(Tổ Quốc) - Các dự án bất động sản sở hữu những cái tên "to lớn, nước ngoài và kỳ quái" tại Trung Quốc giờ đây sẽ phải đối tên theo luật định.
Chính quyền Trung Quốc không thích những cái tên "to lớn, nước ngoài và kỳ quái" (ảnh: SCMP)
Trang SCMP đưa tin, hàng chục nghìn dự án căn hộ, khách sạn, khu đô thị, văn phòng… tại Trung Quốc đang bị buộc phải đổi tên. Nguyên nhân bắt nguồn từ một chính sách liên bộ năm 2018 của chính phủ Trung Quốc nhằm loại bỏ các tên "To lớn, Nước ngoài, Kỳ quái" và các tên đồng âm. Cụ thể, chính quyền các tỉnh và thành phố được yêu cầu phải lập ra một danh sách các địa điểm có tên bị liệt vào các hạng mục trên và sau đó đưa ra hướng dẫn đổi tên.
Những tên mang hàm ý phóng đại hoặc ý nghĩa của dự án/địa danh, với những từ như "thế giới", "to lớn", "quốc tế", thậm chí là "trung tâm" sẽ bị coi là vi phạm lệnh cấm đặt tên "To lớn".
Các tên "Kỳ quái" bao gồm sự kết hợp giữa chữ số và biểu tượng như "Tổ hợp No. 6" và "Thị trấn EE-New" tại tỉnh Thiểm Tây; hay các từ mang tính xúc phạm như cầu Miezi (cầu bài chủ nghĩa tư bản) nằm giữa hai thị trấn Panyang và Maoyang tại Hải Nam. Các từ đồng âm là những từ Trung Quốc đọc lên giống nhau nhưng ý nghĩa lại khác biệt.
Ngoài ra còn có hạng mục "Nước ngoài" – một trong "chiến thuật" đặt tên thông dụng nhất của các nhà thấu xây dựng Trung Quốc. Ví dụ như khu dân cư Seine tại Thiên Tân, thị trấn Thames tại quận Tùng Giang, Thượng Hải…
"Các công ty Trung Quốc thường sử dụng tên nước ngoài để khiến các dự án của họ nghe giống như mang đẳng cấp cao", ông Zhao, nhân viên một công ty xây dựng cho hay.

Một góc thị trấn Thames mang đậm phong cách Anh quốc tại Thượng Hải (ảnh: scmp)
Tuy nhiên, chính phủ vẫn cho phép giữa lại các tên nước ngoài "thể hiện tình hữu nghị của người dân Trung Quốc với cộng đồng thế giới", bao gồm ba công viên Lenin tại các tỉnh Tứ Xuyên, Giang Tây và Phúc Kiến. Các tập đoàn nước ngoài như Siemens, Hilton Hotel cũng được phép giữ lại các tên đã được chuyển ngữ sang tiếng Trung Quốc và đăng ký với chính quyền địa phương.
Theo Simon Huang, một chuyên gia marketing tại Thâm Quyến, nhiều nhà thầu Trung Quốc đăng ký dự án của mình dưới các tên địa phương, nhưng lại quảng bá bằng các tên khác ấn tượng hơn.
"90% các tên sử dụng trong các chiến dịch marketing không được luật pháp bảo vệ, nhưng việc thay đổi những cái tên vốn rất quen thuộc chỉ trong một đêm, có thể gây nên khó hiểu cho người dân", ông Huang nói.
"Việc thực thi nên diễn ra một cách từ từ và linh hoạt để giảm thiểu việc kinh doanh bị gián đoạn, ví dụ như nhầm lẫn địa chỉ mới… Nhà chức trách cần phải lắng nghe ý kiến người dân nhiều hơn", Yan Yuejin, một giám đốc của Viện nghiên cứu và phát triển E-house Trung Quốc, nhận xét.