• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo quốc tế đánh giá cao câu chuyện thoát nghèo bền vững của người Hmong

Thế giới 11/09/2023 20:55

(Tổ Quốc) - Trang Fair Planet gần đây đã đăng tải câu chuyện của Khang A Tủa và Mùa Thị Mua, hai người trẻ của dân tộc thiểu số Hmong, với quyết tâm thực hiện dự án phát triển kinh tế Ná Nả hỗ trợ quê hương thoát nghèo.

Năm 2019, Khang A Tủa và Mùa Thị Mua đã quyết định từ thủ đô Hà Nội trở về quê hương Mù Cang Chải, Yên Bái, để thực hiện dự án Ná Nả.

Trong tiếng HMong, Ná Nả được đánh vần là Nav Nam - thuật ngữ trìu mến nghĩa là 'Mẹ ơi mẹ!'. Bằng cách sử dụng kinh nghiệm trồng trọt địa phương và hạt giống bản địa, dự án muốn duy trì giá trị văn hóa và tập quán địa phương bằng cách truyền dạy cho các nhóm thiểu số bản địa trong khu vực cách bảo tồn và phát triển kỹ năng sống. Ná Nả cũng nhằm mục đích tạo việc làm và thu nhập cho nông dân người Hmong, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Người dân Mù Cang Chải ban đầu đã rất ngạc nhiên khi nghe đến dự án vì khu vực này tương đối khó khăn và người trẻ thường chuyển đến các thành phố lớn hơn để kiếm sống. Nhưng những người sáng lập cho rằng sáng kiến của họ là phù hợp và rất cần thiết để phát triển địa phương.

Báo quốc tế đánh giá cao câu chuyện thoát nghèo bền vững của người Hmong - Ảnh 1.

Ná Nả muốn thúc đẩy người Hmong phát triển kinh tế bền vững và thoát nghèo. Ảnh: Fair Planet.

Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái, là một trong 74 huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Nơi đây là một trong những khu vực tập trung lớn nhất của người dân tộc thiểu số HMong, chiếm 50% dân số. Trong vài năm qua, người Hmong ở miền bắc Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu do vẫn áp dụng phương pháp làm nương rẫy lạc hậu, chặt phá cây trồng, cỏ khô.

Ban đầu, dự án chủ yếu tập trung vào việc bán hàng hóa sản xuất tại quê hương của họ cho người dân ở các thành phố khác. Tủa và Mua thông báo những sản phẩm có sẵn trên trang Facebook của Ná Nả, nơi khách hàng có thể liên hệ và đặt hàng. Tủa bán mật ong nguyên chất từ những người nuôi ong tự nhiên, gà thả giống địa phương và rau xanh theo mùa, trong khi Mua bán gạo chính gốc hoặc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương, như chổi, giỏ tre, đồ thêu và vải thổ cẩm.

Sau đó, Tủa và Mua dần giúp đỡ nông dân ở quê hương học hỏi và áp dụng các phương pháp canh tác hiệu quả và bền vững hơn. Để canh tác đạt hiệu quả tốt hơn, nông dân địa phương phải thực sự nắm bắt được bối cảnh môi trường mà họ đang làm việc. Ví dụ, gần đây, chất lượng lúa nương đã bị ảnh hưởng rất nhiều do thời tiết khô hạn, đặc biệt là khi trồng ở biên giới Việt – Lào. Nhưng thay vì tìm kiếm những hạt giống lai mới có năng suất cao hơn, những người sáng lập Ná Nả khuyên nông dân nên tiếp tục trồng các loại ngũ cốc bản địa, dù có thể kém năng suất hơn nhưng hiệu quả hơn trong việc bảo vệ đất và môi trường.

Với phụ nữ Hmong, những người sáng lập Ná Nả cũng cho biết họ muốn thấy phụ nữ ở đây phát triển kỹ năng nghề nghiệp và tạo thu nhập bền vững. Mua chia sẻ: "Trước đây, nhiều phụ nữ tin rằng kiếm tiền là việc của đàn ông. Dự án muốn thay đổi nhận thức đó bằng cách cho họ biết kiếm tiền là trách nhiệm của cả vợ và chồng, cũng như chăm sóc gia đình và con cái".

Ná Nả đã hợp tác với nông dân và tổ chức nhiều hoạt động, sáng kiến xã hội như phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và giới thiệu các sản phẩm gà đen địa phương tới cộng đồng. Họ cũng triển khai một loạt hội thảo về các hoạt động truyền thống như dệt và nhuộm. Các dự án này đều góp phần vào mục tiêu bảo tồn giá trị địa phương và giúp địa phương thoát nghèo bền vững.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ