• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài học từ Trung Quốc: Người dân ngại điều trị nếu phải trả tiền chữa Covid-19

Thế giới 11/03/2020 14:31

(Tổ Quốc) - Những người có thu nhập thấp sẽ phần nào ngại ngần điều trị nếu họ phải đối mặt với chi phí chăm sóc sức khỏe, điều làm cho dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Theo trang SCMP, khi virus corona tiếp tục lan rộng khắp thế giới, Trung Quốc có một bài học quan trọng đối với các chính phủ khác trong việc chống lại căn bệnh này - hãy sẵn sàng trả tiền để bệnh nhân không phải ngại ngần về chi phí khi làm xét nghiệm và điều trị.

Vi rút corona- nguyên nhân gây ra căn bệnh có tên là Covid-19 - đã lan rộng đến hơn 100 quốc gia, với Italy, Iran và Hàn Quốc nổi lên như những ổ dịch với lượng ca bệnh đang gia tăng liên tục.

Với hàng nghìn trường hợp nhiễm bệnh, Italy vượt qua Hàn Quốc để trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu báo cáo nhiều trường hợp được xác nhận nhiễm virus này hơn khi các cơ quan y tế đã xóa bỏ một số hạn chế về việc giới hạn khả năng xét nghiệm loại bệnh truyền nhiễm này.

Nhưng tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát, Covid-19 đang suy yếu dần, chỉ có 19 trường hợp nhiễm mới vào thứ ba.

Tập trung nguồn lực đối phó Covid-19

Việc xét nghiệm virus corona được báo cáo là có giá khoảng 370 NDT (53 USD) tại Trung Quốc. Và tại thành phố phía nam Thâm Quyến, chi phí điều trị bệnh trung bình dao động từ 23.000 NDT cho bệnh nhân cao tuổi đến khoảng 5.600 USD cho trẻ vị thành niên, tạp chí Quản lý Bệnh viện Trung Quốc đưa tin ngày 28/2.

Bài học từ Trung Quốc: Người dân ngại điều trị nếu phải trả tiền chữa Covid-19 - Ảnh 1.

Tỉ lệ nhiễm mới virus corona ở Trung Quốc ngày càng giảm mạnh. Ảnh: Xinhua.

Một số phương pháp điều trị của đất nước này như oxy máu qua màng ngoài cơ thể - oxy hóa máu của bệnh nhân trong một thời gian hạn chế - rất tốn kém nhưng tất cả đều được chính phủ chi trả. Chính phủ nước này đã dành 110,48 tỷ NDT để điều trị, trợ cấp cho nhân viên y tế và trang thiết bị y tế.

Tại Mỹ, nơi số ca nhiễm Covid-19 đang tiếp tục leo thang, sự lo lắng của công chúng đang gia tăng về chi phí xét nghiệm.

Chính phủ Hoa Kỳ không tính phí xét nghiệm virus corona tại các phòng xét nghiệm được chỉ định. Nhưng một chuyến đi đến bệnh viện sẽ phải chịu các chi phí khổng lồ khác, trong một vài trường hợp có thể vượt trên 3.200 USD. Một nhóm vận động hành lang về bảo hiểm sức khỏe của Mỹ cho biết các cá nhân cần kiểm tra các nhà cung cấp bảo hiểm của họ để biết mức chi trả liên quan đến Covid-19.

Tính đến thứ hai, chỉ có 1.707 người đã được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ xét nghiệm. Các xét nghiệm cũng có thể được tiến hành tại các phòng thí nghiệm y tế công cộng cấp thấp hơn nhưng khi đó số ca nhiễm cũng có thể lớn hơn, theo một nghiên cứu mới của Cedars-Sinai. Nghiên cứu này ước tính rằng từ 1.043 đến 9.484 người ở Mỹ có thể đã bị nhiễm bệnh tính đến ngày 1/3.

Hàn Quốc, với 7.513 bệnh nhân Covid-19 vào thứ ba, đã tuyên bố vào tháng 1 rằng chính phủ và các công ty bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí liên quan đến việc khám, cách ly và điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Đất nước này đã mở rộng rất nhiều trạm xét nghiệm để đưa vào dịch vụ xét nghiệm nhanh cho người đi xe oto. Theo đó, họ đã xét nghiệm được khoảng 15.000 người mỗi ngày.

Nhật Bản đã xác định Covid-19 là một căn bệnh truyền nhiễm vào tháng 2, do đó, chính phủ phải có trách nhiệm thanh toán các hóa đơn nội trú liên quan đến nhiễm virus corona.

Tại Anh, khoảng 18.000 người đã được xét nghiệm miễn phí kể từ tháng trước và 373 người được xác nhận là bị nhiễm bệnh.

Giáo sư Dirk Pfeiffer từ Đại học thành phố Hongkong, cho biết khả năng chi trả sẽ cản trở những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Thúc đẩy hợp tác đối phó dịch bệnh

"Rõ ràng, bất cứ nơi nào bạn phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe, những người có triệu chứng nhẹ ở nhóm thu nhập thấp sẽ ngần ngại đến cơ sở chăm sóc sức khỏe và đó cũng có thể là trường hợp đối với một số người mắc bệnh nặng. Những hành vi này sẽ gia tăng tình hình dịch bệnh", ông Pfeiffer nói.

Nhưng ông cũng cho biết việc lạm dụng xét nghiệm là không thực tế ở hầu hết các quốc gia và biện pháp giảm thiểu rủi ro quan trọng nhất vẫn là giữ khoảng cách trong xã hội.

"Tôi không nghĩ rằng xét nghiệm quy mô lớn là điều thực tế ở hầu hết các quốc gia. Và ngay cả khi khả thi, nó sẽ không xóa sổ được virus khỏi dân số. Do đó, xét nghiệm sẽ phải tiến hành dựa trên nguy cơ rủi ro, mang tính tập trung, ví dụ, nhắm vào những người tiếp xúc với các trường hợp đã mắc virus", ông nói.

Ni Feng, giám đốc Viện nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc và Mỹ có các điều kiện khác nhau và có thể hiểu rằng họ đã sử dụng các chiến lược khác nhau, nhưng thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh có thể là cơ hội tốt cho cả hai nước cùng làm việc với nhau.

"Đây là vấn đề ít nhạy cảm nhất. Có nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác. Chúng tôi đã thấy một số hợp tác vững chắc trong quá khứ với dịch Sars, H5N1 và H7N9", chuyên gia Ni khẳng định.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ