• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 1: Nông dân buồn tênh đón Tết

Thời sự 07/02/2013 17:31

(Toquoc)- Cuộc sống vốn vất vả, kinh tế khó khăn, người nghèo còn vất vả hơn. Để có một cái Tết tươm tất càng làm cho họ khó khăn.

(Toquoc)- Cuộc sống vốn vất vả, kinh tế khó khăn, người nghèo còn vất vả hơn. Để có một cái Tết tươm tất càng làm cho họ khó khăn.

Im lìm

Không khí Tết ở vùng quê thường không có sự nhộn nhịp, đông đúc với những dày đặc của cửa hàng bán bánh kẹo ngoại, mứt tết, bia rượu… khủng như ở thành phố nhưng những bưởi bòng, quất đào, lá gói bánh chưng… cũng đủ mang lại sự chộn rộn cho người dân quê.

Nhưng tới chỉ còn vài ngày nữa tới Tết, không khí các miền quê vẫn im lìm.

Chị Phương, một chủ hiệu gas tại thị trấn Giao Thủy, Nam Định cho hay, từ hồi chị mở hàng, chưa năm nào lại bi đát như năm nay.

Chị kể, hàng năm chị luôn phải dồn một khoản tiền khoảng 30,40 triệu để lấy hàng từ tháng 11 dương lịch. Nhưng năm nay kinh tế quá khó khăn, chị chỉ lấy khoảng 10 triệu tiền hàng để bán, không dám lấy nhiều.

"Cửa hàng buôn bán bếp gas, bình gas, một ít đồ điện dân dụng như dàn đèn nhấp nháy, nồi cơm điện, bóng đèn, ấm điện... Hàng năm, tháng 12 âm lịch hàng bán chạy ầm ầm. Những ngày cận Tết phải nhờ cả anh em chạy gas hộ, nhưng năm nay thì hàng bán ra vẫn èo uột. Nhiều trường hợp còn không dám bán vì nợ nần cũ của họ chưa trả nổi "- chị Phương cho hay.



Hàng năm giờ này, người dân đã lục tục trở về sắm sanh Tết nhất từ trước 23 âm lịch. Nhưng năm nay, đa phần người dân còn bám trụ lại Hà Nội để cố gắng bòn nhặt thêm đồng tiền tiêu Tết.

Tới thời điểm cận Tết nhưng bà con đi làm ăn xa vẫn chưa về, cộng với việc thắt chặt chi tiêu càng khiến cho không khí Tết quê im lìm. Chợ huyện đào quất bày vẫn y nguyên, cũng chỉ lác đác có người vào xem.

Người dân ở nhiều vùng của Nam Định chọn cách đi làm ăn xa ở nhiều nơi, trong Nam ngoài Bắc. Hàng năm giờ này, người dân đã lục tục trở về sắm sanh Tết nhất từ trước 23 âm lịch. Nhưng năm nay, đa phần người dân còn bám trụ lại Hà Nội để cố gắng bòn nhặt thêm đồng tiền tiêu Tết.

Bà Hòa, người dân xã Xuân Đài, Xuân Trường, Nam Định làm nghề đồng nát nhiều năm nay tại Hà Nội kể, bà vừa đạp xe đi thu mua đồng nát, thi thoảng có khách nào gọi thuê rửa bát đĩa hay lau dọn nhà thì bà cũng làm luôn.

"Mọi năm giờ này là chỉ còn đi lau dọn nhà cửa cho các gia đình ở Hà Nội, một ngày có thể kiếm vài ba trăm. Nhưng từ Tết năm ngoái đã ít người thuê rồi, năm nay thì giờ mới có 2 người thuê. Tôi vẫn đạp xe rao xem có ai bán đồng nát, vừa mua vừa hỏi họ xem có thuê lau dọn nhà không"- bà Hòa cho hay.

Công việc thu mua đồng nát thì bất định, có ngày được dăm chục, có ngày đạp xe rã chân mà không có đồng hào nào. Bà Hòa tính, đang nhờ một mối người quen, hỏi hộ xem có thể giúp công nhân vệ sinh đẩy xe rác không. Vừa có một mối họ bảo đang cần người đẩy xe rác hộ, bà bỏ công đẩy xe, thu gom rác nhưng được "độc quyền" nhặt chai lọ nhựa, bịch các tông… để bán lấy tiền.

"Cố gắng thêm thắt để 28 âm lịch mới về, khó khăn thì cũng khó khăn cả năm rồi. Tết coi như về nhà chơi với con cháu ít bữa, tiền có bao nhiêu, tiêu nấy vậy"- bà Hòa chia sẻ.

Ở lại Hà Nội ăn Tết

Dù sao, với bà Hòa, còn được về nhà ăn Tết bên gia đình. Vì nhiều lý do, cũng có lao động ngoại tỉnh chọn ở lại Hà Nội ăn Tết.

Chị Ngoan người xã Xuân Thành, Xuân Trường, Nam Định, 32 tuổi nhưng nhìn bề ngoài như người gần 50 tuổi. Mới có một con học lớp 1 nhưng hai vợ chồng không được thuận hòa. 15 tháng Chạp vừa rồi chị đã về quê đi thắp hương các cụ, rồi quảy quả lên Hà Nội. Chị bảo, bao giờ con được nghỉ học đã nhờ tài xế xe khách gần nhà đưa con lên Hà Nội, rồi hai mẹ con ở trên này ăn Tết.

"Tôi thuê trọ cùng với nhiều người cùng quê ở đoạn Cầu Giấy, hàng ngày đi xe bus tới chợ Đồng Xuân bán vải cho một chủ sạp trong chợ. Năm nay chỉ nghỉ làm ngày mùng 1 Tết thôi, bà chủ cũng thương hoàn cảnh hai mẹ con nên bảo Tết này từ mùng 2 tới dọn dẹp, nấu ăn giúp nhà họ. Bao giờ mở sạp hàng thì lại ra bán"- chị kể.

Chị Ngoan trầm ngâm kể, mấy năm trước còn có đồng ra đồng vào, về quê ăn Tết mà hai vợ chồng không năm nào là không cãi vã, chửi bới nhau, thậm chí còn bị đánh đập. Chồng nghiện rượu, lười làm ăn nên năm vừa rồi họ đã ly thân, chị Ngoan bảo, khéo năm nay ăn Tết trên này còn bớt khổ cực hơn.

"Ăn Tết xa quê cũng chả vui vẻ gì nhưng ít nhất là thoát được những trận cãi vã, chửi bới. Bao giờ tòa xử lý xong ly hôn, tôi đưa con lên hẳn đây, mẹ con làm lụng nuôi nhau"- chị nói.

Chỉ vào bộ quần áo mới, chị cho biết, đã mua sẵn ở đây cho con mặc Tết, mua thêm 2 cái bánh chưng, khoanh giò, tự muối một hũ dưa hành nhỏ, đêm giao thừa hai mẹ con nằm xem ti vi, mùng 1 hai mẹ con lên bờ Hồ… "Rồi cũng có một cái Tết"- chị Ngoan chẹp miệng./.

Thái Tùng

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ