• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo vệ những giá trị của gia đình hiện đại trong thời đại công nghệ

Văn hoá 29/06/2020 14:29

(Tổ Quốc) - Trong xã hội hiện đại, từ thành thị tới nông thôn, chúng ta không còn xa lạ với những hình ảnh người người trong tay là một thiết bị thông minh nào đó như điện thoại, máy tính bảng… Bóng dáng những thiết bị này bao phủ lên cuộc sống của mọi người, trong mọi gia đình như một thứ tất yếu.

Ở khía cạnh tích cực, các trang thiết bị hiện đại giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên đầy đủ, tiện nghi hơn, mọi người được cung cấp thông tin với tốc độ nhanh chóng và trong một xã hội phát triển.

Công nghệ cũng giúp cho con người đến với nhau nhanh hơn, giải quyết được nhiều khó khăn về tư duy lẫn khoảng cách địa lý.

Cách nhau nửa vòng trái đất vẫn gặp nhau hàng ngày

Trong phạm vi gia đình, công nghệ giải quyết các vấn đề về khoảng cách. Sự phát triển của công nghệ với những ứng dụng phần mềm, mạng xã hội… ra đời khiến con người không còn khoảng cách. Chỉ cần một cú kích chuột là đã có thể kết nối với nhau. Được thấy nhau hàng ngày, hàng giờ, nhìn thấy mọi việc người kia đang làm, cuộc sống ra sao, mọi người trao đổi với nhau, trò chuyện qua mạng Internet…

Nếu trước đây, để gửi một lá thư thăm hỏi từ Việt Nam sang Mỹ phải mất cả tháng thì giờ chỉ tính bằng tích tắc. Không những chỉ gửi gắm thông tin, biểu lộ tình cảm mà mọi người còn trực tiếp thảo luận các vấn đề với nhau, miễn là có kết nối Internet.

Với những người sinh vào những năm 1970 trở về sau này, cuộc sống gia đình vợ Việt Nam chồng con Âu, Mỹ không phải là hiếm gặp. Nhất là những gia đình có điều kiện, có con đi học ở nước ngoài thì việc kết nối với nhau thường xuyên qua Internet là điều tất yếu.

Mọi người không can thiệp quá sâu vào cuộc sống của nhau, nhưng cũng không phải trở thành những người quá thờ ơ với nhau, lạc hậu về việc nắm bắt thông tin của các thành viên khác trong gia đình.

Bảo vệ những giá trị của gia đình hiện đại trong thời đại công nghệ - Ảnh 1.

Các thiết bị hiện đại hiện diện trong sinh hoạt gia đình (ảnh minh họa)

Nguyệt Anh, một du học sinh Việt Nam tại Bỉ cho biết, cô đang theo học năm thứ 3 đại học tại đây. Hàng ngày cứ 5g chiều là cô và gia đình "vào mạng" để gặp gỡ nhau, thông tin với nhau về công việc hàng ngày của cô cũng như nắm bắt thông tin tình hình về mọi người ở nhà. Dù giờ đó với bố mẹ ở nhà tương đối muộn (Việt Nam đã là 10 giờ đêm) nhưng hầu như ngày nào mọi người cũng sẵn sàng trò chuyện với nhau như một yêu cầu bắt buộc, nguyên tắc bất di bất dịch.

Để giữ nguyên những mối liên hệ với nhau giữa các thành viên trong gia đình, mọi người phải đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc này như một quy định cứng.

Nếu một thành viên không tham dự được sẽ phải có lý do hợp lý, đây chính là mấu chốt, là sự tôn trọng nhau trong mối quan hệ gia đình. Mọi người đều bình đẳng với nhau, có quyền nhất định trong gia đình của mình, Nguyệt Anh khẳng định.

Chính sợi dây liên kết tưởng lỏng mà chặt này giúp cho tình cảm của các thành viên trong gia đình được chặt chẽ, gần gũi như hồi cô ở Việt Nam. Chỉ khác là thay vì được mẹ ôm chặt vào lòng mỗi khi bị điểm kém hoặc gặp phải "sự cố" nào đó trong cuộc sống thì giờ phải tự mình vượt qua nó. Nhưng đó cũng là cách giúp mình "mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, tự chịu trách nhiệm với bản thân mình", Nguyệt Anh cho hay.

Ẩn họa phá vỡ những giá trị truyền thống của gia đình Việt

Có một thực tế là nhiều người trở nên quá phụ thuộc vào máy móc, thiết bị công nghệ. Cuộc sống bị ảnh hưởng bởi trang thiết bị công nghệ hoặc họ quá đam mê với những trò chơi trên mạng. Giới trẻ được đánh giá là bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Không khó để bắt gặp hình ảnh gia đình có 4 thành viên thì cả 4 người ngồi với nhau mà trong tay mỗi người lại cầm một chiếc điện thoại di động để theo đuổi những mục đích riêng. Họ ít giao tiếp với nhau, những cuộc trò chuyện thường ngày giữa các thành viên trong gia đình cũng thưa dần. Vì thế, tình cảm, quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, các thành viên trong gia đình cũng thờ ơ, ít quan tâm tới nhau.

Những mặt trái của công nghệ hiện diện trong mỗi gia đình Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong những gia đình trẻ. Nó âm thầm phá vỡ các giá trị truyền thống trong mỗi gia đình.

Các thành viên trong gia đình ít giao tiếp với nhau, họ thu mình vào thế giới riêng. Trẻ em trở nên tự ti, ít chia sẻ với bố mẹ. Có những trẻ trở thành mục tiêu tấn công mạng, số khác bị trầm cảm, tư duy, sức khỏe bị ảnh hưởng, kết quả học tập sa sút… là những hệ lụy của việc dành quá nhiều thời gian trên mạng.

Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, phần lớn bố mẹ cũng phải vất vả làm việc, thời gian dành cho gia đình rất ít, thời gian để giao tiếp, trò chuyện với con cái cũng bị hạn chế. Vì vậy, trẻ em lại càng tập trung vào những mối quan tâm trên mạng xã hội, bạn bè ảo, game online, phim trực tuyến…

Cuộc sống của trẻ dần trở nên phụ thuộc vào cuộc sống ảo này. Khi đã trở thành thói quen, trẻ sẽ bị chi phối bởi chúng, tình cảm và các mối quan hệ với bố mẹ sẽ không còn chặt chẽ dẫn đến các giá trị của gia đình trong tương lai không xa bị suy giảm bởi chính thế hệ trẻ này sẽ là thế hệ nối tiếp của chúng ta ngày mai.

Bảo vệ những giá trị của gia đình hiện đại trong thời đại công nghệ - Ảnh 2.

Bố mẹ thay đổi để con cái thay đổi (ảnh minh họa)

Nhìn nhận những mối nguy hại này, chính bố mẹ trong các gia đình hiện nay phải là người thay đổi đầu tiên.

Thay vì tập trung sự quan tâm vào công việc, vào bạn bè ảo… bố mẹ cần chuyển sự quan tâm sang trọng tâm là những đứa trẻ. Bằng những hành động thực tế, như trò chuyện với các con nhiều hơn, hàng ngày dành thời gian cho các hoạt động chung của gia đình như ăn bữa tối cùng nhau, thăm hỏi người lớn (ông, bà, cô, dì, chú, bác…) vào cuối tuần hay định kỳ hàng tháng.

Dần dần thay thế các bạn bè ảo của con bằng tình cảm thực của bố mẹ, của anh chị em trong gia đình. Đề nghị được sẽ chia những khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ nhau một cách kịp thời bằng những hành động tích cực.

Cũng không nhất thiết phải bắt buộc trẻ không sử dụng máy tính, điện thoại thông minh ngay lập tức nhưng phải làm từ từ, tránh yêu cầu đột ngột khiến trẻ bất hợp tác hoặc có những phản ứng thái quá.

Bố mẹ cũng cần phát huy vai trò định hướng trong quan hệ gia đình. Là người lớn, bố mẹ cần phân tích cho các con hiểu thế nào là đúng, sai để trẻ dần nhận ra vấn đề mà thay đổi, có cuộc sống lành mạnh đúng nghĩa.

Việc giúp đỡ các con trở lại đúng hướng đi, làm những việc theo đúng độ tuổi của mình là công việc cực kỳ khó khăn và nhạy cảm đối với mỗi em. Đây chính là phát huy vai trò giáo dục trong gia đình.

Chính bố mẹ cũng cần phải trang bị cho bản thân các kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể định hướng cho con em mình được đúng đắn.

Bảo vệ giá trị cốt lõi của gia đình trong xã hội hiện đại, trong thời đại công nghệ 4.0, cũng là góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh với những con người mạnh khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ