• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bác sỹ thể thao- giỏi thôi chưa đủ mà còn phải đam mê

Thời sự 26/02/2018 15:17

(Tổ Quốc) - “Đối với nghề bác sỹ thể thao, chỉ giỏi thôi chưa đủ mà còn đòi hỏi phải có cả đam mê” – Đó là tâm sự của TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ quốc.

Làm y học thể thao cũng giống như người chơi thể thao, đó là phải đam mê

Theo TS.BS Võ Tường Kha: “Y học thể thao chỉ mới du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 1990, vì vậy không phải ai cũng hiểu thấu đáo về vai trò của bác sỹ thể thao kể cả những nhà quản lý thể thao hay HLV. Cho đến nay thì số lượng bác sỹ thể thao của Việt Nam được đào tạo chính quy chỉ đếm trên đầu ngón tay.”

Ts.Bs Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam.

Bs Kha cho biết, nghề bác sỹ thể thao phải nắm kiến thức tương đối rộng, đòi hỏi phải biết tất cả các lĩnh vực, chuyên ngành bởi liên quan đến VĐV thể thao có rất nhiều vấn đề trong đó có cả dinh dưỡng, chấn thương, sinh lý. Đặc biệt là vấn đề tâm lý, ví dụ như VĐV đang rất khỏe mạnh nhưng khi ra thi đấu tâm lý không vững thì bác sỹ cũng phải nắm được.

Bs Kha lấy ví dụ cụ thể: “Ở nước ngoài, một CLB hay 1 VĐV có đến 5 – 6 bác sỹ đi kèm nào là bác sỹ tâm lý, bác sỹ dinh dưỡng, bác sỹ về chấn thương, bác sỹ về phục hồi chức năng, bác sỹ về thể lực…Còn ở Việt Nam, 1 đội tuyển thường chỉ có 1 – 2 bác sỹ đi cùng nhưng lại phải làm rất nhiều việc.”

Cũng chính vì lý do này mà những bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam hằng năm đều phải tự cập nhật, bổ sung các kiến thức về y học thể thao bằng nhiều phương pháp như tự học, cử bác sỹ sang nước ngoài học hoặc mời chuyên gia y tế thể thao nước ngoài về đào tạo, tập huấn. Một phần cũng vì số bác sỹ được đào tạo chính quy về y học thể thao của Việt Nam hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nói thêm về khó khăn của nghề bác sỹ thể thao, Bs Kha cho biết: “Đó là khi đi theo phục vụ đội tuyển thi đấu thì phải di chuyển, trong khi không phải nơi nào cũng có đầy đủ trang thiết bị cho bác sỹ thể thao. Hầu như các trường hợp chấn thương đều phải đưa vào các Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố để cấp cứu ban đầu sau đó mới chuyển về Bệnh viện Thể thao để điều trị.”

Vị bác sỹ này khẳng định: “Làm y học thể thao cũng giống như người chơi thể thao, đó là phải đam mê.”

Nếu HLV không tin bác sỹ, VĐV sẽ không thể trở lại thi đấu

Chia sẻ về kỷ niệm trong quá trình phục vụ các VĐV, BS. Võ Tường Kha cho hay, ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam có rất nhiều bác sỹ đi theo đội tuyển thi đấu, chính vì vậy mỗi người có một kinh nghiệm cũng như kỷ niệm riêng mà không phải ai cũng giống ai.

“Trường hợp mà tôi nhớ nhất đó là cầu thủ Thạch Bảo Khanh của CLB Thể Công ngày trước, VĐV này bị chấn thương khớp háng rất nặng trong khi thi đấu, mặc dù điều trị ở rất nhiều bệnh viện mà vẫn không khỏi, đối diện với nguy cơ nghỉ thi đấu vĩnh viễn. Bảo Khanh gặp tôi thời điểm Bệnh viện Thể thao lúc đó vẫn còn là Trung tâm y học thể thao. Trong suốt 2 năm trời, với sự bền bỉ và tuân thủ phác đồ điều trị đông tây y kết hợp của tôi, Thạch Bảo Khanh đã có thể trở lại thi đấu, điều mà không ai có thể nghĩ trước đó.”

BS Kha nhớ lại: “Trường hợp tiếp theo là tại SEA Games 21 ở Malaysia, lúc đó tôi là bác sỹ của Đội tuyển Cầu mây. Sau một pha cứu cầu, VĐV Trần Thị Vui (giờ là HLV Đội tuyển Cầu mây Việt Nam) bị bong gân và trật khớp, lúc đó nếu chỉ dùng thuốc xịt và chườm đá thì không thể tiếp tục thi đấu. Ngay lập tức, tôi phải chuyển sang phương pháp bấm huyệt và cấy kim thì cơn đau được cắt tạm thời và Vui đã có thể trở lại sân thi đấu trong niềm vui sướng của cả đội.”  

Khi nói về vấn đề hồi phục chấn thương cho VĐV, Bs Kha khẳng định, bên cạnh với việc VĐV đó phải bền bỉ, tuân thủ phác đồ điều trị thì HLV cũng phải đồng tình với phác đồ điều trị của bác sỹ. Nếu như điều trị mà HLV không tuân thủ thì VĐV không bao giờ trở lại thi đấu được.

Thế Công

 

 

 

 

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ