhiều tiền, rải ra trong nhiều chương trình: viện trợ không hoàn lại, cho vay, đầu tư trực tiếp và gián tiếp... Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tạo thành các dự án cơ sở hạ tầng kết nối các tỉnh phía nam Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á. BRI Đông Nam Á nằm trong 6 đại dự án của BRI thế giới trải rộng trên 3 châu lục và 3 đại dương của thế giới.


 Trụ sở ASEAN tại Jakarta. 88 nước ngoài khu vực đã cử đại sứ tại ASEAN.

Niềm tin của các nước Đông Nam Á đối với quyết tâm can dự của Mỹ vào khu vực này đã bị lung lay, may mà chuyến thăm Đông Nam Á tháng 10 năm ngoái của Tổng thống Trump có vãn hồi phần nào. Bên cạnh đó, việc xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Mỹ đang chiếm phần lớn mối quan tâm của Mỹ, chưa nói tới những bất ổn nội bộ trên chính trường Mỹ.

Trước những thách thức lớn

Tình trạng chia rẽ trong nội bộ ASEAN là một vấn đề lớn. Tổ chức và cơ chế hoạt động ASEAN đang diễn biến theo kiểu “càng rút gọn, càng phình ra”, với số lượng các cuộc họp hàng năm quá nhiều hơn 1000 cuộc. ASEAN đang bị cuốn hút theo  các dự án  lớn được đề ra từ 10-15 năm trước, khi đó tình hình hình thuận lợi hơn bây giờ.

Thực trạng ASEAN năm 2017 cho thấy, bước qua tuổi 50, trong những năm sắp tới, ASEAN cần lấy củng cố chất lượng làm chính, hoạt động có trọng tâm trọng điểm, làm cho các chương trình hoạt động phù hợp với thực tiễn mới, thì mới bảo vệ tốt nhất lợi ích của từng quốc gia và của toàn khối.

ASEAN đã được lưu ý trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 của Mỹ với tuyên bố rằng ASEAN và APEC vẫn là “trung tâm cấu trúc và nền tảng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để thúc đẩy một trật tự dựa trên tự do”.

Tăng cường, hoặc duy trì được sự thống nhất và đoàn kết trong nội khối để chống lại những tác động từ tình hình chính trị nội bộ của một số nước thành viên là một thách thức lớn đối với nước Chủ tịch ASEAN 2018. Mặt khác, theo ý kiến của nhiều nhà quan sát, một thách thức khác, là thiết lập sự cân bằng trong quan hệ của ASEAN với các cường quốc lớn trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng đối với từng nước thành viên trong ASEAN. 

Đến nay, 88 nước ngoài khu vực đã cử đại sứ tại ASEAN. ASEAN cũng thành lập 52 ủy ban tại nước thứ ba và tổ chức quốc tế để thúc đẩy hợp tác và quảng bá hình ảnh ASEAN ra cộng đồng quốc tế.

ASEAN có sự ủng hộ của các đối tác bên ngoài khu vực, trước hết tất cả các nước lớn, để thực hiện vai trò trung tâm và chất kết nối trong các cơ chế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng, để làm cho tổ chức này vững mạnh và thực hiện được vai trò của mình trong một thế giới đầy náo động, thì ASEAN trước hết phải dựa vào chính ASEAN và nắm giữ vận mệnh của mình./.

 

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ