• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài học giáo dục từ nhân cách văn hóa Lê Đại Cang *

Văn hoá 20/12/2017 07:00

(Tổ Quốc) - Với 76 năm cuộc đời, Lê Đại Cang đã đạt được một sự nghiệp đáng nể trọng, xứng đáng trở thành danh nhân lịch sử của Việt Nam.

Sau hai hội thảo khoa học về Lê Đại Cang tổ chức tại Bình Định năm 2013, An Giang năm 2016, ngày 16/12/2017 Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội” tại Hà Nội. Trong sự nghiệp làm quan của ông, đây có lẽ được coi là thời gian Lê Đại Cang đã có nhiều đóng góp nhất cho đất nước, cho dân tộc.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội"

Danh nhân Lê Đại Cang

Lê Đại Cang là một danh nhân lịch sử văn võ song toàn thời nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX. Suốt cả cuộc đời với 76 năm (1771-1847), nho tướng Lê Đại Cang đã để lại một sự nghiệp đáng nể trọng, được sử sách ghi nhận ở nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, văn chương nghệ thuật. Hơn thế, đi đến đâu ông cũng để lại những dấu ấn sâu sắc ở cả ba vùng miền của đất nước, nhất là ở Hà Nội và miền biên viễn cực Nam đất nước. Lê Đại Cang là một con người đặc biệt. Ông đã phụng sự qua 3 triều vua đầu tiên của vương triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị với nhiều vị trí và danh xưng: một danh nhân, một nho tướng liêm chính, cương trực; một tấm gương sáng về một bề tôi trung; một người con hiếu nghĩa, thảo hiền… đã dành cả cuộc đời cống hiến cho đất nước.

Bài học giáo dục hậu thế từ bậc quốc sĩ Lê Đại Cang

Con đường hoạn lộ của bậc quốc sĩ kéo dài 41 năm thăng trầm đã để lại cho hậu thế nhiều bài học sống, ứng xử quý giá về sự tận tụy, hy sinh của một vị quan. Điều gì làm ông vẫn vững vàng, vẫn được tin dùng, được sử sách nhà Nguyễn ghi chép đầy đủ, rành rẽ, mật độ đậm đặc (hơn 200 đoạn với hàng vạn chữ) dẫu đường hoạn lộ thăng trầm, biến cải (20 lần thăng chức, 5 lần giáng chức, thậm chí đối diện với cái án “trảm giam hậu” của vua Minh Mạng) như thế? Theo tôi, sức mạnh thuyết phục, thông điệp từ con người Lê Đại Cang truyền lại cho hậu thế chính là NHÂN CÁCH VĂN HÓA của bậc quốc sĩ giàu bản lĩnh vươn lên trước mọi hoàn cảnh, kể cả nghịch cảnh trớ trêu:

Thứ nhất, nhân cách văn hóa của một bậc quốc sĩ

Lê Đại Cang là một bậc đại nhân mang cốt cách của người quân tử. Điều đó đã được chứng minh một cách thuyết phục bằng chính cuộc đời ông lúc lên, khi xuống. Dẫu “thế gian biến cải”, Lê Đại Cang vẫn được tôn vinh và giữ một vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc. Con đường quan lộ không phải là mục đích cuộc đời hướng đến, nhưng với đạo lý “Tam Cương”, ông giữ trọn bổn phận của kẻ tôi trung thành phụng sự. Bao nhiêu lần xin cáo quan về quê vui thú cảnh điền viên, mãi đến năm 72 tuổi, ông mới được vua Thiệu Trị chuẩn y.

Phương châm sống cao đẹp của vị đại quan văn võ song toàn đã thể hiện trong câu đối ở từ đường Lê Đại Cang: 

Câu 1: “Càn nguyên tư thủy khôn nguyên tư sinh

Vật bản hồ thiên nhân bản hồ tổ” 

(Trời khởi đầu muôn vật, đất sản sinh muôn vật

Vật có gốc ở trời, người có gốc ở tổ tiên).

Câu 2: “Chí thành đạt u hiển thị hưởng thị nghi

Tích thiện di tử tôn khả cửu khả đại”

(Lòng chí thành muốn đạt thấu cõi âm dương thì phải cúng tế nghiêm cẩn

Sống làm điều thiện để lại phúc cho con cháu thì phúc đó sẽ lâu bền và to lớn).

Câu 3: “Kim ngọc phi bảo, chỉ thiện vi bảo

Hòa tắc tuy hinh, minh đức dũ hinh

(Vàng bạc không phải là của quí, chỉ có làm điều thiện mới quí

Lúa nếp tuy thơm, nhưng đức sáng lại càng thơm hơn)

Thứ hai, Lê Đại Cang là con người có trách nhiệm cao với công việc được giao

Từ khi được trao chức tri huyện Tuy Viễn năm 1802, năm 31 tuổi, bắt đầu con đường hoạn lộ, cho đến khi từ quan về hưu với chức Lang trung, thự Bố chánh sứ Hà Nội, năm 72 tuổi, Lê Đại Cang đã trải qua 41 năm quan trường, nhưng ông được tin cẩn, trọng dụng và có nhiều đóng góp nhất là 21 năm dưới thời Minh Mạng.

Trong 41 năm hoạn lộ, Lê Đại Cang giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Quyền tổng trấn Bắc Thành, Thượng thư bộ Binh kiêm Hữu đô Ngự sử Đô sát viện, Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên kiêm Hà Nội - Ninh Bình Tổng đốc sự vụ, Tổng đốc liên tỉnh An Giang - Hà Tiên kiêm Bảo hộ Cao Miên quốc ấn... Và chức cao nhất là Binh bộ thượng thư. Lê Đại Cang đã tự bạch: “Cay cực ra Bắc vào Nam, rong ruổi không ngừng… và vì nước quên nhà, và vì việc công quên việc riêng là tiết tháo của kẻ làm tôi” (Lê Thị gia phả). Dù ở bất cứ cương vị nào, ông cũng đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực để phụng sự và cống hiến cho đất nước và nhân dân.

Trong cuộc đời làm quan đó, Lê Đại Cang 4 lần được điều động làm việc ở Bắc Thành với gần 20 năm, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, như: Xét án, quản lý đê chính, rồi kiêm Hình tào Bắc Thành… Chức vụ thăng từ thự Hữu Tham tri Hình bộ lên Hữu Tham tri Hình bộ, được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc Thành. Sau đó, thăng từ Hữu Tham tri Hình bộ lên thự Binh bộ Thượng thư, làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên lĩnh Tuần phủ Sơn Tây, rồiquyền kiêm lĩnh cả ấn quan phòng Tổng đốc Hà - Ninh[1].

- Lần thứ nhất (1811 - 1823): Lê Đại Cang được điều ra Bắc Thành, thăng Binh bộ thiêm sự, lo việc từ chương. Năm 1811, năm Gia Long thứ 9, theo giới thiệu của Hậu quân Lê Chất, Tổng hiệp trấn Bắc thành “Lấy Câu kê Thị hàn viện là Trần Chính Đức làm Thiêm sự Hộ bộ, cựu Tri huyện Lê Đại Cương làm Thiêm sự Binh bộ, sung biện Hộ tào và Binh tào Bắc Thành. Lại sai Chính Đức kiêm quản cục Bảo tuyền, Đại Cương kiêm làm giấy tờ ở thành” (Đại Nam thực lục, Tập Một, tr.992.)

Sau một năm, ông thăng chức Hiệp trấn Sơn Tây. Năm 1823, sau 12 năm làm việc ở Bắc Thành, Lê Đại Cương được triều đình điều vào Quảng Nam lãnh chức Cai bạ “Lấy Thiêm sự Binh bộ chuyên biện việc từ chương ở Bắc Thành là Lê Đại Cương làm Cai bạ Quảng Nam” (Đại Nam thực lục, Tập Hai, tr.275).

- Lần thứ 2 trở lại Bắc Thành (7/1827 -11/1827) Lê Đại Cang phụ trách việc xét án.

Lê Đại Cang ngày càng có uy tín. Khi việc xử án ở Bắc Thành nhiều và chậm trễ, nên năm Minh Mạng thứ 8 (7/1827), vua Minh mạng cử làm khâm sai ra Bắc thành xem xét xử các vụ án hình tồn đọng: “Sai thự Hữu Tham tri Hình bộ là Lê Đại Cương, mang cờ bài và đem hai người liêu thuộc đi Bắc Thành xem xử hình ngục. Bắc Thành gần đây bị vỡ đê, bọn tào trưởng Vũ Xuân Cẩn phải đi phát chẩn, việc án để đọng, không thể chóng làm xong được. Để đọng một ngày thì dân chịu khổ một ngày, ngươi nên thanh lý cho chóng. Hết thảy các án kiện giao cho, cùng án mạng án cướp trong hạt, đến tháng 11 phải xét xử xong. Còn như tạp án tầm thường thì do thành xét xử, đến cuối năm phải xong cả, khiến tào không có án để đọng, ngục không có tù giam lâu, để đáp ý trẫm cẩn thận việc ngục thương xót việc hình” (Đại Nam thực lục, Tập Hai, tr.662)… Đúng thời hạn vua giao hoàn thành nhiệm vụ, tháng 11/1827 Lê Đại Cang từ Bắc Thành trở về Kinh phục mệnh.

- Lần thứ 3 trở lại Bắc Thành (9/1828-10/1832): Vâng lệnh vua, tháng 9/1828, Lê Đại Cang trở ra Bắc lần thứ 3 và nhận nhiệm vụ phụ trách quản lý Nha đê chính Bắc thành. Trước khi ông lên đường, vua Minh Mạng dụ rằng: “Sai Hữu Tham tri Hình bộ là Lê Đại Cương sung chức quản lý Đê chính, Vệ uý vệ Cường võ Ngô Tiến Đức sung chức Tham biện, Tri phủ Thiên Trường là Nguyễn Lý Nhân làm Viên ngoại lang ty Thận cần Đê chính”, “Việc chống lụt quan hệ rất lớn. Ngươi là người biết lẽ, trước kia việc hình ngục ở Bắc Thành, ngươi đến nơi là làm xong ngay. Nay trách nhiệm về Đê chính càng nặng nề. Lần này đi, nên hết lòng xếp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng êm sóng thì công ấy chẳng nhỏ đâu”. Vua lại nói : “Ngày trước Văn thư phòng là Trần Văn Trung xin theo Đê chính làm việc, trẫm đã y cho, nhưng chưa biết y làm việc thế nào. Ngươi xét kỹ xem, nếu quả là người siêng năng được việc thì lập tức tâu lên, không được như thế thì nên xét hoặc trị tội. Phàm việc biết người, từ xưa vẫn cho là việc khó. Trẫm thường dặn rằng vì không biết rõ người nên dùng thường lầm. Như Trương Văn Minh cũng là người siêng năng cẩn thận. Năm trước Thanh Nghệ nhiều giặc, cho đi xét bắt cả cõi được yên. Lại phải đi đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, cũng làm xong việc. Đến lúc uỷ cho trọng trấn Bắc Thành thì sinh lòng tự mãn, kiêu căng, công việc làm sai lầm. Là một Trương Văn Minh mà trước sau hai người khác nhau. Thế thì biết người cũng chẳng khó lắm ư ?” (Đại Nam thực lục tập 2, tr.774).

Đảm nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ông đã được tôn danh là “vua đê” Bắc Hà. Đại Nam thực lục là những cứ liệu quan trọng được ghi đầy đủ về “Vua đê” Bắc Hà. Ông như một Tổng công trình sư và nhà khoa học đê điều xuất sắc. Lê Đại Cang đã tiến hành khảo sát và bắt tay vào công việc sửa đắp, khơi đào nạo vét lòng sông và xây dựng các tuyến đê mới thuộc hệ thống đê điều của 2 dòng sông đặc biệt qua trọng ở Bắc thành là sông Nhị Hà (sông Hồng) và sông Ngũ Huyện Khê. Ngoài ra, trong quá trình khảo sát hầu như toàn bộ đê điều của 5 trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương và phủ Hoài Đức, ông đã ghi chép cụ thể hiện trạng của các tuyến đê rồi biên soạn thành sách “Tổng kê”. GS Hoàng Chương có lý khi nhận định về Lê Đại Cang: “Có thể nói, đó là cả một cuộc chiến đấu vĩ đại với giặc “nước” của quân dân Bắc thành và Hà Nội”. Lê Đại Cang xuất hiện trong cuộc chiến đê điều Bắc Hà như là một vị tư lệnh anh hùng. Câu đối “Đê tồn Cang tại/ Đê hoại Cang vong” do Lê Đại Cang tự đề trên công trường Nha Đê chính ở cửa Nam đã thể hiện ý thức sống chết để hoàn thành nhiệm vụ của ông.

Tháng 10/1831, Lê Đại Cang có hai niềm vui:

Thứ nhất, ông được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc Thành: “Triệu Đô thống thự Hậu quân ấn vụ, lĩnh Phó tổng trấn Bắc Thành Phan Văn Thuý về Kinh sung chức. Sai bọn Chưởng cơ Lê Văn Quý, Hình tào Tham tri Lê Đại Cương, Hộ tào Tham tri Đặng Văn Thiêm và kiêm biện Binh tào Nguyễn Văn Mưu cùng nhau quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc Thành. Khi có việc tâu báo chuẩn cho đều hội hàm cùng ký tên vào tờ tâu” (Đại Nam thực lục, Tập Ba, tr.220).

Thứ hai, Lê Đại Cang được thăng chức thự Binh Bộ Thượng thư, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, Tuần phủ Sơn Tây: “Cho Tham tri lĩnh Hình tào Bắc Thành Lê Đại Cương thăng thự Binh bộ Thượng thư, làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên lĩnh Tuần phủ Sơn Tây” (Đại Nam thực lục, Tập Ba, sđd, tr.242)…

- Lần thứ 4 trở lại Bắc Thành (7/1841-10/1842): Tháng 9/1831, triều đình mở khoa thi Hương ở Bắc Thành, Nam Định và Thanh Hóa, Lê Đại Cang được cử làm chủ khảo trường Bắc Thành: “Sai thự Hộ bộ Hữu tham tri Bùi Phổ làm chủ khảo trường Thanh Hoa, thự Hiệp trấn Hải Dương Hoàng Tế Mỹ làm phó chủ khảo; Hình bộ Hữu tham tri lĩnh Bắc Thành Hình tào Lê Đại Cương làm chủ khảo trường Bắc Thành, thự Hiệp trấn Nam Định là Nguyễn Khắc Hài làm phó chủ khảo, Hiệp trấn Nghệ An là Hồ Hựu làm chủ khảo trường Nam Định, Hiệp trấn Ninh Bình là Nguyễn Khắc Biểu sung làm phó chủ khảo. Lấy 61 người đỗ cử nhân” (Đại Nam thực lục, tập 3, tr.211).

Cao Bá Quát là một trong số hơn 20 người đỗ cử nhân ở trường thi này. Uy tín tài năng, đức độ ngày càng cao. Tháng 10/1831, ông được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc Thành và thăng làm thự Binh bộ Thượng thư, Đô sát viện Hữu đô ngự sử, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên kiêm Tuần phủ Sơn Tây.

Thứ ba, một kẻ sĩ trên tuân mệnh vua, dưới cốt an dân

Lê Đại Cang là một kẻ sĩ trên tuân mệnh vua, dưới cốt an dân, chỉ với một mục đích vì dân vì nước “Vâng mệnh ra Bắc vào Nam, rong ruổi không ngừng… Và vì nước quên nhà, vì việc công quên việc riêng là tiết tháo của kẻ làm tôi”.

Điều đặc biệt không chỉ với dân nước mình mà người dân láng giềng lân bang - Cao Miên cũng được hưởng hồng phúc từ tấm lòng nhân ái không biên giới của ông. Nói như nhà thơ Thanh Thảo “hành xử của Lê Đại Cang xứng đáng để những nhà chính trị và ngoại giao đời nay học tập”.

Thứ tư, vị quan chính trực, trung thực và thẳng thắn, nhất là với nạn tham nhũng

Là vị quan thương dân, một lòng vì dân, vì nước. Khi được giao việc, ông làm việc với trách nhiệm cao nhất. Lê Đại Cang nổi tiếng là một kẻ sĩ liêm chính, cương trực, một tấm gương “tôi trung, con hiếu”; chất khí khái của kẻ sĩ; một nhân cách văn hóa, lối ứng xử văn hóa đáng tôn vinh.

Bản lĩnh của Lê Đại Cang đã thể hiện rất rõ khi làm quan triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng nhưng ông không ngần ngại đưa tiểu sử người chú Lê Công Miễn từng làm quan triều Tây Sơn vào cuốn gia phả dòng họ. Với gần 3 trang giấy, Lê Đại Cang đã ghi chép khá rõ ràng, rành mạch và nhất là thể hiện rất rõ sự tôn kính: “Chí tháo của ông ôn hòa, chất phác, sở học của ông tìm chỗ sâu kín của thánh hiền, tác phẩm của ông viết gồm có: Bản tác nguyên, Quần thư mục lục. Các sách của ông không sách nào không lịch lãm. Đời ông không làm điều gì cẩu thả, không nói đùa...” như Lê Đại Cang thì không mấy ai dám làm.

Con người ông chính trực nên chả phải lụy ai. Mang phẩm chất, tiết tháo của bậc hiền nhân quân tử, ông luôn khẳng khái thể hiện thái độ, chính kiến của mình mà không khuất tất, né tránh. Lê Đại Cang không chỉ là người nghĩa khí mà còn là người tuyệt đối trung thực. Sự trung thực của Lê Đại Cang đã được nhà thơ Thanh Thảo nhận xét sâu sắc: “từ “vực thẳm” khiêng võng cho quan (có thể là quan nguyên ở dưới quyền mình) vượt lên, trở lại những vị trí trách nhiệm rất cao để tiếp tục phục vụ nhân dân, phụng sự triều đình. Ông không một chút oán thán, cứ “mình làm mình chịu” không dập đầu kêu oan, cũng chẳng cần phải “chạy” như nhiều quan chức ngày nay “chạy” mỗi khi những tội lỗi của mình bị phát hiện”. Lê Đại Cang trung thực và thẳng thắn, nhất là với nạn tham nhũng. Đó là năm 1827, khi đang giữ chức Hữu Tham tri Hình bộ, ông được vua Minh Mệnh giao nhiệm vụ làm quan Khâm sai thay mặt nhà vua đem cờ bài và 20 người liêu thuộc đi Bắc thành thẩm tra, thanh lý việc xét xử hình ngục ở đó. Khi trở về Kinh, Lê Đại Cang đã báo cáo trung thực kết quả với nhà vua, đặc biệt nạn tham nhũng phổ biến trong tầng lớp quan lại thuộc bộ Hình. Ngoài một số ít quan còn tương đối thanh liêm, thì hầu hết số quan lại đều dính vào vấn nạn đó. Sách “Đại Nam thực lục” (tập 2, tr.680) đã viết “Cương nhân tâu rằng: Viên dịch Hình tào nhiều người tham nhũng, thần xét ra được hơn mười người, có đủ thực trạng, còn người ngày đêm cần cù có ích cho Hình tào thì chỉ có vài ba người thôi”. Nhậm chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên kiêm Tuần phủ Sơn Tây, ông nổi tiếng chính sự giỏi. Gặp nỗi bất bằng, ông không dung tha. Gặp kẻ ác, ông ra tay trừng trị để làm gương cho dân tuân thủ phép nước. Tháng 11/1831, Lê Đại Cang ra lệnh chém đầu kẻ phóng hỏa đốt nhà người khác. Sau vụ việc đó, ông bị vua phạt 1 năm bổng. Rồi ông đã từng bị dân hạt Sơn Tây kiện tội tham nhũng, nhưng rất may vị vua đã cho điều tra, xem xét kỹ càng. Khi biết Lê Đại Cang không có tội, vua đã triệu ông về kinh: “Người làm việc nhanh, giỏi, trẫm đã chọn biết. Việc tiểu dân kiện, xét ra là kiện vu, thì tâm tính của ngươi đã rõ rồi. Đại thần vì nước nên hết sức làm việc nên làm”. Vì thế, không những không bị giáng chức mà tháng 7/1832, Lê Đại Cang nhận chức kiêm lĩnh Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình. Tháng 10/1832, ông được triệu về kinh và sau một tháng, ông được giao làm Tổng đốc An Giang - Hà Tiên, kiêm lĩnh ấn Bảo hộ Chân Lạp quốc.

Thứ năm, bậc quốc sĩ luôn được tin dùng dẫu cuộc đời bao nỗi thăng trầm

Các bộ chính sử triều Nguyễn, như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện… đã ghi chép khá rõ con đường hoạn lộ của Lê Đại Cang. Hơn 40 năm ở chốn quan trường, ông đã từng trải qua nhiều phen thăm trầm với 20 lần thăng quan, khoảng năm lần bị bãi chức và còn đối mặt với cái án “trảm giam hậu” của vua Minh Mạng.

Khởi nghiệp quan lộ bắt đầu ở tuổi 31 với chức quan Tri huyện huyện Tuy Viễn kéo dài suốt 41 năm cho đến tuổi “thất thập cổ lai hy” cộng 2 (72 tuổi), Lê Đại Cang mới được vua chuẩn y cho nghỉ hưu. Triều đình nhà Nguyễn lúc đó có 6 bộ, ông đều kinh qua và ở lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn cùng đóng góp quan trọng. Lê Đại Cang cũng để lại nhiều công tích tại Hà Nội, Sơn Tây, các tỉnh Tây Bắc, Quảng Nam, An Giang, Hà Tiên…; trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, giáo dục, văn hóa, ngoại giao… Sự kiện này, ông đã viết trong “Gia phả họ Lê” “Năm Tân Dậu (1801), gặp lúc Thế tổ Cao Hoàng đế (vua Gia Long) đánh chiếm kinh thành, giao cho Hữu quân bình Tây tướng quân Quận công Nguyễn Huỳnh Đức và Hình bộ Tham tri Nguyễn Hoài Quỳnh trấn thủ thành Quy Nhơn. Hai ông hỏi thăm biết tôi có tiếng tăm (nhân thủ thời danh), chẳng nề là danh tiếng hão huyền, bèn tiến cử tôi với triều đình, lúc này tôi đã 31 tuổi” (Đại Nam thực lục, tập 2, tr.680).

Lê Đại Cang bậc danh nhân song toàn văn võ. Ông đóng góp cho nền văn học Việt Nam thế kỷ XIX những bộ sách nổi tiếng như: “Nam hành”, “Tục Nam hành”, “Tĩnh ngu thi tập”. Là bậc quốc sĩ, ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, như Quyền tổng trấn Bắc Thành, Thượng thư bộ Binh kiêm Hữu đô Ngự sử Đô sát viện, Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên kiêm Hà Nội - Ninh Bình Tổng đốc sự vụ, Tổng đốc liên tỉnh An Giang - Hà Tiên kiêm Bảo hộ Cao Miên quốc ấn...

Lê Đại Cang bắt đầu được các vị quan triều Nguyễn tiến cử ra làm quan Các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị đều tỏ ra tin tưởng, giao cho ông nhiều trọng chức tại Thăng Long - Hà Nội. Ở tuổi 65 (1836), Lê Đại Cang đã xin về hưu, nhưng vua Minh Mạng không những không chuẩn y mà còn châu phê cho bốn chữ “Lão đương ích tráng” (老當益壯) và dụ gắng sức ở lại làm việc. Ông tiếp tục làm Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần. Năm 1842, ông được giao làm Bố chánh sứ Hà Nội và đến tháng 10 cùng năm, khi tròn 72 tuổi, ông xin về hưu, được vua Thiệu Trị chuẩn y.

Thứ sáu, là giữ vững niềm tin từ chính nghịch cảnh cuộc đời

Trong giai đoạn binh nghiệp đầy bi hùng của Lê Đại Cang có hai biến cố lớn:

Thứ nhất, vào năm 1833, Lê Đại Cang từ một đại quan văn bị cách chức thành lính khiêng võng, phải ra trận đi đầu lập công chuộc tội. Hiện nay, chiếc đòn khiêng võng này đã được giao cho Bảo tàng Tổng hợp Bình Định lưu giữ, trưng bày. Xúc động trước hình tượng này, nhà thơ Thanh Thảo đã viết trường ca ”Người khiêng võng” với những câu thơ xúc động.

Thứ hai, vào năm 1839, khi đang là tham tán đại thần bảo hộ Cao Miên, ông lại bị cách chức; bị vua Minh Mạng khép vào tội “trảm giam hậu”: “Đại Cang tội cách hiệu, sao dám tôn mình là đại tướng? Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận” (Theo “Quốc triều chính biên toát yếu).

Từ sự việc trên ta thấy, khi bị bắt lỗi, bị giáng chức, Lê Đại Cang bình tĩnh, kiên nhẫn nhìn nhận lại mình để nhận lỗi. Tuyệt nhiên, ông không bao giờ ông đổ lỗi cho người khác, không “chạy” để thoát tội và cách hành xử thông minh nhất của ông “lập công chuộc tội” bằng chính quyết tâm, nghị lực của mình. Lê Đại Cang đã bộc bạch tình cảnh trước biến cố lớn này trong lời dẫn “Lê thị gia phả” như sau: “Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vừa nhậm chức được năm tháng thì Phiên thành (chỉ thành Gia Định) có loạn, giặc chiếm cứ lan tràn đến các tỉnh Định Biên, Long Tường, một mình tôi điều động binh thuyền chống cự ở vùng An Hà tiếp giới, thế giặc liều lĩnh điên cuồng, đành phải rút lui về Châu Đốc để chờ viện binh của triều đình. Một đêm binh sĩ tứ tán khó bề cố thủ. Tôi nghĩ, muốn được chữ nhân thì việc sống chết phó cho trời, chi bằng lập kế sách thu hiệu quả về sau, giành lại các vùng đất bị mất. Tôi bèn dẫn mấy mươi người tùy tùng lánh vào đất Chế Lăng của Cao Miên, chiêu tập thêm người Việt xiêu tán cùng người Miên, gần hai ngàn người quyết chí theo tôi. Tôi huấn luyện kỹ càng biến dân ô hợp thành đội quân chính qui, nuôi chí triêm cừu, cùng sống với họ như con em. Đoạn, theo đường Long Tường kéo binh về tỉnh An Giang, giao chiến với giặc tại Lô Tư, đánh vào Cẩm Đàm. May gặp quân triều ở đấy, giặc liều chết giữ cô thành Gia Định. Tôi cùng các đạo quân ta chia các nẻo tấn công vào những nơi chúng chiếm cứ. Cuộc đời đã trải qua của tôi chưa hề gặp sự gian hiểm nào như lúc này. Nhưng gánh nặng biên cương, sự thất bại ở góc trời Đông để mất thành An Giang trước đây tội không nhẹ. Thánh chỉ đến cách chức tôi nhưng cho “Đái lãnh binh dõng quân tiền hiệu lực” (lãnh binh dõng ra trận phải đi trước lập công chuộc tội), tôi tuân chỉ. Sau một tháng thì được phục chức Binh bộ Viên ngoại lang kiêm Phó lãnh binh. Rồi dần dần phục hồi chức Án sát sứ, rồi Bố chính sứ, kiêm Lãnh binh. Trong vòng ba bốn tháng mà được ơn vua ban dày đặc như vậy cho nên khó nhọc mấy tôi không nề hà”…

Thêm nữa, Lê Đại Cang là người sẵn niềm tin trong mọi hoàn cảnh, thậm chí là nghịch cảnh. Vì thế, dẫu bị cách chức, thậm chí đối mặt với “trảm giam hậu”, buộc phải làm lính khiêng võng, phải đi tiên phong giữa trận tiền như một dạng “lao công đào binh”... thì ông vẫn tin vào vào chính mình: con người ngay thẳng, chính trực, không luồn cúi, không bao biện, không vấy lỗi; và niềm tin vào sự sáng suốt của công lý.

Hai sự kện trên giúp hậu thế hiểu rõ hơn bản lĩnh và nhân cách của Lê Đại Cang. Từ một người là lính khiêng võng uy tín, sức thuyết phục từ ông đã thu phục nhân tâm khiến người khác quy tụ dưới ngọn cờ lệnh của mình. Hơn ai hết, ông là người tài năng và đức độ; hiểu thấu tận cùng nỗi khổ của dân đen. Ngoài những việc làm cụ thể với tất cả ý thức trách nhiệm về công vụ, với lòng yêu nước thương dân sâu xa và cả lòng nhẫn nhịn phi thường trên cơ sở đại lượng, hiểu thấu sự đời và lòng người như một trong những biểu hiện của Phật tính. Cái bí quyết thành công để “huấn luyện kỹ càng biến dân ô hợp thành đội quân chính quy” cụ kể lại thật chân chất, cảm động cho thấy nó có sức thuyết phục[2].

Thứ bẩy nhân cách văn hóa được dung dưỡng trong gia đình có sự kết hợp của hai vùng đất “Địa linh nhân kiệt”: Nguyên quán - Nghệ An, Tổ quán - Bình Định

Hai vùn đất “địa linh nhân kiệt” nguyên quán (Nghệ An) và tổ quán (Bình Định) đã kết hợp làm nên phẩm tính, tư chất con người dòng họ Lê của Lê Đại Cang. Thêm nữa, dù “Hành phương Nam” từ thế kỷ XVII, nhưng dòng họ Lê của Lê Đại Cang vẫn giữ nguyên những tính cách ưu trội của người xứ Nghệ với ý chí vượt khó khăn, khắc phục hoàn cảnh, giàu chí tiến thủ, vươn lên; tinh thần hiếu học đến mức “khổ học”, cầu học vì có ý chí thành danh bằng con đường học vấn; Khí khái, thẳng thắn, chân thực trong ứng xử xã hội…

Lê Đại Cang (hay Lê Đại Cương) sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, có truyền thống học hành, khoa cử và có nhiều người đỗ đạt làm quan ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lê Đại Cang (chữ Hán 黎 大 綱) mang cái tên đẹp, cái tên tiết lộ số phận, khí chất, phẩm tính, tư chất, bản lĩnh, con người bậc Nho sĩ tài danh. Cùng với tên tự là Thống Thiện, hiệu là Kỳ Phong giàu ý nghĩa đã góp phần làm đẹp hơn cái tên Lê Đại Cang.

Theo gi phả dòng họ Lê (nguyên bản chữ Hán), thủy tổ họ Lê là ông Lê Công Triều ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định từng làm quan triều Lê. Từ Nghệ An, Lê Công Triều đã theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp tại Bình Định “Thủy tổ là Lê Công Triều, gốc Thừa tuyên Nghệ An, phủ Hà Hoa, huyện Kỳ Hoa, phường Hà Tân, làm quan nhà Lê có công. Vừa lúc Thái Tổ Hoàng đế dời vào Thuận Hoá khai cơ, ông đem gia quyến theo, đến ở phường Trung An, xã Lê Dương, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Ninh…” (Lê Thị gia phả. tr. 80). Tôi đồ rằng hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” nguyên quán (Nghệ An) và tổ quán (Bình Định) đã kết hợp làm nên phẩm tính, tư chất con người dòng họ Lê của Lê Đại Cang. Thêm nữa, Lê Đại Cang sinh ra ở Huế (1771) và có hơn 10 năm (1776-1786) theo cha học ở Huế, nên ông được vun bồi thêm tố chất của mảnh đất kinh kỳ và con người xứ Huế trầm lặng mà lắng sâu sắc... Dòng họ Lê làng Luật Chánh luôn có một niềm tự hào chính đáng về những con người xuất thân trong dòng họ này đã đỗ đạt, làm quan thời các chúa Nguyễn, Tây Sơn, triều Nguyễn và cả hậu thế thời nay. Đó là thủy tổ Lê Công Triều từng làm quan nhà Lê. Thượng thư bộ Hình triều Cảnh Thịnh Lê Công Miễn (1739 - 1800) - đời thứ 6 họ Lê, là thầy học của hai vua Thái Đức và Cảnh Thịnh (nhà Tây Sơn). Là người cháu ruột của ông là Lê Đại Cang từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong suốt hơn 40 năm trải qua ba triều vua nhà Nguyễn: Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820 - 1841) và Thiệu Trị (1841-1847). Đó là người chắt của ông - Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang vừa vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017 với những tác phẩm: “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng” và “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”. 

Mồ côi cả cha lẫn mẹ, với bản lĩnh, ý chí, nghị lực vươn lên, Lê Đại Cang đã nỗ lực vun bồi tri thức cho mình bằng con đường khổ học. Với ông, học trước hết là để làm người, muốn có kiến thức phải thực học và tự học. Trong “Lê thị gia phả”, ông đã thể hiện quan điểm của mình coi trọng việc học hành: “Người xưa lên 8 tuổi vào tiểu học, dạy cho biết yêu cha mẹ, kính trọng người lớn. Lên 10 tuổi vào đại học, tập cho quen đạo tề gia trị quốc. Muốn học nhiều phải tuần tự, để kịp thời thi thố”. Năm 1787, ông được học quan Thị giảng triều Tây Sơn Nguyễn Tử Nghiễm; học thầy Đặng Đức Siêu (sau làm Thượng thư bộ Lễ của triều Nguyễn). Sau khi cha mẹ mắc bệnh hiểm nghèo rồi lần lượt qua đời, chàng trai bén tuổi 21 phải xin phép thầy Đặng Đức Siêu dừng việc học hành để kiếm sống. Vừa dạy học, ông vừa tiếp tục tự học cả văn và võ tại quê nhà. Ông tự thuật con đường học vấn của mình “Cuộc đời tôi vốn nghiệp nho, xưa tiên nghiêm (cha) tôi đi dạo chơi ở Trường An (kinh đô Huế) lúc tôi lên ba tuổi chính là lúc nước nhà lộn xộn, người phía Bắc (chỉ quân Trịnh) vào chiếm kinh thành, đất nước sóng to gió lớn, đường nghẽn Bắc, Nam, hơn mười năm lánh giặc, tuy trong là nương tựa gia đình dạy bảo về thi lễ nhưng ngoài thì thiếu ngọn gió Xuân (ý nói chưa gặp được thầy giỏi để học) mãi đến tuổi thiếu niên chỉ có tự học mà thôi. Gọi là tuần tự mà học thì đã không kịp thời. Kế đó Tây Sơn đuổi quân Bắc (Trịnh) vào năm Đinh Mùi, cha tôi dẫn về quê nhà, lúc tôi 16 tuổi, lần đầu tiên học quan Thị giảng họ Nguyễn (tức Nguyễn Tử Nghiễm, thời Tây Sơn làm quan Thị giảng, cha của Nguyễn Tử Diệu - Thượng thư Bộ hình của bản triều) rồi học văn tiên sinh họ Đặng (Đặng Đức Siêu, Thượng thư Bộ Lễ của bản triều). Trong vòng năm sáu năm quên ăn quên ngủ, gặp được bạn văn giỏi liền theo học hỏi, bất chấp tiếng cười chê bai…”[3]. Sau hơn 40 năm làm quan với bao thăng trầm lận đận, ông lại trở về quê hương Tuy Phước (Bình Định) khôi phục từ đường họ Lê ở làng Luật, lập chùa Giác Am (nay là chùa Bảo Thọ) tu tâm dưỡng tính lấy hiệu là Giác Am cư sĩ, lập văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp văn nhân Tuy Phước, Quy Nhơn cho đến khi rời cõi tạm ở tuổi 76 (ngày 24/8 Âm lịch năm 1847).

Các nhà sử học đánh giá Lê Đại Cang chính là sự kết tinh của hào khí linh thiêng, của hai vùng đất địa linh nhân kiệt và phẩm chất gan góc kiên cường của người Bình Định.

Lê Đại Cang là một danh nhân lịch sử văn võ song toàn thời Nguyễn đã có những đóng góp được sử sách ghi nhận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa; nổi tiếng là một kẻ sĩ liêm chính, cương trực… Với 76 năm cuộc đời, Lê Đại Cang đã đạt được một sự nghiệp đáng nể trọng, xứng đáng trở thành danh nhân lịch sử của Việt Nam, trong đó gần 20 năm, Nho tướng Lê Đại Cang đã có đóng góp lớn cho Bắc thành trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao... và nhờ đó thân thế, sự nghiệp của bậc quốc sĩ Lê Đại Cang tỏa sáng không chỉ thời ông sống mà còn lan tỏa cái đẹp cho hậu thế hôm nay.

TS. Lê Thị Bích Hồng

 

---------------

* Bài viết sử dụng tư liệu và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

[1] Dẫn theo Nguyễn Phương Chi “Chính sử triều Nguyễn ghi chép về Lê Đại Cương” (Lê Đại Cang - Nhân cách bậc quốc sĩ”, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2013).

[2] Nguyễn Hữu Tâm “Lê Đại Cang (Cương) với Thăng Long - Hà Nội.

[3] Lê Đại Cang - Võ nhân Bình Định - http://www.baobinhdinh.com.vn/642/2004/2/8746/

NỔI BẬT TRANG CHỦ