• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất chấp chỉ trích, Nhật Bản "lặng lẽ" tái khởi động đánh bắt cá voi thương mại

Thế giới 28/12/2018 15:35

(Tổ Quốc) - Nhật Bản cho biết, họ sẽ bắt đầu lại việc đánh bắt cá voi với mục đích thương mại vào tháng 7 năm sau.

Quốc gia châu Á cho biết sẽ rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) - cơ quan được giao nhiệm vụ bảo tồn cá voi.

Đánh bắt cá voi thương mại đã bị IWC cấm vào năm 1986 sau khi một số loài gần như bị tuyệt chủng. Mặc dù là một thành viên của IWC từ năm 1951 nhưng giới chức Nhật Bản nói rằng, ăn cá voi là một phần của văn hóa đất nước này.

Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã săn cá voi với mục đích mà họ gọi là "nghiên cứu khoa học" và để bán thịt - một chương trình bị các nhà bảo tồn chỉ trích mạnh mẽ.

Thông báo mới của chính phủ Nhật Bản đã được dự kiến từ trước, nhưng các nhóm bảo tồn cảnh báo, hành động này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng bởi vì, Nhật Bản sẽ có thể tự do đánh bắt các loài cá voi hiện đang được IWC bảo vệ, bao gồm cả giống cá voi mũi nhọn (minke).

Bất chấp chỉ trích, Nhật Bản lặng lẽ tái khởi động đánh bắt cá voi thương mại - Ảnh 1.

Hiện tại, Nhật Bản đánh bắt cá voi theo một chương trình được gọi là nghiên cứu khoa học

Nhật Bản muốn làm gì?

Người phát ngôn chính phủ Yoshi DA Suga cho biết việc săn bắt cá voi thương mại sẽ bị hạn chế trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản sẽ ngừng săn bắt ở vùng biển Nam Cực và Nam bán cầu. Động thái này đã nhận được sự hoan nghênh của các nhóm bảo tồn ngay trước khi nó được chính thức xác nhận.

Tokyo cũng tuyên bố, IWC đã không thực hiện đủ cam kết với một trong những mục tiêu của mình, đó là hỗ trợ đánh bắt cá voi thương mại bền vững. Theo Nhật Bản, IWC chỉ tập trung vào mục đích bảo tồn về số lượng.

Một số cộng đồng ven biển ở Nhật Bản đã săn bắt cá voi trong nhiều thế kỷ, nhưng mức tiêu thụ ở nước này chỉ tăng sau Thế chiến thứ hai khi cá voi là nguồn thịt chính. Tỷ lệ này đã giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây.

Tờ Asahi của Nhật Bản đưa tin, thịt cá voi chỉ chiếm 0,1% tổng số thịt được bán tại Nhật Bản.

Bất chấp chỉ trích, Nhật Bản lặng lẽ tái khởi động đánh bắt cá voi thương mại - Ảnh 2.

Hiện tại Nhật Bản đánh bắt khoảng 300 đến 400 con cá voi mỗi năm

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Trong một tuyên bố chung, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne và Bộ trưởng Môi trường Úc Melissa Price cho biết họ "vô cùng thất vọng" với quyết định của Nhật Bản.

Tuyên bố nói thêm: "Úc vẫn kiên quyết phản đối tất cả các hình thức thương mại và cái gọi là" đánh bắt cá voi khoa học ".

Bà cho biết: "Đây là con đường của một quốc gia săn bắt cá voi bất hợp pháp, với sự coi thường pháp luật quốc tế đáng lo ngại".

Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) Nhật Bản kêu gọi chính phủ xem xét lại quyết định và cảnh báo, Nhật Bản sẽ có nguy cơ đối mặt với chỉ trích khi là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6 năm sau.

Sam Annesley, giám đốc điều hành của Hòa bình xanh Nhật Bản cho biết: "Rõ ràng là chính phủ đang cố gắng lặng lẽ đưa ra thông báo này vào cuối năm, nhằm tránh xa sự chú ý của truyền thông quốc tế, nhưng thế giới đã biết được điều gì đang xảy ra".

"Tuyên bố hôm nay không phù hợp với cộng đồng quốc tế, nói gì đến việc bảo vệ cần thiết để gìn giữ tương lai cho các đại dương của chúng ta và những sinh vật hùng vĩ này."

Bất chấp chỉ trích, Nhật Bản lặng lẽ tái khởi động đánh bắt cá voi thương mại - Ảnh 3.

Sushi làm từ thịt và mỡ cá voi được bán ở quận Miyagi

Năm 1986, các thành viên của IWC đã đồng ý một lệnh cấm đánh bắt để cho trữ lượng cá voi được phục hồi. Tuy nhiên, các nước như Nhật Bản, Na Uy và Iceland lập luận rằng, ăn cá voi là một phần trong văn hóa của họ và nên tiếp tục đánh bắt cá voi theo cách bền vững.

Nhật Bản đơn giản chỉ cần rời khỏi IWC?

Nhật Bản vẫn sẽ bị ràng buộc bởi một số luật lệ quốc tế, ngay cả khi rời khỏi IWC.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển buộc các quốc gia hợp tác bảo tồn cá voi "thông qua các tổ chức quốc tế thích hợp để bảo tồn, quản lý và nghiên cứu". Tuy nhiên, các văn bản không nói đó là tổ chức quốc tế nào.

Nhật Bản có thể cố gắng thành lập một cơ quan quốc tế khác nếu họ tìm được đủ các quốc gia gia nhập - hoặc chuyển sang tham gia một tổ chức hiện có như Ủy ban Động vật có vú Biển Bắc Đại Tây Dương (Nammco). Giống như một phiên bản nhỏ hơn của IWC, Nammco là một nhóm các quốc gia săn bắt cá voi - Na Uy, Iceland, Greenland và Quần đảo Faroe - được hình thanh từ sự bất mãn với IWC.

Tại sao IWC không thể đồng ý?

Mỗi năm, Nhật Bản đánh bắt được khoảng từ 200 đến 1.200 con cá voi. Nước này cho biết họ đang điều tra số lượng cá voi để xem liệu loài cá này có nguy cơ tuyệt chủng hay không.

Nhật Bản đã nhiều lần cố gắng phớt lờ lệnh cấm của IWC và duy trì một thỏa thuận về hạn ngạch đánh bắt bền vững. 

Nỗ lực mới nhất của Tokyo diễn ra hồi vào tháng 9 tại hội nghị thượng đỉnh IWC ở Brazil. Nhật Bản đề nghị một gói các biện pháp, bao gồm thiết lập một Ủy ban Cá voi bền vững và giới hạn đánh bắt bền vững "cho trữ lượng/loài cá voi dồi dào".

Ý tưởng trên đã bị bác bỏ. Kể từ đó, đã có những cuộc thảo luận liên quan tới việc quốc gia châu Á đơn giản chỉ cần rời khỏi IWC, để không còn phải chịu sự ràng buộc của tổ chức này nữa.

Nguyễn Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ