• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Bà mẹ hổ" làm triển lãm ảnh về áp lực học hành của trẻ em châu Á

Giáo dục 02/12/2018 19:27

(Tổ Quốc) - Những "bà mẹ hổ", áp lực của những đứa trẻ và việc học hành của trẻ em châu Á là chủ đề chính của một cuộc triển lãm ảnh và video do nữ nhiếp ảnh gia Hà Lan đang làm việc tại Hồng Kông Saskia Wesseling thực hiện, khi phải trải qua những thử thách căng thẳng khi là một "bà mẹ hổ".

Là mẹ của hai cô con gái, Philine, 11 tuổi và June, 9 tuổi, Saskia Wesseling cho biết cô cảm thấy mình thực sự rất áp lực và muốn sử dụng nghệ thuật để nói cho mọi người biết về vai trò của việc học hành trong xã hội ngày nay.

Bà mẹ hổ làm triển lãm ảnh về áp lực học hành của trẻ em châu Á - Ảnh 1.

Một bức ảnh trong triển lãm

Wesseling nói rằng mình thực sự bị "mắc kẹt" với suy nghĩ về tương lai bọn trẻ, khi kết thúc việc học hành chúng có thể sẽ bị tổn thương và không còn niềm đam mê cũng như định hướng để bắt đầu tham gia lực lượng lao động. Chúng ta đang từng bước tạo ra những đứa trẻ và tương lai là cả một thế hệ như vậy.

Được sự giúp đỡ của nhiếp ảnh gia Đài Loan Chien-Chi Chang, Wesseling đã thực hiện một triển lãm trưng bày các bức ảnh và video clip làm về chủ đề này.

Nhiều bức ảnh được chụp với hình ảnh các em học sinh với những cuốn sách trên mặt. Hình ảnh này cho thấy rằng trẻ em không được tự lựa chọn và những cuốn sách chính là bộ mặt của các em.

Những tác phẩm này sẽ được trưng bày tại Thẩm Quyến, Trung Quốc, trong khuôn khổ Liên hoan Hình ảnh Đô thị Quốc tế, kéo dài đến 09/12. Sau đó sẽ tiếp tục được chuyển tới trưng bày tại Hội chợ Nghệ thuật từ ngày 27-30/12 tại Amsterdam, Hà Lan.

Thuật ngữ "bà mẹ hổ" - một người mẹ gây áp lực cho con cái để chúng đạt được những thành tích cao trong học tập - được Giáo sư luật tại ĐH Yale (Hoa Kỳ) Amy Chua đề cập lần đầu tiên trong cuốn hồi ký Khúc chiến ca của Mẹ hổ, ra mắt năm 2011.

Wesseling cho biết, các số liệu thống kê liên quan đến trẻ em Hồng Kông thực sự "kinh khủng". Một số trẻ em tiểu học ở Hồng Kông chỉ thỉnh thoảng được ra ngoài để tập thể thao còn lại là bị 'giam giữ'. Khoảng 50% học sinh trung học có dấu hiệu trầm cảm. Hệ thống giáo dục ở châu Á như là một chiếc 'lò hơi' vậy.

Cô cũng cho biết, sống chung với những trẻ em trong độ tuổi đến trường ở Hồng Kông không thể không bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện đau lòng trong trường học.

Theo một nghiên cứu gần đây do CLB Hong Kong Jockey thực hiện, cho thấy sự gia tăng các vụ tự tử của sinh viên Hồng Kông. Trong số 75 người Hồng Kông trong độ tuổi từ 15 đến 24 đã tự tử vào năm 2016, 29 người trong số này đã phải dành toàn bộ thời gian để học, số liệu của báo cáo Nghiên cứu và Ngăn ngừa Tự sát do Trung tâm CLB Hong Kong Jockey thực hiện.

Minh Vy

NỔI BẬT TRANG CHỦ