• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ Giao thông kiến nghị sắp xếp trạm thu phí

Thời sự 11/08/2015 06:07

(Toquoc)- Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng phương án sắp xếp, dịch chuyển các trạm thu phí BOT

(Toquoc)- Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng phương án sắp xếp, dịch chuyển các trạm thu phí BOT đường bộ trên quốc lộ cả nước.

Xóa hai trạm, dịch chuyển bốn trạm

Theo văn bản này, trên các tuyến quốc lộ của cả nước hiện có 86 trạm đang và sẽ thu phí khi các dự án hoàn thành đưa vào khai thác. Trong đó có 72 trạm do Bộ Giao thông vận tải quản lý và 14 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với nhà đầu tư.

Bộ này cũng đưa ra những lý lẽ nhằm giải thích cho việc hình thành các trạm thu phí BOT với hai giai đoạn: trước và sau khi Nghị định 18 năm 2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.

Theo đó, trước 1/1/2013, Bộ này tổ chức hai hệ thống trạm thu phí sử dụng đường bộ là trạm thu nộp ngân sách Nhà nước và trạm thu phí các dự án BOT.

Giai đoạn trước năm 2013, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận đầu tư xây dựng một số tuyến đường tránh thị xã, TP nhằm cải tạo, nâng cấp đường bộ để xử lý điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông theo hình thức BOT. Tuy nhiên, do lưu lượng xe ít, tính hấp dẫn của dự án BOT không cao nên Nhà nước đồng ý sử dụng một số trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước hiện có (nằm ngoài phạm vi dự án BOT) để hoàn vốn cho các dự án BOT này.

Với giai đoạn sau 2013 tới nay, Bộ đã cho phép xoá bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước để chuyển sang thu theo đầu phương tiện, còn các trạm thu phí BOT vẫn giữ nguyên như cũ.



Trên các tuyến quốc lộ của cả nước hiện có 86 trạm đang và sẽ thu phí (ảnh: Thái Linh)

"Các trạm thu phí BOT được chuyển đổi từ trạm thu phí nộp ngân sách trước đây không thể xóa bỏ được vì nhà đầu tư đã thế chấp quyền thu phí tại ngân hàng để vay vốn tín dụng dự án và Nhà nước cũng không thể cân đối được nguồn tiền để đền bù, mua lại quyền thu phí cũng như tiếp tục thực hiện các dự án BOT đang dang dở" - văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường ký nêu.

Trên cơ sở này, Bộ Giao thông vận tải đề xuất giữ nguyên trạng 75 trạm trạm thu phí. Đồng thời, xóa bỏ hai trạm thu phí là Trạm Đèo Ngang tại Km590 QL1 (Hà Tĩnh) và Trạm thu phí Nam Hải Vân. Nguyên nhân được dẫn giải rằng, hai dự án BOT hầm Đèo Ngang và tuyến tránh Hà Tĩnh cùng một nhà đầu tư và thời gian thu phí tại Trạm Đèo Ngang không còn dài nên Bộ đang đàm phán với nhà đầu tư xoá bỏ trạm này theo phương án kéo dài thời gian thu phí tại Trạm Cầu Rác để hoàn vốn phần còn lại cho dự án BOT hầm Đèo Ngang.

Với trạm thu phí Nam Hải Vân sẽ được xoá bỏ đầu năm 2016 và dùng Trạm thu phí Hoà Phước để hoàn vốn cho cả hai dự án BOT Hoà Cầm - Vĩnh Điện và dự án BOT đoạn Km947 - Km987 (Quốc lộ 1) do cùng một nhà đầu tư.

Ngoài ra, bốn trạm được đề nghị dịch chuyển bao gồm: Trạm thu phí Đức Phổ, Trạm Bàn Thạch; Trạm Ninh Anh; Trạm Bảo Lộc (thuộc Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20).

Sáp nhập trạm không tăng mức thu

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 10/8, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, việc xoá bỏ hai trạm Đèo Ngang và Nam Hải Vân Bộ đã thoả thuận với nhà đầu tư và được chấp thuận.

"Tuy nhiên, khi xoá trạm này nhập vào trạm kia thì phải kéo dài thêm thời gian thu phí, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải kéo dài thêm thời gian trả nợ ngân hàng nhưng nhà đầu tư vẫn chấp nhận để đảm bảo khoảng cách tối thiểu. Bên cạnh đó, việc sát nhập này cũng giúp cho lái xe bớt được một khoản tiền qua một trạm thu phí" - ông Trường cho biết.

Còn với trạm Bảo Lộc, Bộ Giao thông vận tải đã thỏa thuận với nhà đầu tư sẽ mua lại trạm thu phí này để dịch chuyển sang vị trí khác, khi đó khoảng cách giữa hai trạm là 71 km. Việc này theo ông Trường, thực chất là nhà đầu tư mua lại chứ không phải Bộ Giao thông vận tải.

Ông Trường cũng nói thêm, "đây mới là phương án trình Chính phủ, nếu được Chính phủ cho phép Bộ mới tiến hành xoá bỏ và dịch chuyển trạm. Việc sáp nhập trạm thu phí sẽ không làm tăng mức thu" - ông Trường nói.

Liên quan tới việc thu phí trên các tuyến Quốc lộ, trong ngày khai mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8, khi bàn về dự án Luật Phí, lệ phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiện tại có những khoản thu còn tuỳ tiện, “khi đưa vào danh mục và khi đề nghị rút ra lý sự không chắc”. “Ngay phí qua trạm trên đường thôi mà cải cách lên xuống vẫn phiền hà. Trong khi rất nhiều khoản phí lệ phí theo luật này ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Nói tên phí, loại phí thôi đã mệt mà nay mai thủ tục cho phí đó chưa biết thế nào thì có khổ dân không?" - Chủ tịch nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, "phí hay lệ phí thì cũng phải minh bạch, cái gì giảm được thì giảm, phí phải đúng tính chất là phí, cái nào là giá".

Chủ tịch nêu vấn đề, đường cao tốc Bộ Giao thông vận tải thu tiền là giá hay phí? "Sao gọi là phí, nó là giá dịch vụ qua đường để trả cho nhà đầu tư chứ. Ta phải nộp phí gì: chỉ có phí mãi lộ qua đường, chứ làm gì có phí qua đường, ở Việt Nam có đường là đi, đó là quyền con người, nhưng anh muốn qua thì phải trả tiền tôi vệ sinh đường cho anh đi, đó là không phải là phí, tính chất phí là gắn yếu tố nhà nước vào đó".

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, chỉ Quốc hội mới được quyền quyết định thu những loại phí, lệ phí nào. Trong trường hợp chưa thể sửa luật, Quốc hội có thể phân quyền cho ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Chính phủ, HĐND chỉ được phân quyền quyết định mức thu phí, lệ phí cụ thể, chứ không được quyền “sinh” thêm ra bất cứ một loại phí, lệ phí nào…/.

Thái Linh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ