(Tổ Quốc) - Phở Thìn, bún thang bà Ẩm, cà phê trứng Giảng... là ba trong số những món ăn, đồ uống gây ấn tượng mạnh với khách quốc tế, khi phục vụ sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Để phục vụ khoảng 3.000 nhà báo nước ngoài và khoảng 500 nhà báo trong nước, Hà Nội đã mở "đại yến" ở Trung tâm Báo chí quốc tế (IMC) với hàng chục món tinh túy, đậm hương vị truyền thống và thức uống trứ danh.
Trong đó có thể kể đến, phở Thìn, bún chả Hà Nội, bún thang bà Ẩm, bánh khúc cô Lan, xôi chè Phú Thượng, giò chả Ước Lễ, trà sen Tây Hồ, cà phê trứng Giảng...
Trong số hàng loạt đồ ăn thức uống của thương hiệu nổi tiếng đó, có 3 "gia tộc ẩm thực" gây ấn tượng mạnh với sản phẩm của gia đình. Đò là cà phê Giảng, bún thang bà Ẩm và phở Thìn.
Bà Bùi Thị Hương Thủy (Phó phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội) chia sẻ trên Thanh niên, việc lựa chọn các món ăn để giới thiệu trong không gian ẩm thực Hà Nội ở Trung tâm Báo chí quốc tế được tiến hành nhanh gọn.
Tiêu chí hàng đầu để các món ăn, đồ uống được lựa chọn là an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã gợi ý các món mà bạn bè quốc tế đã biết đến và đã thích. Các món ăn được lựa chọn phải có uy tín và có truyền thống lâu đời.
"Chúng tôi ưu tiên những nhà có truyền thống lâu đời rồi. Thí dụ, bún thang bà Ẩm là đời thứ ba, phở Thìn là đời thứ ba, cà phê Giảng cũng là đời thứ ba rồi. Lịch sử, nguồn gốc, quy trình, nguyên liệu đã rất rõ ràng uy tín, đã được kiểm nghiệm qua thời gian rồi. Chứ không phải mới nổi lên", bà Hương Thủy nói với Thanh niên.
Ông chủ quán cà phê Giảng tên Nguyễn Chí Hòa bày tỏ với nguồn trên, mấy ngày nay, gia đình ông dồn hết sức lực vào Trung tâm báo chí để phục vụ Hội nghị thượng đỉnh. Số cà phê làm có thể nói tới hàng nghìn cốc. Ban đầu chỉ có bố mẹ và các con đến làm, nhưng bây giờ huy động cả cháu, chút, chí đến để làm.
"Tôi phục vụ trong trung tâm báo chí, ban đầu có rất nhiều người không dám uống, nhưng khi bạn bè bảo "cứ thử uống 1 thìa đi", lúc đó người ta uống 1 thìa xong thì uống hẳn 2 cốc", ông Hòa nói và cho biết cảm thấy may mắn khi được Hà Nội mời phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Cà phê Giảng do cụ Nguyễn Văn Giảng, từng là nhân viên pha chế của Metropole thời Pháp thuộc, sáng tạo ra. Đồ uống này dùng lòng đỏ trứng gà để pha chế với cà phê, nhưng không hề có mùi tanh, mà thơm ngon, đậm đà, mang dư vị khó quên cho thực khách.
Có phóng viên nước ngoài sau khi tác nghiệp bên lề Hội nghị thượng đỉnh đã đến thưởng thức món cà phê trứng của quán Giảng. Ảnh: Đăng Huỳnh/Lao động
Ảnh: Đăng Huỳnh/Lao động
Về "gia tộc ẩm thực" khác là bún thang bà Ẩm, theo thông tin từ báo Tin tức, cụ Đàm Thị Ẩm (SN 1930) là đời thứ 2 theo nghề nấu bún thang. Mẹ của cụ Ẩm từng là chủ quán bún thang đầu thế kỉ XX ở chợ Đồng Xuân.
Sau này, cụ Ẩm truyền lại nghề cho con trai là Đoàn Văn Lai. Anh Lai hiện mở một hàng ăn trên phố Cửa Nam, Hà Nội. Một vị đại diện quán bún thang bà Ẩm cho nguồn trên biết, các nguyên liệu được tuyển lựa kỹ càng để giữ đúng hương vị bún thang truyền thống. Món ăn này cũng được chế biến vô cùng cầu kỳ.
Anh Đoàn Văn Lai, chủ cửa hàng bún thang Bà Ẩm cho biết trên Vietnamnet, trung bình mỗi ngày cửa hàng phục vụ từ 900-1.300 bát bún thang, trong buổi trưa 27/2, dù đã chuẩn bị 500 bát nhưng vẫn không đủ phục vụ phóng viên.
Anh nói dù tất cả vất vả, nhưng mọi người rất vui vì đây là cơ hội hiếm có để giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
Bún thang bà Ẩm. Ảnh: Hà Nội Mới
Nguyên liệu làm bún thang. Ảnh: Báo Tin Tức
Về phở Thìn (61 Đinh Tiên Hoàng), đây là thương hiệu được ông Bùi Chí Thìn mở từ năm 1965. Hiện người cháu đích tôn là anh Bùi Chí Thành tiếp quản phở Thìn Bờ Hồ.
Một vị đại diện cửa hàng cho biết trên Dân trí, tiệm đã phục vụ hơn 1 nghìn suất ăn trong ngày đầu tiên Trung tâm báo chí Quốc tế đi vào hoạt động. Thậm chí, có thời điểm các phóng viên phải xếp hàng để chờ thưởng thức phở.
Hương vị phở Thìn nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ảnh: Infonet
(Tổng hợp)