• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo vệ Quyền tác giả: Bắt đầu từ thay đổi thói quen 'xài chùa'

Văn hoá 22/12/2016 14:22

(Tổ Quốc) -Ngoài việc nâng cao ý thức người sử dụng, để bảo vệ quyền tác giả hiệu quả, việc cần làm của Việt Nam là áp dụng cách mạng khoa học công nghệ trong quản lý.

Tuần qua, cuộc hội thảo quốc gia với chủ đề “Vai trò của Quyền tác giả đối với sự phát triển văn hóa và kinh tế” đã được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy, việc thực thi bảo vệ quyền tác giả đang được các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, khoa học đặc biệt quan tâm. Các đại biểu tham dự hội thảo đã chỉ ra rằng, ngoài việc nâng cao ý thức người sử dụng, để bảo vệ quyền tác giả hiệu quả, việc cần làm của Việt Nam là áp dụng cách mạng khoa học công nghệ trong quản lý.

Bắt đầu từ thay đổi thói quen 'xài chùa' của người dân

Theo các chuyên gia, bản quyền đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của công nghiệp sáng tạo, là ngành công nghiệp ngày càng có đóng góp lớn về GDP và việc làm cho nền kinh tế thế giới.

Hội thảo quốc gia “Vai trò của Quyền tác giả đối với sự phát triển văn hóa và kinh tế” đã chỉ ra tầm quan trọng của việc thực hiện quyền tác giả đối với nền kinh  tế (ảnh cinet.vn)

Ở Hàn Quốc, năm 2009, các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền đạt 105.4 ngàn tỷ Won giá trị gia tăng, chiếm 9.89% GDP quốc gia, việc làm trong ngành công nghiệp này chiếm 6.24% của lực lượng lao động. Tại Bhutan, năm 2008, 5.5% GDP của nước ngày là đóng góp của công nghiệp dựa trên bản quyền. Lực lượng lao động trong ngành này ở Bhutan chiếm 10.1% tổng số việc làm; chiếm 4% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước này (tương đương hơn 912 triệu Nu- tiền Bhutan). Tại Thái Lan, ngành công nghiệp dựa trên bản quyền cũng đóng góp 4.48% GDP, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động và xuất khấu 5.73 tỉ USD.

Nêu những con số trên để thấy, nếu quản lý hiệu quả, ngành công nghiệp bản quyền có thể đem lại lợi nhuận lớn không thua kém bất kỳ ngành kinh tế nào.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam, ý thức của người dân trong việc tôn trọng bản quyền cũng như hiệu quả của việc thực thi bảo vệ bản quyền còn chưa cao.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng: “Tất cả các sáng tạo dù ở lĩnh vực nào cũng cần được bảo hộ. Bản quyền tác giả luôn là vấn đề quan trọng trong quá trình hội nhập đất nước. Là điều kiện bắt buộc trong quá trình phát triển. Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đã có sự phê duyệt của Chính phủ. Để nó đi vào cuộc sống cần sự nỗ lực lớn. Trước tiên phải là nhận thức của toàn xã hội về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Thói quen xài chùa, dùng miễn phí trước đây đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của công nghiệp sáng tạo. Muốn thay đổi được điều này chúng ta phải làm một cuộc cách mạng để mọi người đều có ý thức dùng phải trả tiền…”.

Sau những nỗ lực lớn của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về Quyền tác giả, Việt Nam đã có một hệ thống pháp lý khá đầy đủ về Quyền tác giả với những chế tài nghiêm khắc. Các hành vi vi phạm bản quyền có thể bị xử phạt tới 500 triệu đồng (với các cá nhân) tới 1 tỉ đồng (với các tổ chức), thậm chí có thể bị xử lý hình sự.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, việc bảo vệ bản quyền đã được Bộ VHTTDL đánh giá là một trong những việc làm đầu tiên, quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, Cục Bản quyền đã được kiện toàn hơn, Trung tâm Giám định quyền tác giả, quyền liên quan cũng được thành lập…

Cần áp dụng công nghệ vào quản lý bản quyền

Hội thảo đã chỉ ra rằng, việc thực thi Quyền tác giả đang gặp nhiều thử thách lớn trong thời đại công nghệ số. Công nghệ số giúp cho việc phổ biến và phân phối tác phẩm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, mang đến cho chủ sở hữu Quyền tác giả những thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, công nghệ số cũng mang đến nhiều rủi ro cho các chủ sở hữu bản quyền. Bên cạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý, hệ thống quản lý và hệ thống thực thi, việc áp dụng công nghệ đang trở thành một giải pháp vô cùng quan trọng để nâng cao hiệu quả của việc bảo vệ Quyền tác giả.

Theo Cục Bản quyền tác giả, Việt Nam còn yếu trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại để bảo vệ Quyền tác giả. Đây là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Việt Nam cần chú trọng để có thể nâng cao hiệu quả thực thi Quyền tác giả.

Đại diện của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho hay, tổ chức này đặc biệt chú ý tới nhu cầu của các nước đang phát triển như Việt Nam trong quá trình cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước thành viên. Với những hỗ trợ từ WIPO và các đối tác quan trọng như Hàn Quốc, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc trang bị công nghệ và hoàn thiện hệ thống quản lý, thực thi để có thể thiết lập được một hệ thống bản quyền vững chắc trước những cơ hội và thách thức mới.

Ông Brian Nicholas Garnett, Chủ tịch Interright Co Limited chia sẻ: Thế giới mới của bản quyền đều liên quan đến cuộc “cách mạng công nghệ”. Trong khi đó, thách thức trong lĩnh vực phát triển công nghệ số đang vừa là cơ hội nhưng cũng lại là rào cản lớn của ngành công nghiệp văn hóa. Nhất là lĩnh vực phim ảnh, ca nhạc, hội họa… điều này xảy ra trên toàn thế giới không riêng gì Việt Nam.

Cần thay đổi ý thức "xài chùa" của người Việt (ảnh minh họa luatdatdaitrihung.com)

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực thi quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, ông Dae Hee Lee, GS khoa Luật Trường ĐH Hàn Quốc cho biết: “Pháp luật về môi trường kỹ thuật số gồm các quy định quốc tế nhằm bảo hộ quyền tác giả hoặc quyền của người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm trong môi trường kỹ thuật số. Hiệp định thương mại tự do FTAs Hàn Quốc, Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Việt Nam… cũng bao gồm nhiều quy định mạnh mẽ về bản quyền kỹ thuật số…”.

Khẳng định, Việt Nam đã có hệt thống pháp luật đầy đủ về Quyền tác giả theo Luật Bản quyền, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Hệ thống pháp luật Việt Nam đã bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quan hệ pháp luật mới, theo xu hướng quốc tế gồm Luật Bản quyền tác giả; tham gia các điều ước song, đa phương… Hệ thống thực thi với nhiều biện pháp từ tự bảo vệ, dân sự đến xử phạt hành chính, hình sự… đã được hoàn thiện.

Ông Hùng cũng nhận định: Điều quan trọng, ngoài những trang bị về hệ thống pháp lý, quản lý và thực thi… thì vấn đề cốt yếu đúng như các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã khẳng định, phải có cuộc “cách mạng” công nghệ số để người dùng có ý thức, thay đổi thói quen dùng miễn phí như hiện nay./.

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ