(Tổ Quốc) - Trong hàng thế kỷ, chiến lược của Trung Quốc là xây dựng những con đê dọc bờ sông để ngăn lũ tràn vào các khu vực sinh sống của người dân hai bên. Với hơn 32.200km đường đê, Trung Quốc hiện là một trong những nước có hệ thống đê điều dài nhất thế giới.
Từ đầu năm đến nay, miền Nam Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều thiên tai mưa lũ do lượng mưa cao gấp đôi so với năm trước. Chính những đợt mưa kéo dài này đã khiến sông Trường Giang, con sông dài nhất nước, bị quá tải gây lũ lụt tại trung và hạ du.
"Bình thường mùa mưa sẽ chỉ kéo dài 24 ngày, nhưng năm nay chúng kéo dài đến 43 ngày tại miền nam Trung Quốc", chuyên gia thời tiết Xiquan Dong của trường đại học Arizona nhấn mạnh.
Dẫu vậy, trận lụt năm nay vẫn chưa thể so sánh với thời điểm năm 1998, giai đoạn khiến nhiều chuyên gia phải đánh giá lại các chiến lược tưới tiêu phòng lũ cùng ảnh hưởng của chúng đến tự nhiên, qua đó kích thích các chương trình trồng cây, giữ nước giữ đất.
"Mùa mưa năm nay nhiều hơn năm 1998 nhưng ảnh hưởng lũ lụt lại ít nghiêm trọng hơn", Giáo sư chủ nhiệm Junguo của trường đại học Khoa học Kỹ thuật Môi trường thuộc Đại học Khoa học Công nghệ Phương Nam tại Thâm Quyến-Trung Quốc nhận định.
Số liệu chính thức cho thấy trận lũ năm nay tại Trung Quốc khiến 158 người chết hoặc mất tích, hơn 400.000 ngôi nhà bị phá hủy. Con số này thấp hơn so với hơn 3.000 người chết và 15 triệu người mất nhà cửa của trận lũ năm 1998.
Trung Quốc cho rằng trận lũ năm 1998 là do mưa lớn bất thường, phá rừng tràn lan cùng lượng dân cư tập trung qua đông tại vùng ven sông Trường Giang cùng các phụ lưu khiến dòng sông bị ảnh hưởng.
Giáo sư Liu cho biết trận lụt năm 1998 đã khiến chính quyền Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về chiến lược chống lụt. Vào năm 2007, chiến lược chống lụt mới của nước này được đưa ra nhằm chuyển trọng tâm sang các giải pháp dựa vào thiên nhiên để quản lý lũ lụt hơn là đối đầu trực tiếp.
"Rõ ràng đây là bước ngoặt quan trọng trong chính sách của chính phủ Trung Quốc về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên", Giáo sư Liu cho biết.
Trồng rừng
Trong hàng thế kỷ, chiến lược của Trung Quốc là xây dựng những con đê dọc bờ sông để ngăn lũ tràn vào các khu vực sinh sống của người dân hai bên. Với hơn 32.200km đường đê, Trung Quốc hiện là một trong những nước có hệ thống đê điều dài nhất thế giới.
Tuy nhiên những con đê này cũng ngăn các bãi bồi phát triển, buộc nước chảy xiết khiến lòng sông sâu hơn và tạo áp lực lớn lên thành đê. Hậu quả là khi đê cũ không chống lại được các trận mưa lớn, thảm hỏa lũ lụt sẽ nghiêm trọng hơn.
Với mục đích giảm tải cho hệ thống đê, Trung Quốc đã thực hiện các dự án tái sinh hệ sinh thái, trồng hàng tỷ cây xanh nhằm ngăn nước trên thượng nguồn đổ ra sông, đồng thời giữ lại nước trên các vùng núi.
Theo Giáo sư Liu, tùy thuộc vào bối cảnh mà việc trồng cây xanh có thể giúp giảm lũ tới 30%. Ngoài ra chính phủ còn thực hiện các dự án thành phố "bọt biển" (Sponge Cities), qua đó gia tăng diện tích cây xanh trong đô thị cũng như hệ thống vỉa hè thoát nước, qua đó hấp thụ bớt nước mưa trong mùa lũ.
Khôi phục bãi bồi
Bên cạnh đó, Chuyên gia Jeff Opperman của Quỹ động vật hoang dã thế giới cũng nhận định rằng Trung Quốc hiện đang tập trung khôi phục lại bãi bồi ven sông Trường Giang, vốn là khu vực hay gây lũ lụt, nhất là tại vùng hạ du.
Theo Opperman, cách tốt nhất để bảo vệ người dân khỏi lũ lụt là di dời họ khỏi các bãi bồi ven sông và để nước sông tràn bờ tự nhiên. Thậm chí lý tưởng nhất là chính phủ nên có chính sách cấm người dân tụ tập sinh sống tại các bãi bồi ven sông ngay từ đầu.
Sau trận lũ lịch sử năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã thuyết phục được 2,4 triệu người di dời, qua đó trả lại gần 2.600 km2 bãi bồi ven sông Trường Giang.
Tuy nhiên việc trồng cây và tạo các thành phố bong bóng chỉ hấp thu có hạn lượng nước mưa đổ ra sông còn việc khôi phục bãi bồi lại bị hạn chế. Chuyên gia David Shankman của trường đại học Alabama nhấn mạnh rằng việc thuyết phục hàng chục triệu người dân di chuyển khỏi bãi bồi dọc sông Trường Giang là điều bất khả thi bởi đây là trung tâm trồng lúa của cả nước.
Rất nhiều gia tộc trong số đó đã sống vài thế hệ và không dễ gì thuyết phục được họ rời bỏ quê hương. Thậm chí trong những năm trở lại đây, sự gia tăng người dân tại các bãi bồi dọc sông còn khiến những vùng có khả năng dự trữ nước lũ thiết yếu bị thu hẹp, qua đó khiến các trận lụt ngày một tồi tệ hơn.
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD xây dựng các con đập trên sông Trường Giang và chúng đã phần nào điều tiết lượng nước. Ví dụ như đập Tam Hiệp hoàn thành vào năm 2006 đã giúp điều tiết 30% lượng nước sông Trường Giang năm nay. Tuy nhiên dự án này cũng gây tranh cãi khi khiến 1,3 triệu người dân phải di dời.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về hiệu quả của con đập. Thậm chí một số người lo ngại rằng các con đập sẽ gia tăng áp lực dòng chảy của sông và khiến các trận lũ tệ hại hơn.
Thời kỳ "bình thường mới" của lũ
Chuyên gia Dong của trường đại học Arizona cho biết biến đổi khí hậu sẽ khiến lượng mưa cao hơn bình quân dọc sông Trường Giang trở thành "bình thường mới".
"Thay đổi thời tiết sẽ khiến nhiệt độ nước biển đi lên, qua đó hình thành hơi nước nhiều hơn ở miền nam Trung Quốc. Do đó những thiên tai như lũ lụt cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn", Chuyên gia Dong cảnh báo.
Nhiều nghiên cứu trong 10 năm qua cũng minh chứng cho cảnh báo của Chuyên gia Dong. Sự thay đổi về lượng mưa theo mùa đã ảnh hưởng đến nhiều hệ thống chống lũ của các con sông lớn trên thế giới.
Đồng quan điểm, Chuyên gia Cecilia Tortajada của trường đại học Singapore cảnh báo các nước nên chuẩn bị cho bối cảnh mà lũ lụt sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Tình hình sẽ ngày càng trở nên khó khăn khi nhiệt độ trái đất đi lên.
"Lũ lụt sẽ không biến mất đâu. Bạn phải lên kế hoạch cho nó bởi đây sẽ là điều ‘bình thường mới’", Chuyên gia Cecilia cảnh báo.