• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tàng Hà Nội: Dốc toàn lực cho công tác trưng bày

Văn hoá 30/05/2020 09:36

Sau những nỗ lực chuẩn bị, tháng 8 tới đây, Bảo tàng Hà Nội sẽ tiến hành thi công hạng mục trưng bày thường xuyên với nhiều chủ đề ấn tượng, xuyên suốt hành trình lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Hiện, Bảo tàng Hà Nội đang dốc toàn lực chạy đua cùng thời gian, bảo đảm hoàn thiện công tác trưng bày thường xuyên, sẵn sàng cho ra mắt công chúng những tư liệu, hiện vật hấp dẫn vào cuối năm 2021.

Bảo tàng Hà Nội: Dốc toàn lực cho công tác trưng bày - Ảnh 1.

Kiểm kê, chuẩn bị tư liệu, hiện vật… phục vụ trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Hà Nội.

Thiếu phần “hồn” thể hiện bản sắc

Bảo tàng Hà Nội có kết cấu mô phỏng hình đài sen, với tổng diện tích gần 54 nghìn mét vuông, gồm 4 tầng nổi, 2 tầng hầm. Công trình được hoàn thành vào năm 2010, đúng dịp Thủ đô kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, Bảo tàng vẫn hoàn toàn khuyết phần trưng bày thường xuyên - phần “hồn”, thể hiện bản sắc, sức hấp dẫn của điểm đến. Chị Nguyễn Thị Hương, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân cho biết: "Tôi nhiều lần vào tham quan tại Bảo tàng Hà Nội nhưng không hiểu tại sao ở đây lại thiếu phần trưng bày thường xuyên như nhiều bảo tàng khác".

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà lý giải: "Việc tìm kiếm, bổ sung hiện vật cho nội dung trưng bày thường xuyên là thách thức không nhỏ với những người làm công tác bảo tàng. Không ít lần, nội dung trưng bày phải "căn chỉnh" để phù hợp với hiện vật đang có. Ngược lại, có những hiện vật rất quý và phù hợp với nội dung trưng bày song do nhiều nguyên nhân, chúng tôi lại không thể sưu tầm được".

Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, do yêu cầu khách quan, Bảo tàng Hà Nội phải trải qua nhiều đợt thay đổi đề cương, nội dung trình bày cũng như đơn vị tư vấn thiết kế. Có thể kể đến lần thay đổi nội dung năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, dẫn đến việc đề cương cũ phải chỉnh sửa và bổ sung các vùng đất mới hợp nhất. Ngoài ra, công tác sưu tầm hiện vật, tài liệu phục vụ trưng bày cũng không phải là điều dễ dàng. Đó là hai trong số các lý do dẫn đến việc Bảo tàng Hà Nội khuyết phần trưng bày thường xuyên.

Sẽ là điểm đến hấp dẫn

Dễ nhận thấy nhất trong những ngày này tại Bảo tàng Hà Nội là không khí làm việc hối hả, khẩn trương. Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, mọi điều kiện chuẩn bị cho công tác thi công trưng bày tư liệu, hiện vật thường xuyên đã cơ bản hoàn thành. Thiết kế chi tiết các khu trưng bày với 7 chủ đề chính, 25 tiểu chủ đề đã được Hội đồng khoa học, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. "Bảo tàng cũng đã sưu tầm, tiếp nhận được nhiều tư liệu, hiện vật quý giá qua nhiều năm, bổ sung cho kho hiện vật hàng nghìn chất liệu quý giá, đáp ứng yêu cầu trưng bày", ông Nguyễn Tiến Đà nói.

Đề cập rõ hơn về công tác trưng bày thường xuyên dưới “ngôn ngữ” chuyên ngành bảo tàng, Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng Hà Nội) Đặng Minh Vệ thông tin: “Phần trưng bày thường xuyên gồm 7 chủ đề, mỗi chủ đề thể hiện một nội dung riêng biệt, song bảo đảm sự logic, xuyên suốt. Nếu như các chủ đề “Hành trình đến Thăng Long” và “Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt” trải dài theo mạch nguồn lịch sử với những cư dân đầu tiên, Nhà nước sơ khai, diện mạo kiến trúc, đời sống tâm linh..., thì chủ đề “Kháng chiến và giành độc lập” tập trung phác họa cuộc sống thời chiến, tinh thần chiến đấu ngoan cường “vì Hà Nội, vì Tổ quốc” của người Thủ đô.

Với tổng diện tích gần 10 nghìn mét vuông trưng bày, để bảo đảm tiến độ đề ra, Bảo tàng Hà Nội triển khai thi công theo hình thức cuốn chiếu sau khi thiết kế tổng thể, thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, các giải pháp phục vụ cho công tác trưng bày, gồm: Phim, công nghệ tra cứu, đồ họa, tư liệu in ấn hiện đại... được tận dụng tối đa để bảo đảm hiệu quả truyền tải nội dung tới khách tham quan.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, với sự chuẩn bị cẩn trọng, chu đáo cùng sự tham gia đóng góp của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, Bảo tàng Hà Nội đang đi rất gần đến vạch đích, hoàn thiện trưng bày cho riêng mình. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng cũng cho rằng, để hiện thực hóa thiết kế trưng bày, bảo tàng cần chú trọng công tác thi công, phát huy mọi yếu tố để tạo nên những điểm nhấn cho câu chuyện, tránh việc triển khai thông tin một cách đơn điệu.

Còn theo bà Nguyễn Hà Anh, giáo viên Trường Quốc tế Global (quận Cầu Giấy), những nội dung ý tưởng trưng bày của bảo tàng cho thấy tâm huyết, sức sáng tạo của người làm công tác bảo tàng. “Với những giải pháp trưng bày hiện đại, tôi nghĩ Bảo tàng Hà Nội sẽ là điểm đến hấp dẫn, cuốn hút với cả những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứ không chỉ riêng với khách tham quan, du lịch”, bà Nguyễn Hà Anh bày tỏ tin tưởng.

Theo Hà Nội mới

NỔI BẬT TRANG CHỦ