• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Biển Đông 2017: Mỹ nói mạnh, làm nhẹ

Thế giới 02/01/2018 09:03

(Tổ Quốc) - Chính quyền Trump có thể vẫn đang lúng túng trong việc hoạch định một chính sách Biển Đông.  

Năm 2017, cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa trên bán đảo Triều Tiên đã trở nên tồi tệ, thu hút phần lớn sự quan tâm và đối phó của Mỹ với các đối tác và đối tượng ở Đông Bắc Á. Biển Đông đã không nằm trong chương trình nghị sự trong quan hệ giữa Mỹ-Trung. Tại chặng dừng chân ở Đông Bắc Á trong chuyến công du của ông Trump, vấn đề Triều Tiên đã chiếm trọn chương trình nghị sự và xung đột trên Biển Đông hầu như không được đề cập. 

Lời nói

Ngoài những tuyên bố thất thường của giới lãnh đạo Mỹ, bản Chiến lược An ninh Quốc gia của Donald Trump (NSS-2017), công bố ngày 18/12, viết: “Những nỗ lực xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở vùng Biển Đông đe dọa tự do thương mại, chủ quyền của các quốc gia khác và gây bất ổn trong khu vực. Trung Quốc lên kế hoặch cho một chiến dịch hiện đại hóa quân sự nhanh chóng để hạn chế sự tiếp cận của Mỹ ở khu vực và ngăn cản Trung Quốc tự tung tự tác trong khu vực”.

Trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Abe, hai bên đã tái khẳng định sự cần thiết cho một giải pháp hòa bình cho vấn đề này, tôn trọng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải và hàng không, đồng thời chia sẻ mối quan tâm về “việc quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông”.

Hải quân Mỹ trên tàu sân bay Carl Vinson đang tập trận ở Biển Đông.

Trong thời gian thăm Việt Nam, vấn đề Biển Đông có được đề cập nhiều. Trong tuyên bố chung, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của “việc tiếp cận mở và tự do trên Biển Đông, tầm quan trọng của việc giao thương, trao đổi hàng hóa theo luật pháp không bị cản trở” và sự cần thiết đối với tất cả các bên nhằm “kiềm chế và tránh các hoạt động gây gia tăng căng thẳng, việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp, và sự nghiêm cấm trái phép sự tự do trên các vùng biển”.

Tại Hà Nội và Manila, ông Trump còn bất ngờ đưa ra một ý tưởng thăm dò rằng Mỹ sẵn sàng làm nhà trung gian hòa giải cuộc tranh chấp Biển Đông. Ý kiến này đã được đón nhận một cách thận trọng và lịch sự. Nhưng không nói cũng biết, nó không thể dẫn đến đâu.

Việc làm

Về hành động, trong năm 2017, Hải quân Mỹ tiến hành 4 cuộc tuần tra “tự do hàng hải” (FONOP) ở Biển Đông, tương đương với số lượng FONOP mà chính quyền Obama tiến hành.

Tàu chiến Mỹ tuần tra ngang qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

Không quân Mỹ vẫn duy trì các hoạt động thu thập thông tin tình báo, giám sát và do thám (ISR) thường xuyên ở Biển Đông.

Ngày 8/6/2017, hai máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ, có căn cứ ở Guam, đã thực hiện nhiệm vụ bay 10 giờ qua biển Nam Trung Hoa và hoạt động với tàu USS Sterett (DDG 104), một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Ngày 6/7, hai máy bay ném bom B-1B Lancer của Không quân Mỹ đã bay qua biển Hoa Đông và Biển Đông. 

Ngoài ra, nhóm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson, cùng với một liên đội tàu khu trục và thêm một tàu khu trục lớp Arleigh Burke, đã diễn tập ở Biển Đông trong vòng 1 tháng. Vào giữa tháng 4/2017, tàu USS Stethem (DDG63) đã được triển khai đến vùng biển này. Hải quân Mỹ gọi là “các hoạt động thường lệ”. 

Điểm khác biệt so với thời Barack Obama là Tổng thống Trump đã ủy quyền cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra quyết định về thời gian và địa điểm tiến hành các cuộc tuần tra hiện diện và FONOP. Trước đây, Nhà Trắng kiểm soát mọi động thái của Mỹ về Biển Đông chặt chẽ “đến mức nghẹt thở”, như nhận xét của Kurt M. Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về châu Á-Thái Bình ương dưới thời Hillary Clinton, nhận xét trong hồi ký “Xoay trục”. 

Ngày 20/7/2017, hãng tin Breitbart đã đưa tin Tổng thống Trump phê duyệt một kế hoạch được soạn thảo vào tháng 4 của Bộ Quốc phòng về một lịch trình các FONOP thường xuyên ở biển Nam Trung Hoa để thách thức các tuyên bố quá mức của Trung Quốc. Trên thực tế, tổng thống đã trao quyền cho các quan chức quân sự phù hợp nhất quyết định và thực thi kế hoạch này.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều cần phải thiết lập một cơ chế nhằm xử lý cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở Biển Đông. Chẳng hạn như thông báo về các hoạt động quân sự lớn, một đường dây nóng và những quy tắc hành xử vì sự an toàn cho các cuộc va chạm trên biển và trên không. Tuy nhiên, tất cả các cơ chế này đều là tự nguyện và không có tính ràng buộc.

Theo nguồn tin của Phil Star, ngày 18/12/2017, hồi giữa tháng 12, Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định Washington hiện có  một cơ chế tích cực để Mỹ và Trung Quốc có thể trao đổi những vấn đề phức tạp, như Biển Đông; rằng Mỹ đã lưu ý với Trung Quốc rằng Mỹ hy vọng hai nước có thể tìm ra một biện pháp nhằm “đóng băng” việc xây dựng và quân sự hóa các cơ sở trên Biển Đông.

Cuối năm ngoái, Mỹ nêu lên khái niệm chiến lược thúc đẩy kết nối khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Đây được coi là một nỗ lực nhằm tập hợp lực lượng mới nhằm kiềm chế và làm suy yếu vai trò của Trung Quốc trong khu vực này. Chưa rõ, Biển Đông được kết nối như thế nào trong chiến lược còn mới mẻ này.

Chính quyền Trump có thể vẫn đang lúng túng trong việc hoạch định một chính sách Biển Đông./. 

 

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ