• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận ảnh và hiện vật do nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng

07/05/2017 09:41

(Cinet) – Sáng 06/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ tiếp nhận ảnh và hiện vật do nhiếp ảnh gia – nhà báo Nick Út – cựu phóng viên ảnh của hãng thống tấn Mỹ AP (Associated Press) trao tặng.

(Cinet) – Sáng 06/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ tiếp nhận ảnh và hiện vật do nhiếp ảnh gia – nhà báo Nick Út – cựu phóng viên ảnh của hãng thống tấn Mỹ AP (Associated Press) trao tặng.

Nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chiếc máy ảnh hiệu Nikkormat – một trong những chiếc máy ảnh đã đựơc ông sử dụng để tác nghiệp ở chiến trường

Việt Nam trong thời gian từ năm 1969 – 1972.



Tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân đã tiếp nhận 05 bức ảnh đen trắng và 01 chiếc máy ảnh hiệu Nikkormat – một trong những chiếc máy ảnh nhiếp ảnh gia Nick Út đã sử dụng để tác nghiệp ở chiến trường Việt Nam trong thời gian từ năm 1969 – 1972.



05 bức ảnh đen trắng (04 bức do nhiếp ảnh gia Nick Út chụp và 01 bức ảnh do đồng nghiệp chụp có hình ông trong chuỗi ảnh chụp cô bế Phan Thị Kim Phúc bị bỏng do bom Napalm) cùng được chụp tại Trảng Bàng (Tây Ninh) vào ngày 8/6/1972 đã ghi lại bối cảnh vùng đất Trảng Bàng mờ trong khói bom đạn Napalm, những đứa trẻ hoảng loạn vì vết thương và sợ hãi, người phụ nữ bất lực bế đứa cháu sắp qua đời vì bom chạy trên quốc lộ để thoát khỏi vùng bom đạn.



Trong số 05 ảnh mà nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lần này, bức “Em bé Napalm” đã có sức sống đặc biệt, vượt qua thời gian, tác động đến nhận thức và lay động con tim của toàn thể nhân loại khi mới được công bố. Bức ảnh đã châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh trên toàn nước Mỹ và khắp châu Âu lúc bấy giờ. Bức ảnh này cũng đã mang về cho nhiếp ảnh gia Nick Út giải thưởng Pulitzer năm 1973 và làm thay đổi số phận của nhân vật chính – cô bé Kim Phúc. Từ một nạn nhân chiến tranh, Kim Phúc đã trở thành Đại sứ hòa bình của Liên hợp quốc (từ năm 1994). Chị luôn song hành với phóng viên Nick Út để chuyển tải thông điệp hòa bình trên phạm vi toàn cầu với mong muốn khép lại quá khứ cùng xây dựng tương lai hòa bình. “Em bé Napalm” đã xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.



Năm bức ảnh đen trắng không chỉ là câu chuyện của cuộc chiến, của lịch sử mà còn là câu chuyện của tình người, của kết nối, của sự bền vững và truyền cảm hứng cho cuộc sống hôm nay.



Những bức ảnh lịch sử và hiện vật do Nhiếp ảnh gia nhà báo Nick Út trao tặng sẽ được trưng bày tại không gia của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ nay cho tới hết ngày 18/5/2017 để phục vụ khách tới tham quan, thưởng lãm.



Những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Nick Út trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam:

 
 
 
 
 
Nhiếp ảnh gia – nhà báo Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh ngày 29/3/1951 tại Long An.

Trở thành phóng viên ảnh cho hãng Associated Press (AP) Mỹ có Văn phòng tại Sài Gòn từ năm 16 tuổi, Nick Út đã đi khắp chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia để tác nghiệp và nhanh chóng trở thành phóng viên chiến trường giàu kinh nghiệm.

Năm 22 tuổi, Nick Út giành giải Pulitzer - giải thưởng báo chí danh giá của Mỹ với bức ảnh “Em bé Napalm” chụp những đứa trẻ bị bỏng do bom Napalm của Mỹ tại Trảng Bàng, Tây Ninh ngày 8/6/1972.

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông được điều động sang làm cho Hãng AP tại Nhật Bản. Và đến năm 1977, ông chuyển sang định cư tại Los Angeles (Mỹ) và làm phóng viên của hãng AP tại đây.

Tháng 3/2017, nhiếp ảnh gia - nhà báo Nick Út đã chính thức “đóng máy” nghỉ hưu, sau 51 năm cộng tác với hãng tin AP (Mỹ).





Tin, ảnh: Anh Vũ

 


 

NỔI BẬT TRANG CHỦ