• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 7: Hành khúc ngày và đêm - Hơi thở mới của ca khúc cách mạng

25/08/2018 08:34

(Cinet)- Nhắc đến những ca khúc cách mạng chúng ta không thể không nhắc đến bài hát “Hành khúc ngày và đêm”. Tác phẩm đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu “thổi hồn”, biến tình ca thành hành khúc.

(Cinet)- Nhắc đến những ca khúc cách mạng chúng ta không thể không nhắc đến bài hát “Hành khúc ngày và đêm”. Tác phẩm đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu “thổi hồn”, biến tình ca thành hành khúc.

Ảnh minh họa. Nguồn: csphoto.vn

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc luôn có sự đồng hành của văn học nghệ thuật nói chung cũng như âm nhạc nói riêng. Bài hát “Hành khúc ngày và đêm” được chuyển thể từ bài thơ “Ngày và đêm” của tác giả Bùi Công Minh và câu chữ của nhà thơ gần như được giữ tới 95%. Sau khi được phát sóng tới thính giả trên cả nước, “Hành khúc ngày và đêm” đã nhanh chóng trở thành bài hát nằm lòng của các bạn trẻ, không chỉ riêng với những người đang xông pha nơi trận mạc. 

“Hành khúc ngày và đêm” viết về tình yêu đôi lứa trong những ngày khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Mở đầu bài hát là giai điệu trữ tình, sâu lắng “Rất dài và rất xa/ Là những ngày thương nhớ/ Nơi cháy lên ngọn lửa/ Là trái tim thương yêu/ Là trái tim yêu thương”. 



Thực tế đã có nhiều tác phẩm trong giai đoạn đất nước chiến tranh nói về tình yêu đôi lứa như Anh ở đầu sông em cuối sông hay Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây. Ở đây, tác giả lại chọn đại lượng thời gian để nói về sự xa cách trong tình yêu, đó là ngày và đêm. Giữa ngày và đêm, con người chiến đấu, con người lao động, và khoảng cách thời gian luôn làm bùng cháy mãnh liệt ngọn lửa tình yêu giữa con người.



Từ giai điệu ngọt ngào sâu lắng, những vần thơ đã được bắt nhịp chuyển sang tiết tấu hành khúc “Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch/ Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran…” Đây là đoạn có nhịp điệu trầm hùng, dứt khoát như bước hành quân của người lính trên đường ra trận. Tuy nhiên trong đoạn có tiết tấu hành khúc mạnh mẽ, dứt khoát đó vẫn ánh lên những hình ảnh rất gần gũi, thân thương “Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ. Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào”. Một sự so sánh rất đỗi lãng mạn và nên thơ. 







Vẫn trong mạch cảm xúc ấy, nhạc sĩ đã tạo nên hai hình ảnh “Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mĩ/Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ”. Một bên là những người lính dũng cảm, kiên cường, khuất phục cái chết, tạo nên thắng lợi vẻ vang của toàn dân tộc. Một bên là những người làm công tác giáo dục, gieo mầm và chăm chút cho những thế hệ tương lai của Tổ quốc. Nhớ về nhau nhưng họ đều không quên nhiệm vụ, đó là vừa chiến đấu vừa xây dựng quê hương, đất nước.



Bài hát kết thúc vẫn giai điệu hành khúc nhưng chậm rãi, sâu lắng hơn: “Ngày đêm ta bên nhau những năm dài chiến đấu/ Đêm ngày trong chiến đấu anh với em sống vẫn gần nhau”. Trong cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt ấy, dù xa nhau nhưng anh và em luôn mãi bên nhau, vì tình yêu của họ đã hoà vào tình yêu đất nước.



Hành khúc ngày và đêm quả thực mang trong mình những cảm xúc chân thành, mộc mạc và sâu lắng của cả thi sĩ và nhạc sĩ. Cho tới nay đã hơn 40 năm, ca khúc vẫn trường tồn và lan tỏa trong lòng công chúng với vẻ đẹp lý tưởng và tinh thần sáng ngời trong từng câu chữ.


Nguyệt Như

NỔI BẬT TRANG CHỦ