• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bế mạc cuộc thi độc tấu hoà tấu nhạc cụ dân tộc

Văn hoá 03/12/2008 13:01

(Toquoc)- Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ III đã biểu diễn bế mạc và trao giải tối 2/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam thể hiện sự vượt trội với việc đoạt được 6/7 giải nhất của cuộc thi.

(Toquoc)- Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ III đã biểu diễn bế mạc và trao giải tối 2/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam thể hiện sự vượt trội với việc đoạt được 6/7 giải nhất của cuộc thi.

Cuộc thi đã thu hút 170 thí sinh đến từ 13 đơn vị nghệ thuật, trong đó có 10 thí sinh khiếm thị đến từ trường Nguyễn Đình Chiểu, sáu thí sinh là người dân tộc thiểu số: Tày, Mường, Dao, H’mông.

Ban tổ chức đã trao giải nhất cho các thí sinh: Lê Minh (đàn nhị), Nguyễn Quang Hưng (đàn bầu - bảng B), Nguyễn Tiến Giáp (đàn bầu - bảng A) Nguyễn Minh Trang (đàn tranh), Phạm Thị Phượng (tỳ bà), Nguyễn Ngọc Anh (sáo trúc), Nhóm Đồng nội (hòa tấu). Bên cạnh đó có 10 giải nhì, 14 giải ba và 3 giải khuyến khích cũng đã được trao cho các thí sinh.

Phát biểu tại lễ biểu diễn bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Lê Tiến Thọ đánh giá: “Cuộc thi đã thực sự trở thành ngày hội của âm nhạc dân tộc, góp phần bảo vệ và tôn vinh các giá trị nghệ thuật truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay”

Thay mặt hội đồng giám khảo, NSND Trần Quý cho rằng: Cuộc thi đã cổ vũ việc dạy và học nhạc cụ dân tộc tại các trường âm nhạc, là cơ hội để các thí sinh nâng cao khả năng trình diễn, kỹ thuật và phong cách thể hiện. NSND cũng cho biết: ông rất mừng và bất ngờ trước khả năng trình diễn của các thí sinh ở tuổi dưới 16 (Bảng A). Theo NS, đó là tín hiệu vui cho thấy sự phát triển bền vững của âm nhạc dân tộc.

Với đêm biểu diễn bế mạc được tổ chức khá chu đáo, cuộc thi Độc tấu, hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần III đã kết thúc tốt đẹp. Thể hiện sự đam mê nhạc cụ dân tộc của thế hệ trẻ và sự phát triển bền vững của loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, có một tồn tại là thiếu tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc. Dù BTC đã quy định các thí sinh không được thể hiện bài thi ở vòng 2 giống vòng 1 nhưng lại có rất nhiều thí sinh biểu diễn trùng một bản nhạc trong một vòng. Điều đó dẫn đến khán giả phải nghe đi nghe lại một bản nhạc, chỉ khác người thể hiện.

Từ sau cuộc thi lần II năm 2003, đến nay, sau 5 năm, cuộc thi Độc tấu và Hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc lần thứ III mới được tổ chức. Ông Lê Ngọc Cường- Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: “BTC mong muốn sẽ tổ chức cuộc thi này định kỳ khoảng 2, 3 năm một lần để cổ vũ tinh thần dạy và học nhạc cụ dân tộc trong các trường nghệ thuật hơn nữa”.

Tin&ảnh: Hà Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ