• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm nóng vội trong điều hành

Thời sự 09/01/2018 14:30

(Tổ Quốc) -Sáng 9/1, tiếp tục phiên tòa xử vụ “Cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN”, bị cáo Đinh La Thăng đã trả lời thẩm vấn.

PVC đủ năng lực thực hiện tổng thầu

Bị cáo Đinh La Thăng làm Chủ tịch HĐQT từ tháng 2/2006 đến 2007. Tại tòa, bị cáo cũng nêu nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT PVN theo quy định của pháp luật.

Trả lời câu hỏi về việc bị cáo có biết vụ việc chỉ định PVC làm tổng thầu tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 hay không? Bị cáo Đinh La Thăng cho hay, tại Kết luận số 31 của Bộ Chính trị về việc phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tới 2025 thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh ngoài ngành, trong đó đẩy mạnh doanh thu của khối dịch vụ trong tổng doanh thu; triển khai các Nghị quyết như Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chỉ đạo của Chính phủ về việc phát huy nội lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế…

 Bị cáo Đinh La Thăng chuẩn bị vào phòng xử án. Ảnh: Nam Nguyễn

Bị cáo Thăng cho hay, xuất phát từ tháng 1/2006, PVN được thực hiện các dự án dầu khí trong ngành. Tháng 2/2009, Thủ tướng cho PVN chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện dự án đầu tư trong ngành. Từ đó PVN xây dựng các công ty con để phát triển trong đó có PVC và chỉ đạo thực hiện xây dựng một đơn vị xây lắp mạnh của nhà nước và Tập đoàn.

“Chính phủ chỉ đạo khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sớm nhưng bị cáo thấy thực hiện liên doanh tổng thầu sẽ mất thời gian, còn tổng thầu sẽ thực hiện nhanh hơn. Trong hoàn cảnh cấp bách đó bị cáo đã xin Chính phủ cho PVC là tổng thầu"- ông Đinh La Thăng bình tĩnh nói.

Tháng 6/2010, bị cáo ký quyết định số 5392 đồng ý chủ trương giao PVC làm tổng thầu.

Ngay sau đó, Thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi: trước khi chỉ định thầu có kiểm tra năng lực tài chính của PVC không?".

Ông Thăng cho hay, năm 2010, PVN đã bán bớt cổ phần của PVC, thu được gấp 2,5 lần. Về năng lực thầu, PVC đã tham gia nhiều dự án như Điện Cà Mau 1, 2, Thái Bình 1… Một số dự án PVC liên doanh với Lilama còn làm lợi cho nhà nước khoảng 100 triệu đô la và tới nay dự án này vẫn hoạt động tốt.

“HĐTV làm việc có bộ máy giúp việc của tập đoàn, các ban đều báo cáo PVC có đủ năng lực thực hiện”- ông Thăng nói.

 Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: Nam Nguyễn

Liên quan tới ký hợp đồng số 33, tại tòa, ông Thăng khai không trực tiếp chỉ đạo ký.

Ngày 24/2/2011, ông Thăng phê duyệt thiết kế hiệu chỉnh và lúc đó, ông nhận thức được hợp đồng 33 còn thiếu các thủ tục.

"Vậy sao chỉ 4 ngày sau đó đã khởi công xây dựng được?"- Thẩm phán Toàn ngắt lời.

Cám ơn câu hỏi này, ông Thăng giải thích, PVN cùng một lúc triển khai nhiều dự án, trong đó có cả các dự án trọng điểm quốc gia nên tập đoàn luôn chỉ đạo các công ty thực hiện đồng bộ các vụ việc, không đợi việc này xong mới làm việc kia.

Bị cáo Thăng nhận trách nhiệm do nôn nóng

Cáo trạng cho hay, ông Đinh La Thăng- Chủ tịch HĐQT PVN đã chỉ định thầu trái luật cho PVC. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng với PVC, tạm ứng cho công ty này 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC (Hợp đồng số 33).

Cáo trạng cho rằng, việc này là trái với các quy định của Nhà nước. PVC cũng đã sử dụng một phần số tiền tạm ứng sai mục đích. Hiện mới thu về được 1.087 tỷ đồng, thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.

Diễn biến tiếp theo của buổi sáng 9/1, các bị cáo khác được gọi thẩm vấn về nội dung này.

Việc tạm ứng tiền cho PVC, ông Thăng cho rằng đó là việc của chủ đầu tư, không cần chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch HĐTV.

 Ông Đinh La Thăng trước tòa. Ảnh: Thái Tùng

Bị cáo cho rằng, khi chủ đầu tư ứng tiền cho nhà thầu thì đã yêu cầu rõ sử dụng tiền cho Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, không được sử dụng sai mục đích.

Còn về chỉ đạo của ông Thăng cho tạm ứng 10%, bị cáo khai: có chỉ đạo đó nhưng lúc ấy ông chưa biết về Hợp đồng số 33.

Sau phần này, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (cựu Kế toán trưởng PVN) khai Hợp đồng 33 có một số khiếm khuyết và ông chỉ báo cáo với cấp trên là Nguyễn Xuân Sơn. Việc chi tiền cũng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ông Sơn. Ông Quỳnh cũng trả lời là đã nhận được công văn ký ngày 30/5/2011 của ông Thực, ông Khánh, ông Sơn cho câu hỏi của Thẩm phán: "Có khi nào bị cáo nhận được bút phê của ông Thăng về việc chi 1.000 tỷ không?".

Tiếp theo đó, bị cáo Vũ Hồng Chương (cựu Trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) được gọi lên đối chất. Ông này cho hay, một buổi chiều được ông Thăng gọi lên để trả lời về việc vì sao chưa tạm ứng tiền cũng không làm văn bản tạm ứng cho PVC.

Khi đó, bị cáo Chương trả lời Hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện.

Bị cáo ông Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) sau đó được gọi đối chất nhưng phủ nhận có bút phê của ông Thăng trong việc tạm ứng.

Hết phần chất vấn, ông Thăng nói “tôn trọng câu trả lời của các bị cáo”

Cuối phần này, ông Thăng chia sẻ, kết quả sản xuất kinh doanh của PVC được kiểm toán công khai và doanh nghiệp vẫn có lãi. Với doanh nghiệp, vốn và nguồn vốn cùng khó khăn trong một thời điểm đó là việc bình thường.

Trả lời câu hỏi của Chủ tọa HĐXX về trách nhiệm của bị cáo với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng nói, trong quá trình điều tra, bị cáo đã nhận trách nhiệm trước cơ quan điều tra. Với tư cách là người đứng đầu, sau 10 năm nhìn lại dự án, bị cáo nhận thấy sức ép về tiến độ, bị cáo có nôn nóng, nóng vội nên vi phạm quy trình thủ tục.

“Bị cáo nhận trách nhiệm”- ông Thăng nói và ngay sau đó được đưa về phòng cách ly./

Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ