• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo chí quốc tế đánh giá cao nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Việt Nam từ cây cà phê

Kinh tế 06/10/2023 15:41

(Tổ Quốc) - Với nỗ lực không ngừng, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, góp phần vào chương trình xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Theo trang Borgen Project, thưởng thức một ly cà phê đậm đà vào buổi sáng là thói quen được hàng triệu người trên thế giới chia sẻ. Hương vị độc đáo và cách pha chế đặc biệt đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Brazil, Colombia, Indonesia và Việt Nam mang đến cho những thực khách cảm nhận đặc biệt.

Báo chí quốc tế đánh giá cao nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Việt Nam từ ngành cà phê - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Borgen Project

Với nỗ lực không ngừng, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Là một đối thủ cạnh tranh lớn mới trong thương mại cà phê quốc tế, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những cơ hội kinh tế mới trong tương lai. Điều quan trọng hơn cả là cà phê ở Việt Nam trong thời gian dài đã có tiềm năng lớn trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo.

Cà phê Việt Nam phát triển cùng năm tháng

Cà phê được người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam chính thức từ năm 1857. Vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột có điều kiện lý tưởng để trồng loại cây này. Theo đó, nơi đây trở thành vùng trọng điểm để trồng cà phê đến nay.

Theo trang Borgen Project, trồng cà phê ở Việt Nam tuy khó khăn nhưng đầy hứa hẹn. Nhiều người dân di cư đến các vùng nông thôn như Buôn Ma Thuột để sinh sống và trồng loại cây cà phê ở vùng đất này.

Đến cuối năm 2000, hơn 4 triệu người dân đã định cư ở vùng đất này, tạo ra lực lượng lao động mới và mở rộng cho ngành cà phê. Lực lượng lao động mới này, kết hợp với chương trình trồng cà phê của chính phủ và nhu cầu cà phê ngày càng tăng của người dân trên toàn thế giới, đã tạo ra sự bùng nổ cho nền kinh tế Việt Nam.

Chỉ trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã trở thành một trong những nước sản xuất cà phê cạnh tranh nhất thế giới. Hiện nay, Việt Nam cũng được xếp hạng là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai sau Brazil.

Theo thống kê, bắt đầu với 8.400 tấn cà phê được sản xuất vào năm 1980, số lượng sản xuất cà phê đã tăng vọt lên 900.000 vào năm 2000. Sản lượng cà phê đã góp phần đưa GDP của Việt Nam tăng 7,7% trong vài năm qua. Và điều bất ngờ hơn cả, cà phê đã trở thành một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Khó khăn trước biến đổi khí hậu

Hai loại hạt cà phê chính là Robusta và Arabica chiếm số lượng lớn trong những hạt cà phê xuất khẩu của các nước trên thế giới. Hiện nay, 95% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam là Robusta, loại cà phê có chất lượng thấp hơn.

Do đó, sự thành công của Robusta trên thị trường phụ thuộc vào sự biến động của nhu cầu toàn cầu. Ngành cà phê Việt Nam phải tính đến biến số này bằng cách cải thiện hương vị và chất lượng hạt cà phê thu hoạch ở Buôn Ma Thuột nhằm duy trì tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh trên thị trường không phải là điều dễ dàng. Khác với những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như cà phê Colombia 100%, Việt Nam vẫn cần xác lập thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Hiện cà phê chế biến chỉ chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tăng cường chế biến cà phê bằng cách thành lập liên doanh với các nhà bán lẻ và nhà rang xay nổi tiếng có thể tạo ra những cơ hội mới cho ngành. Nếu thương hiệu Việt trở thành thương hiệu quen thuộc, cà phê Việt Nam có thể thu được tỷ suất lợi nhuận lớn hơn đáng kể trên thị trường toàn cầu.

Ngoài việc nâng cao chất lượng cà phê và cải thiện chiến thuật tiếp thị, chiến lược canh tác của Việt Nam cũng phải cải thiện. Mặc dù Robusta thường có khả năng chống chịu tốt hơn trước các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như khí hậu nóng, sâu bệnh nhưng loại cây cà phê này vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp canh tác không bền vững. Các chiến lược canh tác dựa vào tưới tiêu thâm canh và lạm dụng phân bón có thể làm cạn kiệt chất lượng đất.

Để chống suy thoái đất, các chương trình hợp tác với các công ty toàn cầu đã thúc đẩy hỗ trợ giáo dục nông dân, cải thiện phương pháp canh tác và thiết lập tiêu chuẩn nông nghiệp. Điều này nhằm mục đích tăng sản lượng cà phê ở Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững.

Triển vọng trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương

Sự phát triển đáng kể trong sản xuất cà phê ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với sự tham gia của rất nhiều nông dân và người dân trong việc trồng trọt và sản xuất cà phê. Họ đã có nguồn thu nhập mới nhờ vào loại cây trồng này.

Với chỉ 6% tổng sản lượng cà phê được sử dụng trong nước, cà phê đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngành sản xuất cà phê tạo sinh kế cho khoảng 2,6 triệu người. Điều quan trọng là 600.000 người trong số này chỉ là nông dân quy mô nhỏ.

Chính ngành công nghiệp mới nổi này đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển đáng kể chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tăng trưởng kinh tế không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.

Căn cứ vào chuẩn nghèo quốc gia do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ hơn 30% năm 1990, 30% vào năm 1992, 15,7% năm 1998 xuống xấp xỉ 17% vào năm 2001(2,8 triệu hộ) và 10% năm 2000.

Bên cạnh đó, các tập đoàn toàn cầu cũng tham gia phát triển ngành cà phê và giúp đỡ nông dân Việt Nam. Hãng Nestlé và Mondelez International mỗi bên đã đầu tư hơn 200 triệu USD vào chương trình đào tạo nông dân để phân phối nguồn cung cà phê ổn định.

Năm 2015, thương hiệu cà phê nổi tiếng Starbucks đã giới thiệu loại cà phê có nguồn gốc duy nhất đầu tiên từ Việt Nam tới các chi nhánh của hãng tại hơn 50 quốc gia. Hơn 21.000 nông dân đã được hưởng lợi từ nguồn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp đang bùng nổ này.

Nhìn chung, cà phê ở Việt Nam là một ngành công nghiệp đang phát triển với nhiều tiềm năng trong tương lai. Với những chính sách và hướng dẫn đúng đắn, ngành cà phê Việt Nam có thể cải thiện hơn nữa nền kinh tế, mang lại cơ hội thu nhập và nâng cao mức sống cho rất nhiều người dân ở Việt Nam, và một trong những nỗ lực thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ