• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Australia thúc đẩy nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa dưới nước: Việt Nam có thể học hỏi

Văn hoá 23/09/2023 07:00

(Tổ Quốc) - Chính phủ Australia thúc đẩy nỗ lực bảo vệ các khu vực dưới nước như các vụ đắm tàu ​​​​và các di sản của người bản địa hiện đang bị nhấn chìm sâu trong đại dương.

Thế giới đại dương - từ những vụ đắm tàu còn sót lại cho đến những nơi sinh sống của thổ dân cách đây hàng chục nghìn năm tuổi - cần phải được bảo vệ tốt hơn.

Australia thúc đẩy nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa dưới nước: Việt Nam có thể học hỏi - Ảnh 1.

Một thợ lặn đang kiểm tra mỏ neo của tàu Ferguson bị đắm chìm vào năm 1842 ngoài khơi Rạn san hô Great Barrier. Ảnh: Auscape/Universal Images Group/Getty Images

Australia có lịch sử văn hóa bản địa phong phú có niên đại hàng chục nghìn năm và phát triển qua hàng trăm thế hệ. Các cộng đồng thổ dân và cư dân trên eo biển Torres được xem là người bản địa đầu tiên của Australia. Nơi đây giữ mối liên hệ chặt chẽ về văn hóa, ngôn ngữ với vùng đất truyền thống xa xưa.

Người bản địa Australia còn được gọi là dân tộc đầu tiên ở Australia chính là thổ dân và người dân đảo Torres Strait. Những nghiên cứu, bằng chứng khảo cổ học cho biết thổ dân và người dân đảo Torres Strait chính là chủ sở hữu truyền thống của vùng đất có nền văn minh liên tục lâu đời nhất trên trái đất, kéo dài hơn 65.000 năm.

Di sản văn hóa dưới nước có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng. Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước đã được 41 quốc gia trên toàn thế giới thông qua, chỉ áp dụng cho những đối tượng đã bị chìm từ 100 năm trở lên.

Trong Thế chiến thứ hai, các vụ cướp biển đã nhắm mục tiêu vào các vụ đắm tàu để lấy của cải còn sót lại, những kẻ cướp bóc đã săn chiến lợi phẩm trên những chiếc thuyền bị chìm và thi thể của các thủy thủ chết đuối khiến những hiện vật đã bị xáo trộn trong quá trình này.

Australia có khoảng 8.000 di sản văn hóa dưới đại dương, hầu hết là các vụ đắm tàu, nhưng cũng có thể bao gồm xác máy bay, hàng hóa và các địa điểm quan trọng khác. Các chuyên gia cho rằng những tiến bộ về công nghệ có nghĩa là di sản văn hóa dưới nước của Australia có thể đang dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

Những di sản này sẽ được bảo vệ theo luật hiện hành và Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển. Bên cạnh đó, việc phê chuẩn công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cũng bảo vệ tốt hơn di sản đã tồn tại dưới nước ít nhất 100 năm. Công ước về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước đã làm hài hòa và làm rõ các luật hiện hành, đồng thời cho phép Australia khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực đăng ký.

Công tác nghiên cứu vẫn tiếp tục

Nhà khảo cổ học đại dương - Tiến sĩ Andrew Viduka cho biết Australia sẽ tiếp tục nỗ lực "tham gia vào cộng đồng toàn cầu nhằm ngăn chặn nạn cướp bóc và phá hủy di sản văn hóa dưới nước".

"Australia thúc đẩy nỗ lực ngăn chặn việc buôn bán các đồ tạo tác di sản văn hóa dưới nước bị đánh cắp hoặc việc di chuyển chúng qua Australia. Việc cướp bóc không chỉ làm hỏng các hiện vật mà còn làm xáo trộn mà còn phá hủy bối cảnh xung quanh môi trường đại dương. Chính những hiện tượng cướp bóc được ví như đang làm mất đi lịch sử của chúng ta. Đó là sự mất mát không bao giờ thay thế được và những câu chuyện không bao giờ có thể được kể lại", ông nói.

Ông Viduka cho biết hàng chục "nếu không muốn nói là hàng trăm" các vụ đắm tàu thời chiến tranh thế giới thứ hai ở Biển Đông đã bị cướp phá để lấy phế liệu trong hơn một thập kỷ qua.

"Vào năm 2017, có thông tin cho rằng các tàu trong khu vực này chứa hài cốt của khoảng 4.500 quân nhân Australia, Anh, Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản trước đây đã bị tác động. Hoạt động bất hợp pháp này vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay", ông nói.

Theo giai thoại kể lại, địa điểm khảo cổ dưới nước cổ đại đầu tiên được xác nhận tại Australia là nằm ở ngoài khơi bờ biển Murujuga ở Tây Úc, nơi từng là vùng đất khô cằn.

Báo cáo nêu rõ việc bảo vệ và bảo tồn di sản văn hóa dưới nước của các quốc gia bản địa "có tầm quan trọng thiết yếu" và hoan nghênh nỗ lực cho thấy Australia nên làm nhiều hơn để xác định, bảo vệ và học hỏi từ đây.

Ông Viduka cho biết di sản văn hóa dưới nước của nhóm người dân bản địa đầu tiên ở độ sâu 135 mét trong khoảng thời gian 65.000 năm về trước.

"Hầu hết di sản của người bản địa nằm ở độ sâu từ 40 đến 70 mét so với đường bờ biển hiện tại, bởi vì đó là nơi có đường bờ biển từ 65.000 năm trước đến khoảng 30.000 năm trước. Điều này có nghĩa là nhiều địa điểm lịch sử của thổ dân và người dân đảo Torres Strait – có niên đại hàng nghìn năm trước – nằm dưới nước có thể được bảo vệ, bảo tồn hoặc nghiên cứu tiếp tục", ông Viduka nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ