Vài ngày gần đây, bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm nhập viện liên tục tăng. 50% bệnh nhân tiêu chảy cấp nằm ở Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia, BV E Hà Nội, dương tính với phẩy khuẩn tả. Có người trụy mạch, nguy hiểm tính mạng..
Liên tục các ca cấp cứu “Hôm 11/5, chỉ có 26 bệnh nhân tiêu chảy nhập viện, hôm sau đã thêm 30 bệnh nhân. Tính đến chiều muộn hôm qua, cả viện có 79 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm (33 ca qua soi và cấy phân phát hiện dương tính với phẩy khuẩn tả). Đặc biệt, có 2 bệnh nhân đang mang thai, một người mới được 19 tuần thai, người đã được hơn 8 tháng. Số bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng, trong khi chỉ mới có 60 giường bệnh dành cho các bệnh nhân này”, ThS Hà nói. 11h sáng nay, có mặt tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, khoa Viêm gan, chúng tôi chứng kiến cảnh các bác sĩ phải liên tục cấp cứu bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm vào nhập viện. Các giường bệnh nằm ghép hai đều kín mít, bệnh nhân mới vào đều phải nằm giường kê dọc hành lang. “Mấy ngày hôm nay, số lượng bệnh nhân tăng lên từng ngày. Các bác sĩ đã phải tăng cường kíp trực, ca trực. Trước đây, chỉ có 4 bác sĩ cho một ca trực, nay đã phải bổ sung lên 6 người mà việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân tiêu chảy cấp vẫn không xuể”, BS Ngọc nói. Tại bệnh viện E Hà Nội, nơi bệnh nhân mắc tả năm 2009 nhập viện, số lượng bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm phải nhập viện điều trị cũng tăng nhanh. Bác sĩ Phạm Văn Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện E, cho biết: "Mấy ngày qua, số ca tiêu chảy cấp trong đó có tả tăng lên nhanh chóng. Hiện cả khoa truyền nhiễm có 22 giường bệnh nhưng hiện có tới 40 bệnh nhân, qua soi và cấy phân tại viện thì có 23 ca dương tính với khuẩn phẩy tả". Nhiều bệnh nhân bị truỵ mạch, nguy hiểm tính mạng Theo TS Hà, các bệnh nhân nhập viện nằm rải rác ở hầu hết các quận, huyện của Hà Nội nhưng đông nhất vẫn là ở Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông. Đáng nói, do nhiều người chủ quan, bị đi ngoài liên tục vẫn không tới viện, chỉ tới lúc quá nặng, mất nước trầm trọng, chân tay co quắp mới đưa đi cấp cứu nên bệnh tình rất nặng. Hiện có 8 bệnh nhân bị trụy mạch, nhờ được cấp cứu kịp thời mới qua khỏi nguy hiểm nhưng hiện vẫn đang phải nằm ở khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực. Ví như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn (Nhân Chính, Thanh Xuân). Cả nhà gồm 4 người đã phải nhập viện sáng 11/5 với các triệu chứng đi ngoài ồ ạt, liên tục. Anh kể, tối 9/5, vợ anh có mua thịt chó chín ở chợ về và cả nhà cứ thế ăn, không qua chế biến. Đến cả ngày hôm sau, cả nhà ăn uống bình thường, thức ăn tự nấu. Vậy mà đến tối hôm đó, 4 người nhà anh liên tục thay nhau chạy vào toilet vì bị tào tháo đuổi nhưng anh chủ quan nghĩ chắc chỉ ngộ độc thực phẩm. Mãi sáng hôm sau, đi ngoài không có dấu hiệu đỡ, cậu con trai 9 tuổi vẫn nôn, đi ngoài liên tục kèm mệt lả, cả nhà phải bắt tắc-xi vào viện. Đến giờ, tuy đã hết đi ngoài nhưng vẫn phải nằm viện vì chờ kết quả cấy phân, khi nào âm tính với khuẩn phẩy tả mới được xuất viện. “Bình thường, nghe đến bệnh tả, tôi cũng chẳng sợ lắm, vẫn ăn hàng quán, rau sống. Nhưng lần này, chắc cạch đến già. Chưa phải người bệnh, chỉ đi chăm chồng bị bệnh thôi mà đã kinh hoàng, lúc nào cũng muốn nôn oẹ. Ở đây, chẳng có âm thanh gì ngoài tiếng nôn và đi ngoài òng ọc của bệnh nhân. Vừa đóng bỉm mới lại thấy “ục” một cái, trào hết ra ngoài, tanh và khủng khiếp lắm”, một nữ phóng viên đang chăm chồng bị tiêu chảy cấp nguy hiểm tại Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia kể. Tại bệnh viện E, ông T (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, chưa bao giờ ông bị tiêu chảy cấp khủng khiếp như lần này. Cứ cách 1 tiếng lại ôm bụng chạy vào nhà vệ sinh, đi òng ọc toàn nước. Sau đó thì nôn thốc nôn tháo. Cứ nghĩ ngộ độc thực phẩm thường, không đi viện. Nào ngờ không đỡ, tới lúc đi không vững, chân run mới gọi cấp cứu đưa vào viện. TS Nguyễn Hồng Hà cho biết, qua điều tra thì thấy đa số bệnh nhân có liên quan tới ăn hàng quán, có rau sống, mua thức ăn ngoài đường phố về ăn mà không chế biến lại. Ông Hà nhấn mạnh: “Vì lây qua đường ăn uống nên để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, quan trọng nhất là ăn chín uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng”. Nhận định về tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết: "Trong thời gian tới, có thể sẽ ghi nhận thêm một số tỉnh có trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm do sự giao lưu qua lại giữa các khu vực, đặc biệt là do điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, ngập lụt tạo điều kiện cho việc phát tán mầm bệnh. Nhất là nếu không cải thiện thói quen ăn uống mất vệ sinh thì dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm càng có nguy cơ lan rộng ra cộng đồng". (Theo Dân trí)