• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo Tết nhảy của người Dao

Giải trí 24/01/2016 10:57

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, khắp các bản người Dao, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ lại rộn ràng tổ chức Tết nhảy. Với đồng bào, Tết nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu. Mặc dù đời sống hiện đại đang đặt ra nhiều thách thức đối với văn hóa người Dao nói riêng, nhưng Tết nhảy vẫn luôn được người Dao huyện Thanh Sơn bảo tồn và gìn giữ.

 

Mỗi khi Tết đến, Xuân về, khắp các bản người Dao, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ lại rộn ràng tổ chức Tết nhảy. Với đồng bào, Tết nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu. Mặc dù đời sống hiện đại đang đặt ra nhiều thách thức đối với văn hóa người Dao nói riêng, nhưng Tết nhảy vẫn luôn được người Dao huyện Thanh Sơn bảo tồn và gìn giữ.

Theo lời kể của các cụ cao niên ở xã Cự Thắng thì Tết nhảy đồng bao Dao gọi là “Nhiàng chầm đao”. Trong chuyến di cư vượt biển tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của các họ Dao gặp bão, bị sóng to gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền, tính mạng các họ Dao bị đe dọa. Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin thần Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn và hứa sẽ làm lễ Tết nhảy để tạ ơn. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau các họ người Dao tổ chức Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên nhưng tùy lời hứa của từng họ mà chu kỳ tổ chức Tết nhảy của các họ khác nhau, thường từ 10 đến 15 năm tổ chức một lần. Ý nghĩa của Tết nhảy là thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên với Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển khơi năm xưa; luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc; cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khoẻ, ngày càng làm ăn phát đạt.

Múa


Múa "Ra binh vào tướng" trong Tết nhảy của người Dao Tiền, xã Tân Lập huyện Thanh Sơn

Ông Triệu Văn Quang, chủ gia đình tổ chức Tết nhảy năm nay chia sẻ: Người Dao Quần Chẹt ở khu Xuân Thắng, xã Cự Thắng thường tổ chức Tết nhảy vào tháng Chạp và được tổ chức tại nhà tổ nơi có bàn thờ tổ tiên của cả dòng họ. Nếu nhánh dòng họ nào muốn làm riêng thì phải lấy hương của nhà thờ tổ và xin tổ tiên lập bàn thờ thì mới được phép tổ chức. Tết nhảy diễn ra trong ba ngày ba đêm và phải cử hành với nhiều nghi lễ truyền thống theo quy định. Để tổ chức một lễ “nhiàng chầm đao”, gia đình ông Quang phải chuẩn bị rất kỹ về lương thực, thực phẩm làm lễ vật dâng cúng và đủ thiết đãi bà con trong khu suốt thời gian diễn ra. Thông thường phải đủ 1đến 2 tạ gạo; 3 tạ lợn; 150 lít rượu; 1 yến muối; các loại rau củ.

Ở trong bản, các gia đình khác trong họ sẽ cùng gia chủ đứng ra lo liệu và bà con trong bản khi đến dự Tết nhảy cũng đóng góp ủng hộ gia chủ con gà, cân gạo, chai rượu hoặc tiền. Sau khi nhờ thầy cúng xem được ngày lành tháng tốt phù hợp với tuổi của gia chủ, gia đình tổ chức Tết nhảy sẽ thông báo chính thức cho người dân trong khu biết. Quan trọng nhất là gia chủ phải mời 2 ông thầy cúng đến hướng dẫn và điều khiển buổi lễ, một thầy làm chủ đám hay còn gọi là “Sliêu họ” chuyên phụ trách phần tế lễ và cúng bái, một thầy phụ trách phần múa (khoi tàn). Trước khi vào Tết nhảy, bàn thờ được sửa sang gọn gàng, sạch sẽ; các gia đình khác cùng gia chủ chuẩn bị các loại đạo cụ như kèn, trống con, chuông, lá cờ, dao, rìu, kiếm bằng gỗ tượng trưng cho những công cụ, vũ khí mà tổ tiên họ đã dùng để lao động và chống giặc. Những đạo cụ này được trang trí hình hoa văn bằng giấy màu xanh đỏ trông khá đẹp mắt.

Anh Triệu Sinh Khoa, con trai ông Triệu Văn Quang, người trực tiếp tham gia nghi lễ trong Tết nhảy cho biết: Tết nhảy gồm 3 phần chính là Khai lễ, Chính lễ và Lễ tiễn đưa. Phần khai lễ, đúng ngày giờ đã định, hai thầy cúng được gia chủ mời đến cúng thực hiện nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng của người Dao là bộ Tam thanh, Hành sư lên xung quanh tường nhà. Tiếp đó, thầy “sliêu họ” bày biện các lễ vật thờ cúng, làm lễ khấn xin được làm Tết nhảy và kính mời các thần linh, Bàn Vương, gia tiên về dự lễ. Lễ này được thực hiện bằng các điệu múa mời như đưa đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn tết. Đến phần chính lễ, các nhân vật thể hiện các điệu múa và hát “tam nguyên an ham”(múa với những động tác tung cờ, phất cờ); múa dao (còn gọi múa “ra binh vào tướng” sử dụng con dao găm bằng gỗ; múa phát nương (còn gọi là múa được mùa); múa bắt ba ba và kết hợp với tiếng chiêng trống rộn ràng. Phần múa Cuối cùng là Lễ tiễn đưa; trước bàn thờ gia chủ, thầy sliêu họ cúng tạ kết thúc Tết nhảy, gia chủ làm lễ hoá vàng để tiễn đưa hương hồn tổ tiên trở về với quê cha đất tổ.

Suốt thời gian diễn ra Tết nhảy, các điệu múa được biểu diễn lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi người phải nhảy múa hàng trăm lượt liên tục cả ngày cả đêm trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã. Các thầy cúng vừa múa vừa hát những bài hát cổ xưa theo sách cổ người Dao với nội dung kể về nguồn gốc dân tộc Dao, về quá trình người Dao vượt biển, quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Những câu hát, điệu nhảy huyền bí làm cho người xem có cảm giác mình đang được sống trong một thế giới khác, thế giới mà quá khứ và hiện tại đang giao hòa.

Mặc dù Tết nhảy là nghi lễ do một gia đình, một dòng họ tổ chức nhưng nó được cả dân bản tham gia với một không khí náo nức giống như một nghi lễ của cả cộng đồng. Tết nhảy đã góp phần quan trọng củng cố sự thống nhất trong cộng đồng người Dao ở vùng cao Phú Thọ. Tết nhảy không chỉ là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên mà còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy trừ hết những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho do gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới dồi dào sức khoẻ. Đây cũng là dịp để người Dao ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử của dân tộc; ôn lại vốn văn hoá truyền thống của người Dao thông qua nội dung những bài khấn, những lời ca, điệu múa. Qua Tết nhảy, bản sắc văn hoá của người Dao được thể hiện một cách sâu sắc. Những bộ trang phục truyền thống với đường thêu tinh tế có dịp được khoe sắc. Các bài cúng bằng chữ Nôm Dao, các điệu múa, lời ca, các món ăn truyền thống... có dịp được ôn lại để trao truyền cho thế hệ con cháu mai sau, góp phần giữ gìn hồn thiêng của dân tộc.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống của đồng bào dân tộc Dao ở xã Cự Thắng ngày càng no ấm hơn. Song dưới tác động của kinh tế thị trường, của đô thị hoá ít nhiều cũng ảnh hưởng đến văn hoá truyền thống của người Dao nói chung và Tết nhảy nói riêng. Để bảo tồn và gìn giữ được giá trị của Tết nhảy, chính quyền và bà con người Dao Cự Thắng đã và đang có nhiều hoạt động khôi phục lại các giá trị văn hóa tộc người. Đặc biệt, các điệu múa truyền thống của dân tộc Dao biểu diễn trong Tết nhảy như múa cờ, múa dao, múa chuông... đã được cải biên để biểu diễn trong mùa lễ hội và tại các buổi giao lưu văn nghệ quần chúng của địa phương./.

Huyền Trang

(Nguồn: TTXVN)

NỔI BẬT TRANG CHỦ